Doanh nghiệp đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa

23/03/2023 12:01 PM

(Chinhphu.vn) - Trong những tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đã tăng khoảng 13% so với cùng kỳ năm 2022. Con số này cho thấy, thị trường nội địa đã tạo cơ hội cho doanh nghiệp trong nước tiêu thụ hàng Việt.

Doanh nghiệp đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa - Ảnh 1.

Thị trường nội địa đã tạo cơ hội cho doanh nghiệp trong nước tiêu thụ hàng Việt. Ảnh: VGP/Thùy Linh

"Điểm tựa" cho nhiều doanh nghiệp

Phát triển thị trường trong nước, thúc đẩy xuất khẩu là những chỉ đạo mới nhất của Chính phủ nêu tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 2/2023. Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đưa ra trong bối cảnh xuất khẩu hàng hóa sụt giảm mạnh do sức mua của nhiều thị trường toàn cầu yếu đi.

Có thể nói rằng, thị trường nội địa đang là "điểm tựa" cho nhiều doanh nghiệp lúc này, khi kinh tế khó khăn, sức mua tại các thị trường đối tác giảm mạnh, khiến đơn đặt hàng suy giảm. Khai thác tốt thị trường trong nước là một trong những giải pháp giúp doanh nghiệp có thêm dư địa duy trì được tăng trưởng trong dài hạn.

Ngành gỗ nội thất là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực, tuy nhiên từ cuối năm 2022 đến nay các doanh nghiệp gỗ nội thất không thể xuất khẩu do thiếu đơn hàng trầm trọng. Trong bối cảnh ấy, nhiều đơn vị đã dành một phần nguồn lực để cung ứng hàng hóa cho thị trường nội địa, coi đây là giải pháp cứu cánh cho hoạt động xuất khẩu.

Chủ tịch HĐQT Công ty CP chế biến gỗ Đức Thành Lê Hải Liễu chia sẻ, ngay từ những tháng cuối năm 2022, bên cạnh xuất khẩu, công ty đã triển khai làm hàng hóa đưa vào thị trường nội địa tiêu thụ giúp cho nhà máy duy trì sản xuất.

"Nếu như những năm trước, tỉ trọng xuất khẩu của gỗ Đức Thành thường chiếm khoảng 85%-86%, thậm chí có lúc 88% so với tổng doanh thu, thì hiện doanh nghiệp đặt ra mục tiêu trong năm 2023, tỉ trọng nội địa sẽ tăng trên 20%", bà Liễu chia sẻ.

Đánh giá về tiềm năng của thị trường nội địa, ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Công ty May 10 nhận định, với quy mô dân số 100 triệu dân, Việt Nam sẽ là thị trường tiêu dùng hàng dệt may tiềm năng cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, thu nhập bình quân đầu người đang tăng lên, cùng với sự gia tăng của nhóm dân số trung lưu cũng hứa hẹn mức chi tiêu cho các mặt hàng may mặc tại Việt Nam tăng trưởng nhanh hơn.

Cần thêm cơ chế, chính sách hỗ trợ

Thực tế cho thấy để hỗ trợ đơn vị sản xuất quảng bá, tiêu thụ sản phẩm Việt trong hoàn cảnh hoạt động xuất khẩu gặp khó khăn, doanh nghiệp bán lẻ cũng đẩy mạnh các chương trình kích cầu qua đó hỗ trợ đưa sản phẩm ra thị trường 100 triệu dân tiêu thụ.

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, Sở Công Thương Hà Nội đang vận động các đơn vị bán lẻ tăng chiết khấu ưu đãi, chia sẻ chiết khấu và chi phí khác để giảm áp lực tăng giá bán. Thông qua hoạt động này, doanh nghiệp bán lẻ liên tục triển khai các chương trình khuyến mãi giảm giá hàng hóa vượt mức 50%.

Sở Công Thương đã và đang chủ trì phối hợp với các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã triển khai Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" và các chương trình xúc tiến thương mại.

Thành phố cũng giao các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã chủ động nắm tình hình và tăng cường phối hợp, đẩy mạnh cải cách hành chính để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh và thực hiện các chương trình khuyến mại, kích cầu tiêu dùng.

Theo các chuyên gia kinh tế, với quy mô 100 triệu dân, mức sống người dân ngày càng gia tăng nên thị trường nội địa cũng là "miếng bánh" hấp dẫn để doanh nghiệp khai thác trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn khi xuất khẩu.

Tuy nhiên, yêu cầu của người tiêu dùng nội địa cũng ngày càng khắt khe. Do đó với nhiều doanh nghiệp, để quay trở lại sân nhà đòi hỏi nhà nước có thêm cơ chế, chính sách hỗ trợ về nguồn vốn, xây dựng mối liên kết với nhà bán lẻ…Qua đó kích thích tiêu dùng, khôi phục và ổn định kinh tế.

Theo chuyên gia kinh tế, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, cần có giải pháp thúc đẩy thị trường trong nước, tăng tiêu dùng nội địa. Bởi chỉ khi doanh nghiệp bán được hàng mới có tiền quay vòng sản xuất, chi trả lương cho người lao động, từ đó tác động trở lại đến tiêu dùng trong nước, giúp kinh tế hồi phục.

"Muốn kích cầu thị trường nội địa cần phải xây dựng quy hoạch phát triển sản xuất và hệ thống phân phối, đẩy mạnh hoạt động kết nối cung cầu, tạo ra mối liên kết giữa các doanh nghiệp, các địa phương để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm" , PGS. TS Đinh Trọng Thịnh nói.

Nhìn chung, trong giai đoạn hiện nay, thị trường trong nước xứng đáng để các nhà sản xuất quan tâm và tập trung khai thác. Để làm được điều này bên cạnh sự hỗ trợ của nhà nước đòi hỏi doanh nghiệp củng cố lại sản phẩm của mình sản xuất ra sản phẩm chất lượng tốt hơn.

Bích Phương

Top