Doanh nghiệp nhỏ và vừa "kêu khó" cần được hỗ trợ tháo gỡ
(Chinhphu.vn) - Theo ghi nhận từ Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội, cũng như thực tế tại một số doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn Hà Nội, hiện nay khó khăn lớn nhất của các Doanh nghiệp là khó tiếp cận vốn tín dụng, thiếu hụt lao động để thực hiện các đơn hàng Tết.
Vốn và lao động là những khó khăn chung ở nhiều doanh nghiệp
Ở thời điểm hiện tại đang là cao điểm của ngành xây dựng khi nhu cầu hoàn thiện nhà trước tết của người dân và các dự án tăng cao, vì vậy Công ty cổ phần Timestone Việt Nam đang phải chạy đua với thời gian để hoàn thành các đơn hàng đã được ký kết. Tổng giám đốc Công ty Nguyễn Thanh Hóa cho biết, mặc dù số lượng đơn hàng và sản lượng của các đơn hàng gia tăng, nhưng khó khăn lớn nhất chúng tôi gặp phải đó là nhân sự. Chúng tôi đã tuyển dụng nhưng số lượng nhân sự được tuyển không đủ bù đắp số nhân sự nghỉ sau dãn cách; chất lượng nhân sự được bù đắp cũng không được như mong muốn.
Cũng theo ông Nguyễn Thanh Hóa, doanh nghiệp nhỏ như của Doanh nghiệp Timestone rất khó tiếp cận nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng. Trong khi đó, giá nguyên vật liệu tăng do tỷ giá tăng, nhu cầu tiêu dùng của người dân giảm. Do vật, rấy khó để chúng tôi đạt được mục tiêu đề ra năm nay", Ông Thanh Hóa chia sẻ
Quý 1/2 năm 2023, nhóm ngành nghề xây dựng sẽ vẫn gặp những khó khăn về giá cả nguyên vật liệu, nguồn vốn, nhu cầu tiêu dùng của người dân, Công ty cổ phần Timestone kiến nghị Chính phủ có những chính sách hỗ trợ giảm lãi suất, gia hạn mức tín dụng và thời hạn, giảm thiểu thủ tục rườm rà để đoanh nghiệp và người dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay. Doanh nghiệp cũng kiến nghị TP. Hà Nội tiếp tục có những chính sách hỗ trợ người lao động như đào tạo tay nghề, Hỗ trợ nhà ở, …) để thu hút nguồn lao động ngoại tỉnh.
Ở lĩnh vực công nghệ, một trong 10 startup nổi bật của Việt Nam như Inmergers cũng đang gặp phải khó khăn tương tự. Theo bà Thảo Nguyễn, Tổng Giám đốc Inmergers, do đặc thù các doanh nghiệp trong nước chưa áp dụng số hóa và vẫn có thói quen sử dụng hình thức xử lý giao dịch truyền thống nên các hoạt động thúc đẩy kinh doanh của Inmergers dù được triển khai từ quý 2 năm 2022 nhưng vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh việc tiếp cận nguồn khách hàng mới, Công ty sẽ mất thêm thời gian trong việc định hướng thói quen áp dụng công nghệ để xử lý các giao dịch truyền thống. Với những khó khăn trên, việc phát triển kinh doanh của Inmergers chưa đạt được như kỳ vọng.
Dự báo về triển vọng của tăng trưởng trong thời gian tới, bà Thảo Nguyễn cho rằng nhu cầu M&A theo đánh giá là nhu cầu không thể thiếu trong chiến lược phát triển dài hạn của doanh nghiệp. Cùng với đó là những khó khăn các doanh nghiệp gặp phải trong giai đoạn COVID-19 vừa qua và được dự báo trong năm kế tiếp 2023 còn nhiều khó khăn nên việc tăng trưởng của hoạt động M&A là rất đáng để kỳ vọng. Bên cạnh đó, việc các nhà đầu tư nước ngoài cũng đang có xu hương dịch chuyển đầu tư từ các quốc gia Châu Á khác về Việt Nam cũng là một tín hiệu tương đối khả quan cho sự tăng trưởng của Công ty trong thời gian tới.
Trước những khó khăn và thuận lợi hiện nay, Inmergers rất mong nhận được sự quan tâm của Nhà nước và các cơ quan quản lý chính quyền thành phố tạo điều kiện kết nối Inmergers với cơ quan chủ quản trong lĩnh vực đầu tư là Bộ Kế hoạch đầu tư, Bộ tài chính, Sở kế hoạch đầu tư Hà Nội và Sở kế hoạch đầu tư thành phố HCM… để Inmergers có cơ hội phối hợp với các chương trình xúc tiến đầu tư của Chính phủ Việt Nam
Bên cạnh đó, Thành phố cần thường xuyên tổ chức các Hội thảo chuyên đề, Tọa đàm khoa học về xu hướng công nghệ, ươm mầm khởi nghiệp thành công, kết nối đầu tư, chia sẻ kinh nghiệm phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo; chia sẻ kinh nghiệm, bài học về chuyển đổi mô hình nhằm thích ứng và bứt phá sau đại dịch… và tạo điều kiện để Inmergers được tham gia vào chương trình đó. Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, quỹ đầu tư trong nước và quốc tế hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; ươm mầm cho những ước mơ, chắp cánh các ý tưởng khởi nghiệp, thúc đẩy phát triển
Tổng giám đốc Inmergers cũng kỳ vọng chính quyền Thành phố cũng như Chính phủ thúc đẩy hơn nữa hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và các quốc gia trong khu vực có nhiều hoạt động đầu tư vào Việt Nam như Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản…
Đại diện lãnh đạo, Công ty cổ phần Hà Yến cho biết, hiện nay, thị trường xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn của Hà Yến là Mỹ và Canada. Hiện nay tỷ lệ đơn hàng bị giảm 50% so với năm 2021 do giá kém cạnh tran. Nguyên vật liệu đầu vào (inox, linh kiện) cao hơn nhiều so với nước ngoài (TQ); chi phí trong nước nhiều và tăng cao hơn.
Tại thị trường nội địa, Hà Yến là nhà thầu, và các dự án bất động sản nghỉ dưỡng của các chủ đầu tư là các tập đoàn kinh doanh bất động sản lớn: hotel, resort … bị đóng băng, ngâm vốn, nợ kéo dài, một số không có khả năng chi trả trong ngắn hạn. Rất nhiều dự án Hà Yến đã trúng thầu nhưng không thể triển khai được hoặc không dám ký hợp đồng vì sợ khách không có khả năng chi trả.
Theo Giám đốc Công ty Hà Yến Nguyễn thị Lan Anh, hiện nay việc tiếp cận sự hỗ trợ từ một số chính sách của Chính phủ còn gặp khó khăn vì còn chưa rõ ràng. Do hoạt động khó khăn nên việc tiếp cận nguồn vốn cũng gặp khó. Lao động dư thừa.
Trước tình hình này, Hà Yến kiến nghị giảm lãi vay và rới lỏng các chính sách tín dụng. Hỗ trợ và tổ chức các chương trình kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp nội địa, các doanh nghiệp nội khối một cách thiết thực hiệu quả hơn.
Nhiều chương trình và hành động cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp trước khó khăn
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, 11 tháng năm 2022, Hà Nội có 27,6 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước; vốn đăng ký đạt 312,4 nghìn tỷ đồng, tăng 4%; thực hiện thủ tục giải thể cho 3,2 nghìn doanh nghiệp, tăng 4%; 15,8 nghìn doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 41%; 9,3 nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 0,2%.
Dự báo kinh tế trong nước năm 2023 sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi chịu tác động của những bất ổn kinh tế - chính trị thế giới; chịu ảnh hưởng bất lợi của biến động tỷ giá, lãi suất cho vay; sự khan hiếm nguồn cung cùng với sự tăng giá nhiều yếu tố đầu vào... Đây là những yếu tố ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của doanh nghiệp.
Trước bối cảnh đó, Lãnh đạo TP. Hà Nội thường xuyên có các cuộc làm việc, nắm bắt khó khăn của doanh nghiệp, và chỉ đạo các ngành tập trung tháo gỡ khó khăn, khẳng định, chính quyền thành phố cam kết tiếp tục đồng hành mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa cùng các doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp Thủ đô, với phương châm "lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ", "thành công của các nhà đầu tư, doanh nghiệp chính là thành công của chính quyền thành phố".
Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cũng cho biết, dịp cuối năm, đơn vị sẽ tăng cường kết nối phiên giao dịch việc làm với các địa phương để tăng cơ hội tìm việc cho người lao động, doanh nghiệp tuyển dụng được nhân sự và nhân lực đáp ứng nhu cầu hoạt động sản xuất kinh doanh. Theo khảo sát mới đây của Trung tâm, thị trường lao động việc làm tại Hà Nội và phía Bắc tương đối ổn định. Một số doanh nghiệp da giày, may mặc bị ảnh hưởng bởi các đơn hàng sụt giảm nhưng chủ yếu ở phía Nam.
Hiện Trung tâm đang tăng cường khảo sát, nắm bắt thông tin thị trường, tăng cường kết cung cầu trên thị trường lao động để có tư vấn kịp thời cho người lao động khi đến tìm hiểu thông tin tại Sàn giao dịch việc làm và điểm sàn vệ tinh, góp phần thúc đẩy giải quyết việc làm cho người lao động đồng thời giúp doanh nghiệp tăng tốc, bức phá hoàn thành các đơn hàng với đối tác và chuẩn bị kế hoạch dài hạn cho năm sau.
Ông Mạc Quốc Anh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội (HANOISME) cho rằng, công tác cải cách hành chính gắn với xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số và nền hành chính công hiện đại đã được thành phố Hà Nội đặc biệt chú trọng, hướng đến việc giảm thời gian, giảm chi phí cho doanh nghiệp chính là sự đồng hành, hỗ trợ của chính quyền Thủ đô đối với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Cũng theo ông Mạc Quốc Anh, bên cạnh đó, thời gian tới, chúng tôi cũng mong muốn TP. Hà Nội tiếp tục tăng cường đối thoại với HANOISME, lãnh đạo các doanh nghiệp Thủ đô. Bên cạnh đó tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh với cộng đồng doanh nghiệp. Đồng thời, mạnh dạn có báo cáo cụ thể với Trung ương để tháo gỡ về kinh tế vĩ mô, bắt kịp ổn định về giá cả, lạm phát cho cộng đồng doanh nghiệp và có những dự báo vĩ mô, vi mô kịp thời để giúp cho doanh nghiệp có thể xây dựng chiến lược phát triển trong thời gian tới.
Theo ông Mạc Quốc Anh, cuộc đối thoại để Lãnh đạo Thành phố được tổ chức trong để trực tiếp lắng nghe, tiếp nhận thông tin, ý kiến đóng góp từ các doanh nghiệp, nhà đầu tư hiện được các Doanh nghiệp kỳ vọng sẽ kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh, phục hồi tăng trưởng.
Minh Anh – Kim Liên