Độc đáo ‘Không gian sáng tạo làng nghề Hà Nội’

10/11/2023 8:47 AM

(Chinhphu.vn) - Tối 9/11, nằm trong khuôn khổ lễ khai mạc Chương trình Festivak bảo tồn làng nghề Việt Nam, thực hiện chỉ đạo của UBND TP. Hà Nội, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP. Hà Nội (HPA) chủ trì tổ chức “Không gian sáng tạo làng nghề Hà Nội”.

Độc đáo ‘Không gian sáng tạo làng nghề Hà Nội’ - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng các đại biểu thăm quan gian hàng tại khu "Không gian sáng tạo làng nghề Hà Nội". Ảnh: VGP/TL

Sự kiện được tổ chức nhằm bảo tồn, gìn giữ, tái hiện và phát huy bản sắc các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; hình thành các nét văn hóa đương đại của làng nghề Việt Nam, trong đó lấy các làng nghề của TP. Hà Nội làm trung tâm để lan tỏa đến các địa phương khác. Quảng bá, tôn vinh các làng nghề truyền thống, các nghệ nhân, thợ giỏi, người lao động trong các làng nghề.

Đồng thời, khơi dậy tình yêu các nghề truyền thống của thế hệ trẻ, qua đó thu hút lực lượng lao động trẻ, có trình độ tham gia vào hoạt động sản xuất kinh doanh của các làng nghề.

HPA đã phối hợp với các quận, huyện, Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội, Hiệp hội xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam lựa chọn các làng nghề, nghệ nhân tham gia; đến nay đã lựa chọn được 30 làng nghề thuộc 16 quận huyện, 1 nghệ nhân sản phẩm mới (hoa đất) và 1 phố nghề (cốm Hàng Than) tham gia trưng bày; hơn 30 nghệ nhân và thợ giỏi tham gia trình diễn sản phẩm tại Festival Bảo tồn và Phát triển làng nghề Việt Nam năm 2023.

Độc đáo ‘Không gian sáng tạo làng nghề Hà Nội’ - Ảnh 2.

Người dân tham quan tại khu "Không gian sáng tạo làng nghề Hà Nội". Ảnh: VGP/TL

Với quy mô khoảng hơn 2000m2, khu "Không gian sáng tạo làng nghề Hà Nội" được dàn dựng, trang trí thành không gian chung tương đương 80 gian hàng trưng bày các sản phẩm thủ công tiêu biểu, đặc trưng của các làng nghề Hà Nội, bao gồm: 1 nhà chính (mô phỏng mái đình Chu Quyến, Ba Vì) trưng bày các sản phẩm như đồ thờ truyền thống sơn son thếp vàng, khảm trai ốc, đồ đồng, tán, lọng, tranh gỗ đục chạm. Tại đây sẽ bố trí không gian trình diễn các tiết mục nghệ thuật thuộc danh mục văn hóa phi vật thể, nghệ thuật dân gian; các gian kế bên bố trí diện tích trình diễn sản phẩm.

Bên cạnh đó, là 5 cụm trưng bày của các làng nghề Hà Nội dự kiến trưng bày sản phẩm như lụa, tranh thêu; nón, mây tre đan, quạt, tò he; gốm sứ, sơn mài, sừng mỹ nghệ; gỗ mỹ nghệ, sản phẩm dát quỳ vàng, đồ đồng... Ngoài ra còn có 1 khu triển lãm ảnh các làng nghề Hà Nội và các tiểu cảnh trang trí.

Độc đáo ‘Không gian sáng tạo làng nghề Hà Nội’ - Ảnh 3.

Khu "Không gian sáng tạo làng nghề Hà Nội" được trang trí rất bắt mắt với nhiều sản phẩm làng nghề truyền thống, thủ công mỹ nghệ của Thủ đô. Ảnh: VGP/TL

Du khách khi đến Không gian sáng tạo làng nghề Hà Nội còn được thưởng thức các màn trình diễn sản phẩm của các nghệ nhân cũng như trải nghiệm làm thử sản phẩm.

Sự kiện cũng tạo môi trường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, kiến thức về sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, làng nghề của Việt Nam với các nước trên thế giới. Kết nối giữa các doanh nghiệp thu mua, tiêu thụ sản phẩm với các làng nghề, làng nghề truyền thống để thúc đẩy tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm và cải thiện thu nhập cho người lao động.

Không gian sáng tạo làng nghề Hà Nội sẽ diễn ra đến hết ngày 12/11/2023 tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long (19C Hoàng Diệu, phường Điện Biên, quận Ba Đình, TP. Hà Nội).

Thùy Linh

Top