Đời sống đi lên nhờ cây Bưởi

06/01/2016 12:08 PM

(Chinhphu.vn) - Sau 5 năm thực hiện kế hoạch phát triển cây Bưởi giai đoạn 2011-2015 tại Hà Nội, đến nay việc trồng bưởi đã mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với các cây trồng khác, nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống cho bà con nông dân.

Mô hình trồng bưởi ở xã Cát Quế, huyện Hoài Đức. Ảnh: Tú Mai

Hiệu quả kinh tế từ trồng bưởi

Theo bà Hoàng Thị Hòa, Giám đốc Trung tâm phát triển cây trồng Hà Nội, Hà Nội có điều kiện thuận lợi để phát triển cây ăn quả như đất đai, lao động, thị trường… đồng thời là nơi có nhiều loại cây ăn quả đặc sản như Bưởi Diễn, Cam Canh, Nhãn chín muộn, Hồng xiêm Xuân Đỉnh. Trong đó, hiệu quả kinh tế thu được từ cây bưởi cao gấp nhiều lần so với các cây khác ( 400-500 triệu đồng/ha/năm).

Cây Bưởi được trồng tập trung tại các vùng đất bãi ven sông thuộc các huyện Phúc Thọ, Đan Phượng, Hoài Đức. Vì khi được trồng tại các vùng đất bãi ven sông cây bưởi thường có sự sinh trưởng, phát triển tốt; trình độ thâm canh của người dân cao hơn các vùng khác và mang lại năng suất quả tương đối ổn định. Riêng huyện Hoài Đức trồng nhiều giống bưởi khác nhau như: Bưởi đường La Tinh xã Đông La, bưởi Quế Dương xã Cát Quế, bưởi Đường Cát Quế xã Cát Quế, Bưởi Diễn các dạng, bưởi đào. Do trồng xen nhiều giống bưởi nên vùng bưởi Hoài Đức năng suất luôn đạt ở mức cao, ổn định qua các năm, đặc biệt là giống bưởi Diễn tôm vàng.

Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Hữu Hảo, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cát Quế, huyện Hoài Đức cho biết, đối với người nông dân làm nông nghiệp lo ngại nhất là được mùa mất giá, vì vậy địa phương đã tuyên truyền vận động bà con trồng đa dạng giống bưởi. Hiện nay tại địa phương có 3 giống bưởi chính cho thu hoạch từ rằm tháng 8 như: bưởi đường Cát Quế (bưởi chín sớm) thu hoạch trong tháng 9 dương lịch; bưởi Quế Dương thu hoạch trong tháng 10 và bưởi Diễn thu hoạch cuối tháng 12 hoặc đầu tháng 1 tùy theo tình hình thời tiết. Trong đó giống bưởi chín sớm được các thương lái và người tiêu dùng đánh giá là ngon không thua kém bưởi Diễn và có ưu điểm ngay trong năm đầu tiên đã cho quả chất lượng ngon, dễ chăm sóc. Qua việc áp dụng kỹ thuật tại một số nhà vườn trồng bưởi, từ năm 2010 đến nay đều cho thu nhập từ 120 đến 160 triệu đồng như hộ ông Nguyễn Duy Chung (3 sào vườn cho thu nhập từ 130 -160 triệu đồng); hộ ông Nguyễn Văn Mười ( 2,5 sào vườn nhiều năm đều cho thu hoạch từ 110-160 triệu đồng)… đặc biệt, hộ ông Nguyễn Danh Đỉnh, 1 sào bưởi cho thu nhập khoảng 120 triệu đồng.

Xét trên toàn thành phố, sau 5 năm thực hiện, Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội đã tổ chức thâm canh, trồng mới và chăm sóc đạt 772 ha bưởi. Qua đó các vùng trồng bưởi đã có nhiều thay đổi nhận thức về chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới như sử dụng túi bao quả, cắt tỉa, xử lý ra hoa đậu quả. Giá trị sản phẩm của mô hình thâm canh bưởi Diễn năm 2011-2014, ước đạt năm 2015 tăng hơn so với năm 2010 ( khi chưa áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật mới ) tăng từ 135 triệu đến 225 triệu đồng/ha/năm. Trước năm 2011, qua đánh giá bưởi của các vùng thấp chỉ đạt 12-15 tấn/ha giá trị sản phẩm cũng chỉ đạt 200-250 triệu/ha, sau khi thực hiện Đề án phát triển một số loại cây ăn quả giá trị kinh tế cao các vùng từng bước được hỗ trợ về tập huấn kỹ thuật, các vật tư kỹ thuật, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật do đó năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm bưởi tăng dần qua các năm, năng suất đạt trung bình từ 18-20 tấn/ha giá trị sản phẩm đạt 400-500 triệu/ha.

Bà Hoàng Thị Hòa cho rằng, kết quả của Đề án sản xuất cây ăn quả giá trị kinh tế cao đã đáp ứng được mục tiêu của Chương trình số 02/CT-TU của Thành ủy Hà Nội về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đồng thời góp phần đảm bảo an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội và góp phần xây dựng đời sống văn hóa mới ở nông thôn; xây dựng cộng đồng Làng xã bền vững ( tại các huyện Phúc Thọ, Hoài Đức, Sóc Sơn…)

Trong những năm qua, do quá trình đô thị hóa nên tại các vùng sản xuất bưởi truyền thống diện tích ngày càng bị thu hẹp. Qua việc triển khai đề án phát triển sản xuất cây ăn quả giá trị kinh tế cao đã tạo đà cho phát triển các vùng bưởi khác. Cán bộ và nông dân được đào tạo, tập huấn, áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất nên năng suất và sản lượng bưởi vẫn không ngừng tăng cao.

Phấn đấu đạt trên 3.000ha

Tuy nhiên, một số vùng bưởi chưa tiếp thu các ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Đa số các vùng trồng bưởi chưa áp dụng được qui trình kỹ thuật sản xuất an toàn. Công tác chỉ đạo kỹ thuật một số điểm chưa đảm bảo theo yêu cầu kỹ thuật đã làm ảnh hưởng đến hiệu quả mô hình. Kinh nghiệm về trồng, thâm canh và ứng dụng tiến bộ khoa học mới cây ăn quả như túi bao quả bưởi, của cán bộ, nông dân bước đầu còn hạn chế. Tiêu thụ vẫn chủ yếu qua các thương lái theo hình thức thuận mua vừa bán, chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa người sản xuất và các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm lớn, nên vấn đề đầu ra cho sản phẩm bấp bênh, không ổn định, tùy thuộc vào từng vụ. Sản lượng bưởi hàng năm đạt khoảng trên 40 nghìn tấn. Nhưng hiện nay phần lớn bưởi ở Hà Nội tiêu thụ ở dạng quả tươi và hầu hết không qua sơ chế, đóng gói nhãn mác và chủ yếu là do nông dân tự tiêu thụ thông qua tư thương và thị trường tiêu thụ chủ yếu tại Hà Nội.

Vì vậy, trong giai đoạn tiếp theo (2016-2020), Trung tâm phát triển cây trồng sẽ phối hợp với các huyện, các địa phương qui hoạch, phát triển vùng trồng mới bưởi. Xây dựng nên các vùng sản xuất Bưởi an toàn, bền vững. Phấn đấu đến năm 2020, tổng diện tích sản xuất bưởi toàn thành phố đạt trên 3.000ha. Đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật đồng bộ hóa, đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất bưởi. Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn về quản lý, kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế, bảo quản và xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm cho cán bộ, nông dân các vùng trồng bưởi. Đồng thời, phát triển bưởi Diễn là giống cây ăn quả chủ lực của thành phố Hà Nội, trồng xen 2-3 giống bưởi khác loại tại các vườn bưởi Diễn tôm vàng, phát triển đa dạng hóa các giống bưởi. Xây dựng mạng lưới quản lý chuỗi sản phẩm từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ.

Bên cạnh đó , cần thường xuyên bình tuyển, đánh giá cây đầu dòng để tạo nguồn mắt ghép tốt phục vụ cho sản xuất giống. Tăng cường công tác quản lý, giám sát các cơ sở sản xuất cây giống nhằm nâng cao chất lượng cây giống đưa vào sản xuất. Đa dạng hóa các giống bưởi theo vùng để có sự thụ phấn chéo. Tập trung chỉ đạo sản xuất bưởi theo qui trình an toàn, sản xuất VietGAP. Ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăm sóc để nâng cao chất lượng quả bưởi cũng như công nghệ bảo quản cận và sau thu hoạch.

Tiếp tục khai thác tốt các thị trường tiêu thụ truyền thống và xây dựng hệ thống phân phối chuyên nghiệp, hiệu quả, kết nối với các doanh nghiệp, tiêu thụ lâu dài và ổn định cho cây bưởi. Nghiên cứu, nắm chắc tình hình thị trường, dự báo sản lượng tiêu thụ cụ thể cho từng thị trường và đưa vào chuỗi liên kết sản xuất-chế biến-tiêu thụ.

 

Tú Mai

Top