Dồn tổng lực để xử lý cây xanh gãy, đổ sau cơn bão số 3

09/09/2024 6:16 PM

(Chinhphu.vn) - Mặc dù các lực lượng chức năng đang rất khẩn trương, nỗ lực giải tỏa, dọn dẹp các cây xanh gãy đổ do cơn bão số 3 Yagi gây ra. Tuy nhiên, do số lượng cây gãy đổ quá nhiều, vẫn còn một vài nơi trên địa bàn TP. Hà Nội chưa hoàn tất. Các lực lượng chức năng đang dồn tổng lực để sớm hoàn thành việc xử lý cây xanh gãy đổ trên địa bàn.

Ngày 9/9, lực lượng chức năng trên địa bàn thành phố Hà Nội tiếp tục tập trung người và phương tiện để khắc phục sự cố cây gãy, đổ do bão số 3 gây ra.

Dồn tổng lực để xử lý cây xanh gãy, đổ sau cơn bão số 3- Ảnh 1.

Cây xanh gãy đổ do cơn bão số 3 gây ra trên phố Trúc Bạch, Ba Đình - Ảnh: VGP/Thùy Chi

Đối với Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO), ngay từ trước khi bão đổ về, công ty đã huy động 100% cán bộ, công nhân sẵn sàng ứng trực 24/24. Mấy ngày nay, 100% cán bộ. công nhân và máy móc tham gia hết công suất để dọn dẹp vệ sinh môi trường, khắc phục hậu quả do ảnh hưởng của bão số 3. Cùng với đó, lực lượng quân đội, công an, Đoàn Thanh niên và người dân cũng chung tay dọn dẹp, khắc phục sự cố cây gãy đổ do "siêu bão" gây ra.

Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội Phạm Văn Đức cho biết, khi bão tan, Công ty đã phối hợp với Ban quản lý Đầu tư xây dựng, UBND các quận, huyện tổ chức dọn dẹp vệ sinh môi trường hết công suất, nhằm bảo đảm mỹ quan đô thị, phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của nhân dân.

Còn theo đại diện Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội, công ty đã huy động 100% lực lượng và toàn bộ các trang thiết bị, phương tiện, dụng cụ phòng chống thiên tai, bố trí lực lượng ứng trực sẵn sàng để đáp ứng yêu cầu giải toả cây đổ, cành gẫy do bão số 3.

Tính đến 15h ngày 8/9, theo thống kê chưa đầy đủ trên địa bàn Công ty được giao quản lý bão số 3 đã làm khoảng 3.000 cây đổ, bật gốc và có khoảng 3.500 trường hợp cành cây gãy trên các tuyến đường phố. Công ty đã thực hiện giải tỏa, bảo đảm thông đường được trên 30% các trường hợp cây đổ, cành gẫy. Các đơn vị của Công ty đã và đang tiếp tục kiểm tra, rà soát và tiếp cận hiện trường tại các vị trí cây đổ, cành gãy để thực hiện giải tỏa, giải phóng giao thông trên đường phố, thu dọn hiện trường, bảo đảm vệ sinh môi trường.

Theo thống kê của thành phố Hà Nội, tính đến 14h ngày 8/9, mưa gió do bão số 3 khiến hơn 25.156 cây đổ và cành gãy trên địa bàn thành phố. Cụ thể, có tới hơn 24.800 cây đổ, tập trung nhiều ở các địa phương: Hoàng Mai, Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh, Nam Từ Liêm. Đáng chú ý, có nhiều cổ thụ cả trăm năm tuổi cũng bị bật gốc, gãy đổ, gắn với nhiều địa danh lịch sử, khiến nhiều người tiếc nuối.

Về công tác giải tỏa cây xanh, theo báo cáo của Sở Xây dựng, các đơn vị huy động 100% lực lượng, phương tiện thực hiện giải tỏa cây gãy đổ do bão số 3 với khoảng 570 người, 80 xe máy các loại, 100 cưa máy, 100 cưa tay.

Đến chiều ngày 8/9, các đơn vị duy trì cây xanh đã huy động toàn bộ lực lượng, phương tiện ra hiện trường để giải tỏa, thu dọn đảm bảo giao thông được trên 970 cây đổ, giải tỏa hơn 800 cành gãy.

Hiện các lực lượng chức năng đang dồn tổng lực để sớm hoàn thành việc giải tỏa, xử lý cây xanh gãy đổ trên địa bàn theo chỉ đạo của lãnh đạo UBND TP. Hà Nội.

Quận Ba Đình: Gần 95% cây xanh gãy, đổ đã được xử lý

Theo UBND quận Ba Đình, tính đến sáng 9-9, toàn quận có 803 cây xanh gãy, đổ. Sau thời gian tập trung tổng lực, các lực lượng chức năng quận đã xử lý 762 sự cố (gần 95%), hiện đang tiếp tục xử lý đối với 41 sự cố. Ngoài ra, ước tính khoảng gần 100 cây xanh bị gãy, đổ trong khuôn viên Công viên Bách Thảo và các vườn hoa, công viên trên địa bàn quận.

Trong bão số 3, trên địa bàn quận Ba Đình còn xảy ra 26 sự cố gãy, đổ cột điện, dây viễn thông, trạm biến áp trên địa bàn 9 phường; đến nay đã xử lý được 20/26 sự cố.

Ghi nhận trong sáng 9-9, Chủ tịch UBND phường Ngọc Khánh Viên Hải Tuệ cho biết, lực lượng chức năng phường đã phối hợp xử lý, giải tỏa xong 2 cây bàng nghiêng, đổ chắn lối vào của xe cấp cứu tại cổng Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, bảo đảm hoạt động cho cơ sở y tế.

Tại phường Đội Cấn, trong sáng cùng ngày, Chủ tịch UBND phường Đội Cấn Ngô Thị Minh Hằng cho biết, các lực lượng đang tập trung giải tỏa cây đổ ảnh hưởng đến lưới điện và một số cây gãy, đổ khác ảnh hưởng đến nhà dân tại ngõ 210 phố Đội Cấn.

Quận Bắc Từ Liêm xử lý cây gãy, đổ xong trong ngày 9-9

Đại diện UBND quận Bắc Từ Liêm cho biết, trên địa bàn quận có 1.944 cây cây xanh bị gãy, đổ do cơn bão số 3; 146,5ha cây hoa màu bị ngập. Tính đến 6h sáng ngày 9-9, các điểm ngập úng đã rút nước, tình trạng ngập úng không đáng kể.

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn quận đã tập trung chỉ đạo các đơn vị và UBND các phường khẩn trương khắc phục tiếp trong thời gian sớm nhất để bảo đảm sinh hoạt của nhân dân.

Công ty Điện lực Bắc Từ Liêm huy động 100% quân số xử lý các sự cố mất điện, hiện đã khắc phục và khôi phục dần các trường hợp mất điện. Nguyên nhân chủ yếu do cây đổ vào đường điện nên phải cắt điện để bảo đảm an toàn trong quá trình xử lý cây, khi xử lý xong sẽ vận hành trở lại để phục vụ sinh hoạt của người dân.

Quận ủy - HĐND - UBND quận chỉ đạo các phòng, ban, ngành và UBND các phường tuyên truyền nhân dân tập trung khắc phục ảnh hưởng của bão số 3, hỗ trợ cùng chính quyền các cấp thực hiện tổng vệ sinh môi trường, vớt bèo cỏ rác, khơi thông cống rãnh lưu thông dòng chảy, hiện các điểm ngập úng cơ bản đã tiêu thoát. Xí nghiệp Thủy lợi Từ Liêm đã vận hành máy bơm tại Trạm bơm Tây Tựu 1, Tây Tựu 2 để tiêu thoát nước cho khu vực sản xuất nông nghiệp, hiện cơ bản nước đã rút.

Quận cũng bố trí 5 điểm tập kết cây xanh sau xử lý và triển khai phương án "4 tại chỗ", huy động lực lượng quân đội, dân quân tự vệ, công an, UBND các phường cùng sự hỗ trợ của nhân dân nhanh chóng xử lý cây gãy, đổ.

Đến 6h ngày 9-9, 1.497 cây đổ, gãy trên các tuyến đường giao thông chính của quận đã cơ bản được xử lý xong, bảo đảm giao thông trên các tuyến đường được thông suốt, thuận lợi. Một số cây gãy, đổ tiếp tục được xử lý hoàn tất trong ngày 9-9.

 Đẩy nhanh tiến độ giải tỏa cây xanh các khu vực trọng tâm

Sở Xây dựng Hà Nội tập trung khẩn trương phối hợp giải tỏa cây xanh các khu vực trọng tâm như: các trục đường chính, các tuyến đưa đón đoàn khách quốc tế, các trụ sở cơ quan Trung ương, ngoại giao, bệnh viện, trường học, 4 quận: Ba Đình, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Đống Đa.

Để khắc phục tình trạng cây xanh gãy đổ sau bão số 3, ổn định cuộc sống sinh hoạt cho Nhân dân, bảo đảm an toàn giao thông, bảo đảm vệ sinh môi trường, cảnh quan, mỹ quan đô thị trên địa bàn Thành phố, Sở Xây dựng Hà Nội đề nghị các sở: GTVT, TN&MT, GD&ĐT, VH&TT, Y tế, TT&TT; UBND các quận, huyện, thị xã Sơn Tây và các Ban quản lý dự án thành phố Hà Nội, trên cơ sở chức năng nhiệm vụ chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị chức năng, UBND cấp xã chủ động triển khai thực hiện các nội dung chỉ đạo của UBND Thành phố tại Văn bản số 2963/UBND-ĐT ngày 8/9/2024 theo phân cấp quản lý.

Tập trung quán triệt tất các đơn vị ưu tiên thực hiện có hiệu quả theo phương châm "bốn tại chỗ" (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ) và "ba sẵn sàng" (phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả);

Phối hợp cùng Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thành phố Hà Nội – Sở Xây dựng và các đơn vị quản lý, duy trì cây xanh tổ chức phân luồng giao thông tại các vị trí giải tỏa cây xanh đổ ngang đường gây cản trở giao thông; Chỉ đạo các đơn vị duy trì vệ sinh môi trường phối hợp thu dọn cành lá, cành cây, bảo đảm vệ vệ sinh môi trường, bảo đảm mỹ quan đô thị trên toàn địa bàn, đặc biệt là các vị trí vừa thực hiện giải tỏa cây xanh.

Đôn đốc, kiểm tra các trụ sở cơ quan, bệnh viện, trường học đóng trên địa bàn chủ động xây dựng phương án giải tỏa, chằng chống, trồng thay thế (nếu có) đối với cây xanh trong khuôn viên trụ sở, cơ quan đảm bảo an toàn; Kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư khu đô thị trên địa bàn chủ động giải tỏa cây gãy đổ do các chủ đầu tư quản lý, vận hành và trong khuôn viên cơ quan, nhà ở của các tổ chức cá nhân trên địa bàn quản lý theo phân cấp.

Các ban quản lý dự án của Thành phố chủ động rà soát, kiểm tra cây xanh trong phạm vi dự án và các khu vực quản lý để có phương án xử lý giải tỏa, chống dựng, thay thế… kịp thời, phù hợp, đúng quy định.

Giao Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thành phố Hà Nội căn cứ năng lực của các đơn vị trúng thầu được giao thực hiện công tác quản lý, duy trì hệ thống cây xanh, thảm cỏ trên địa bàn Thành phố để giao nhiệm vụ thực hiện giải tỏa cây gãy, đổ, chống dựng, thu hồi gỗ, củi phù hợp với tiến độ yêu cầu của Thành phố.

Với những trường hợp cần tập trung bảo đảm tiến độ có thể huy động các phương tiện, thiết bị hỗ trợ từ các đơn vị trong và ngoài ngành do Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thành phố Hà Nội chủ động điều tiết, điều hành trực tiếp; Với các trường hợp phát sinh, vướng mắc, khó khăn vượt thẩm quyền trong quá trình thực hiện, kịp thời báo cáo Sở Xây dựng để tổng hợp báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của UBND Thành phố.

Chủ động phối hợp cùng UBND các quận để rà soát, thống nhất vị trí đào trên vỉa hè để trồng lại và trồng thay thế, bổ sung cây xanh đảm bảo cảnh quan, mỹ quan đô thị; Xây dựng kế hoạch trồng lại, trồng bổ sung cây xanh đô thị tại các vị trí bị gãy, đổ không thể khắc phục; các cây trồng lại, trồng bổ sung cần đảm bảo về chủng loại, kích thước, đảm bảo kỹ thuật và chất lượng trồng, thời gian chăm sóc (lưu ý hệ thống cột chống phải chắc chắn để đảm bảo an toàn khi có gió, bão xảy ra và không ảnh hưởng tới quá trình sinh trưởng, phát triển của cây xanh.

Đối với cọc chống tạm thời sử dụng cọc chống từ các cây thu hồi tại nút giao cầu Vĩnh Thịnh để làm cọc chống cho các cây xanh trồng mới và cây có thể chống dựng tại chỗ trên địa bàn Thành phố). Tổng hợp báo cáo Sở Xây dựng kết quả thực hiện trước ngày 20/9/2024 để tổng hợp báo cáo UBND TP. Hà Nội.

Thùy Chi

Top