Tăng cường kiểm tra, khảo sát, sớm phát hiện những cây xanh nguy hiểm dễ gẫy đổ
(Chinhphu.vn) - Nhằm hạn chế tối đa thiệt hại do cây gãy đổ trong mùa mưa bão tại Hà Nội, công tác cắt tỉa cây xanh trên địa bàn TP. Hà Nội được triển khai rộng rãi.
Thời gian gần đây, Hà Nội xảy ra những trận mưa giông lớn khiến nhiều cây xanh bị gẫy đổ. Để giảm thiểu tối đa thiệt hại do cây xanh gẫy đổ trong mùa mưa giông tại Hà Nội, Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội tăng cường cắt tỉa cây xanh trên nhiều tuyến phố để bảo đảm an toàn trước mùa mưa bão.
Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội cho biết nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cây xanh bị gãy, đổ trong mùa mưa bão năm nay, công ty sẽ cắt, tỉa khoảng 90.000 - 100.000 cây xanh. Sau khi cắt, tỉa, công ty cây xanh sẽ tiến hành cho dọn dẹp ngay trong ngày.
Ngoài việc cắt, tỉa, công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội cũng tăng cường kiểm tra, khảo sát để sớm phát hiện những cây xanh nguy hiểm, đưa vào kế hoạch chặt hạ trước mùa mưa bão.
Nhiệm vụ quan trọng khác là triển khai ứng trực, giải tỏa cây xanh gãy, đổ trong mùa mưa, bão. Theo kế hoạch, các đơn vị duy trì cây xanh đều phải xây dựng kế hoạch ứng trực cụ thể, chi tiết cho từng vị trí, từng khu vực và cả kế hoạch ứng phó với tình huống cây bóng mát bị gãy, đổ do dông, lốc, mưa, bão gây ra có khối lượng lớn, từ 3.000 đến 5.000 cây và trên 5.000 cây.
Trong ngày 22/8, dọc các tuyến phố trên địa bàn thành phố Hà Nội như đường Nhật Chiêu, Lạc Long Quân (Tây Hồ), đường Nguyễn Như Uyên (Cầu Giấy),… đã được công nhân viên của Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội thực hiện cắt, tỉa và dọn dẹp cành cây có nguy cơ gãy, đổ.
Ngày 23/8, các công, nhân viên của Công ty tiếp tục cắt tỉa, chặt hạ cây xanh nguy cơ gẫy đổ tại quận Hồ Tây. Số cành cây được cắt tỉa, chặt hạ sẽ được đưa lên bãi rác Nam Sơn để xử lý.
Cây xanh không chỉ mang đến bóng mát và môi trường trong lành mà còn là một phần quan trọng trong cảnh quan đô thị. Tuy nhiên, mới đây vụ việc một nhánh cây dầu phân loại 3 (cây có kích thước lớn) trong công viên Tao Đàn (quận 1, TPHCM) bỗng nhiên gãy và rơi từ độ cao khoảng 25m khiến 2 người tử vong, 3 người bị thương, thêm một lần nữa cảnh báo về an toàn cây xanh trong đô thị.
Vấn đề này càng cấp bách hơn khi đang trong mùa mưa bão, những diễn biến bất thường, cực đoan của thời tiết có thể xảy ra bất cứ lúc nào và trong nhiều trường hợp, cây xanh gãy, đổ là điều bất khả kháng.
Nỗi lo về cây xanh gãy, đổ mỗi khi mưa, bão luôn thường trực với người dân ở các đô thị lớn. Cây xanh bị gãy, đổ có nhiều nguyên nhân khác nhau. Về khách quan, thường là do yếu tố thời tiết cực đoan, bất thường, mưa dông với cường độ rất mạnh đã giật gãy, đổ nhiều cây, kể cả những cây có đường kính lớn, lâu năm và cả những cây có cọc chống chắc chắn. Về chủ quan, cần phải đề cập đến công tác trồng, chăm sóc và quản lý cây xanh.
Thành phố Hà Nội có gần 2 triệu cây xanh đô thị. Từ vụ việc công viên Tao Đàn có thể thấy, nguy cơ cây xanh, nhất là những cây cổ thụ có thể gãy, đổ luôn là hiện hữu. Trong mùa mưa bão, nắng nóng và mưa dông bất thường, mối lo này càng cao hơn. Vì thế, yêu cầu đặt ra đối với đơn vị chức năng và các địa phương của thành phố là ngoài thực hiện nghiêm việc cắt, tỉa cây xanh theo kế hoạch hằng năm, cần tăng cường kiểm tra, khảo sát, đánh giá, sớm phát hiện những cây xanh nguy hiểm để sớm có phương án xử lý, loại bỏ ngay.
Việc này, ngoài quan sát cảm quan và đánh giá bằng kinh nghiệm, cần ứng dụng khoa học kỹ thuật để có thông tin chính xác nhất về chất lượng, sức khỏe của cây xanh; quan tâm thực hiện ở những khu vực trồng nhiều cây xanh thường tập trung đông người như công viên, trường học, bệnh viện, di tích, khu vui chơi giải trí, đường giao thông…
Các chuyên gia cho rằng, về lâu dài, trong quy hoạch, mở rộng đô thị cần nghiên cứu, lựa chọn và quy hoạch trồng cây xanh phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu và cảnh quan khu vực. Thực hiện việc này, cơ quan chức năng và các địa phương cần xác định, cây xanh đô thị ngoài các yếu tố tạo tán, còn phải bảo đảm tuổi thọ dài, an toàn cho người dân và công trình công cộng.
Ngoài ra, việc phát triển cây xanh đô thị, cần bảo đảm mục tiêu về tiêu chuẩn diện tích đất cây xanh công cộng; phân tích nhóm chủng loại cây trồng, cây bản địa, cây truyền thống đã thuần chủng làm cây chủ lực phát triển và liên tục khảo nghiệm để xây dựng danh mục cây trồng mới. Mục tiêu hướng đến là vừa tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp cho đô thị, vừa bảo đảm an toàn cho người dân.
Bên cạnh việc tăng cường giám sát, bảo đảm an toàn cho cây xanh của lực lượng chức năng; mỗi người dân cũng cần chung tay chăm sóc, bảo vệ cây xanh, tuyệt đối không có hành vi "bức tử" cây xanh, để Hà Nội thêm xanh, người dân được sống trong môi trường xanh trong lành và an toàn.
Thùy Chi