Hạ độ cao cho 50.000 cây xanh để ngăn ngừa rủi ro trong mùa mưa bão

19/06/2023 2:38 PM

(Chinhphu.vn) - Dự kiến, từ nay đến hết tháng 7/2023, Công ty Công viên cây xanh Hà Nội sẽ cắt tỉa, hạ độ cao cho khoảng 50.000 cây xanh để ngăn ngừa rủi ro trong mùa mưa bão.

Hạ độ cao cho 50 nghìn cây xanh để ngăn ngừa rủi ro trong mùa mưa bão - Ảnh 1.

Hà Nội dự kiến sẽ thực hiện cắt tỉa khoảng 348.000 cây xanh đô thị kết hợp chỉnh trang đồng bộ trên các tuyến đường nhằm nâng cao thẩm mỹ, hạn chế cây gãy đổ trong mùa mưa bão. Ảnh/Thùy Chi

Theo số liệu thống kê, ở Hà Nội, tại những đường phố chính trong nội thành hiện có khoảng 130.000 cây bóng mát, giúp tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp cho Hà Nội.

Những năm gần đây, TP. Hà Nội đã tích cực đẩy mạnh công tác cải tạo hệ thống cây xanh, trồng thêm nhiều chủng loại cây đô thị mới, tạo cảnh quan đẹp như cây bàng lá nhỏ, cây muồng hoàng yến, phượng tím… Tuy nhiên, cùng với thời gian, nhiều cây xanh bị sâu bệnh, mục thân, cành, gây nguy hiểm khi mưa to, gió lớn. Để ngăn ngừa rủi ro trong mùa mưa bão, TP. Hà Nội đã chú trọng việc cắt tỉa, hạ độ cao cây xanh, do đó tình trạng cây gãy, đổ gây nguy hiểm được hạn chế.

Theo nhận định của Đài Khí tượng thủy văn khu vực đồng bằng Bắc Bộ, trong mùa mưa bão năm 2023, Hà Nội dự kiến chịu ảnh hưởng của hai đến ba cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới. Trong những tháng chuyển mùa, các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như mưa dông, lốc, sét, gió giật mạnh rất dễ xảy ra. Điều này làm gia tăng nguy cơ gãy đổ cây xanh, nhất là tại các tuyến phố nội đô. Những tuyến phố cổ, phố cũ vốn nhỏ hẹp, việc cây xanh gãy, đổ càng trở nên nguy hiểm hơn.

Để chuẩn bị cho việc cắt, tỉa, Công ty Công viên cây xanh Hà Nội đã tổ chức rà soát các cây sâu mục, ưu tiên chặt hạ trước. Dự kiến, đến hết tháng 7/2023, công ty sẽ cắt tỉa, hạ độ cao cho khoảng 50.000 cây xanh.

Công ty cũng thành lập các tổ cơ động nhằm đáp ứng kịp thời nhiệm vụ khắc phục sự cố; xây dựng kế hoạch phối hợp cùng Sở Xây dựng, chính quyền các quận để tổ chức lực lượng xử lý cây xanh gãy đổ kịp thời và hiệu quả nhất. Tuy nhiên, Công ty Công viên cây xanh chỉ quản lý cây xanh trên những tuyến phố đã được đặt tên. Thành phố còn hàng nghìn cây xanh trong cơ quan, trường học, trong các ngõ nhỏ, trong các khu tập thể.

Chính quyền các phường, các cơ quan, đơn vị và người dân cần quan tâm đến cây xanh trong phạm vi quản lý của mình, chủ động rà soát và phối hợp với các cơ quan chức năng đốn hạ với cây sâu mục, cắt tỉa, hạ độ cao với những cây có tán lớn. Sự hợp tác này sẽ ngăn chặn sớm những nguy cơ mất an toàn từ cây gãy đổ khi mùa mưa bão về.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, trên cơ sở rà soát thực tế, trong năm 2023, TP. Hà Nội dự kiến sẽ thực hiện cắt tỉa khoảng 348 nghìn cây xanh đô thị kết hợp chỉnh trang đồng bộ trên các tuyến đường nhằm nâng cao thẩm mỹ, hạn chế cây gãy đổ trong mùa mưa bão.

Việc cắt tỉa cây xanh cũng nhằm chủ động kiểm tra, rà soát, cắt tỉa cây bóng mát nặng tán, cây có nguy cơ gãy đổ; đặc biệt, xử lý ngay các trường hợp cây nguy hiểm, cây sâu, mục, cây chết khô có khả năng gãy đổ đột ngột và gia cố, chằng chống, khắc phục lại các cọc bị hỏng, mục...

Theo phân cấp, cấp, Thành phố thực hiện cắt tỉa khoảng 199.000 cây; cấp huyện thực hiện khoảng 148.000 cây. Trong 348.000 cây xanh đô thị, các đơn vị sẽ thực hiện cắt tỉa chỉnh trang, vén tán, nâng cao vòm lá khoảng 278.600 cây và cắt tỉa phòng bão, làm thưa tán, thấp tán, hạ độ cao khoảng 69.400 cây.

Cũng theo Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn Thành phố hiện có gần 1.165 triệu cây xanh đô thị. Cấp thành phố đang quản lý, duy trì hơn 798.390 cây trên 761 tuyến đường, 5 công viên, trong đó có 3.115 cây trong các công viên; 795.282 cây trên các tuyến đường, phố tại 12 quận, các tuyến đại lộ, quốc lộ, tỉnh lộ trên địa bàn các huyện, tuyến đường liên tỉnh.

Cấp huyện quản lý, duy trì trên 366.500 cây, đây là những cây bóng mát trên các tuyến đường, phố, ngõ, ngách, các tuyến đường trong các dự án khu đô thị, khu công nghiệp, khu du lịch; cây trong các khuôn viên đất của cơ quan (trụ sở cơ quan, trường học, cơ sở giáo dục, y tế, văn hóa thể thao, khu di tích), tổ chức, cá nhân và các tuyến đường khu vực ngoài đô thị, do UBND các quận, huyện, thị xã, các chủ sở hữu quản lý.

Thùy Chi

Top