Đồng bộ giải pháp hạn chế khí thải nhà kính trong chăn nuôi

22/07/2024 7:07 PM

(Chinhphu.vn) - "Hiệu ứng nhà kính" là nội dung không mới, song nhận thức của người chăn nuôi hiện còn nhiều hạn chế. Vì vậy cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục về tác động của phát thải khí nhà kính đến người chăn nuôi, đồng thời khuyến khích họ áp dụng nhiều biện pháp để ngành chăn nuôi phát triển bền vững, hiệu quả.

Đồng bộ giải pháp hạn chế khí thải nhà kính trong chăn nuôi- Ảnh 1.

Trại chăn nuôi bò của Công ty Cổ phần giống gia súc Hà Nội. Ảnh: VGP/TT

Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch thường trực Hội Chăn nuôi Việt Nam, hiệu ứng nhà kính trong chăn nuôi là hiện tượng gia tăng lượng khí nhà kính, chủ yếu là mê-tan và nitrous oxide do các hoạt động chăn nuôi gây ra.

Việt Nam là nước có số lượng gia súc, gia cầm lớn, với tổng đàn trâu khoảng 2,2 triệu con, đàn bò 6,23 triệu, đàn lợn 26,5 triệu, đàn gia cầm 558,9 triệu con. 

Đối với TP. Hà Nội, hiện nay cũng có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn, thuộc tốp đầu cả nước, với đàn gia cầm 40,6 triệu con, đàn lợn 1,45 triệu con, đàn bò 127 nghìn; đàn trâu 29,3 nghìn con; về quy mô chăn nuôi, có 6.381 trang trại chăn nuôi và 173.708 hộ chăn nuôi. 

Tình trạng hạn chế chung của ngành chăn nuôi Thủ đô cũng như cả nước đó là vẫn còn phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ, chăn nuôi tận dụng tỷ lệ còn cao, vì vậy lượng chất thải hàng ngày trên đàn vật nuôi thải ra môi trường là rất lớn; đặc biệt khi xảy ra dịch bệnh lượng khí độc sẽ tăng lên gấp nhiều lần.

Nguồn phát thải khí nhà kính chính trong chăn nuôi là quá trình tiêu hóa của gia súc, khi gia súc nhai lại thức ăn, vi sinh vật trong dạ cỏ của chúng tạo ra khí mê-tan. Phân bón và quản lý đất, việc sử dụng phân bón hóa học và quản lý đất không hợp lý dẫn đến phát thải khí nitrous oxide. Lãng phí thức ăn, thức ăn gia súc không được tiêu thụ sẽ bị phân hủy, tạo ra khí mê-tan và nitrous oxide. Xử lý chất thải chăn nuôi, bao gồm các loại chất thải rắn, lỏng, khi từ chăn nuôi, giết mổ đến chế biến không hợp lý cũng góp phần gây phát thải khí nhà kính.

Tác động của hiệu ứng nhà kính đến ngành chăn nuôi sẽ làm biến đổi khí hậu, tác động trực tiếp đến môi trường sống. Điển hình như sẽ làm gia tăng nhiệt độ trái đất, dẫn đến biến đổi khí hậu (với các hiện tượng như hạn hán, lũ lụt, giông, bão …); trên thực tế tại Việt Nam đã có nhiều trận lũ lụt kèm theo mưa bão lớn, nhất là tại các tỉnh miền Trung, khu vực miền núi làm thiệt hại đến người và tài sản của nhà nước, của người dân trong đó có ngành chăn nuôi. 

Bên cạnh đó do biến đổi, khí hậu thời tiết hiện nay đang ngày càng khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài kèm theo mưa lũ, rét đậm rét hại làm ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, sức khỏe đàn gia súc gia cầm, nguy cơ phát sinh dịch bệnh rất cao.

Từ biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến nguồn nước, gây khó khăn cho chăn nuôi, đặc biệt là ở những khu vực miến núi, tình trạng khô hạn kéo dài đã xảy ra ở nhiều nơi. Những năm qua minh chứng rõ ràng là từ tác động của biến đổi khí hậu, nhiều vùng đã bị hạn hạn, các sông, suối, ao hồ ngày càng bị cạn kiệt. Trong sản xuất, thiếu nguồn nước là nguyên nhân chủ yếu ảnh hưởng đến cây trồng, các loại cây sản xuất thức ăn chăn nuôi (cây họ đậu, lúa mạch, lúa mỳ, ngô …) làm giá thành thức ăn tăng cao, ảnh hưởng đến thị trường tiêu thụ gia súc gia cầm, sản phẩm động vật.

Trong những năm qua biến đổi khí hậu có thể làm thay đổi điều kiện môi trường, tạo điều kiện cho các dịch bệnh mới xuất hiện và lây lan nhanh chóng. Thời gian qua, trong chăn nuôi liên tiếp xảy ra dịch bệnh mới, bệnh cũ tái phát (điển hình như bệnh dịch tả lợn Châu Phi, Cúm gia cầm, Viêm da nổi cục trên trâu bò ….). Tại Việt Nam, bệnh dịch tả lợn Châu Phi bùng phát mạnh vào năm 2019 (đã phải tiêu hủy hơn 6 triệu con lợn) không những thiệt hại kinh tế, mà còn ảnh hưởng lớn đến môi trường chăn nuôi trong việc tiêu hủy số lượng lợn chết, tác động trực tiếp của xác chết, các loại hóa chất đến môi trường đất, nước. Hiện nay diễn biến dịch bệnh trên gia súc, gia cầm cũng rất phức tạp, tiêm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh cao nhất là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Phát thải khí nhà kính làm tăng lượng axit trong mưa, ảnh hưởng đến độ pH của đất, làm giảm khả năng sinh trưởng của cây trồng, ảnh hưởng đến nguồn thức ăn chăn nuôi. Ngoài ra, việc tiêu hủy gia súc gia cầm xuống lòng đất cùng với một lượng hóa chất, vôi bột không nhỏ xuống lòng đất cũng làm ảnh hưởng lớn đến chất lượng đất, ảnh hưởng đến nguồn nước trong lòng đất từ đó trực tiếp đến môi trường sống của người và động vật.

Đồng bộ giải pháp hạn chế khí thải nhà kính trong chăn nuôi- Ảnh 2.

Cần xử lý chất thải trong chăn nuôi theo đúng quy trình để giảm thải tác động khí thải nhà kính (mô hình chăn nuôi gà tại huyện Chương Mỹ). Ảnh: VGP/TT.

Cần đồng bộ nhiều giải pháp giảm thiểu tác động của hiệu ứng nhà kính trong chăn nuôi

Chính vì vậy, để khắc phục những khó khăn, hạn chế này, theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, TP. Hà Nội cũng như cả nước cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để giảm thiểu tác động của hiệu ứng nhà kính trong chăn nuôi. 

Trước hết là phát triển chăn nuôi bền vững, thực hiện áp dụng các biện pháp chăn nuôi thân thiện với môi trường như giảm sử dụng thức ăn chăn nuôi có nguồn gốc từ thực vật đã qua chế biến, sử dụng thức ăn thô xanh, quản lý chất thải hiệu quả, sử dụng năng lượng tái tạo. Trước mắt các địa phương thực hiện tốt việc quy hoạch chăn nuôi theo vùng, chăn nuôi có trọng điểm giảm thiểu chăn nuôi nhỏ lẻ. Đây là giải pháp căn cơ đặt lên hàng đầu để chăn nuôi phát triển hiệu quả bền vững.

Nâng cao hiệu quả sử dụng thức ăn chăn nuôi, triển khai việc cải thiện khẩu phần ăn cho vật nuôi để giảm thải chất lượng phân, nước thải ra ngoài môi trường. Đây là giải pháp quan trọng vừa hạn chế khí thải, vừa cải thiện đặc điểm sinh trưởng và phát triển cho con vật. Trong quá trình nuôi dưỡng cần cung cấp đầy đủ dưỡng chất cần thiết, hạn chế thức ăn dư thừa, giảm thiểu khí thải mê-tan từ hệ tiêu hóa của vật nuôi ra ngoài môi trường.

Đặc biệt, cần quản lý chất thải hiệu quả, bởi chất thải chính là nguyên nhân chính của phát thải nhà kính. Theo đó, cần thực hiện các phương pháp kỹ thuật như ủ phân, làm hầm biogas, sử dụng phân bón cho cây trồng để hạn chế ô nhiễm môi trường. Hiện tại có rất nhiều công nghệ xử lý chất thải tiên tiến, hiện đại đã được áp dụng ở các quy mô trang trại lớn, vừa, nhỏ, tuỳ điều kiện kinh tế, quy mô để ứng dụng cho phù hợp. Đồng thời trồng nhiều cây xanh, tác dụng rất lớn của cây xanh là hấp thụ khí Co2, giảm hiệu ứng nhà kính, đồng thời làm mát khu vực chuồng nuôi, nhất là trong thời điểm nắng nóng. Vì vậy trồng nhiều cây xanh là giải pháp tích cực, cải thiện chất lượng không khí, cải thiện môi trường sống và giảm thiểu hiệu ứng nhà kính.

Cùng với đó là việc sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường trong xây dựng chuồng trại. Hiện tại công nghệ xây dựng chuồng trại đã có nhiều vật liệu giảm thích ứng với nhiệt độ ngoài trời (vật liệu nhẹ, vật liệu làm mát, vật liệu tránh nắng nóng …). 

Người chăn nuôi cần lựa chọn chất liệu làm chuồng trại phù hợp, mát về mùa hè, ấm về mùa đông, nhất là tại khu vực các tỉnh thành miền Bắc thường có mùa hè nắng nóng khắc nghiệt cần lưu ý trong quá trình xây dựng. Bên cạnh đó dùng các loại vật liệu, thiết bị trong chuồng nuôi (như máng ăn, máng uống, dụng cụ ngăn ô chuồng, nền chuồng …) cũng cần lựa chọn các loại chất liệu thân thiện với môi trường, tiện lợi trong quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng vật nuôi.

Phát triển các giống vật nuôi có khả năng thích nghi với biến đổi khí hậu, ứng dụng các công nghệ mới trong sản xuất thức ăn chăn nuôi, quản lý dịch bệnh và xử lý chất thải. Tùy từng vùng sinh thái, nhất là các khu vực chịu nhiều ảnh hưởng của nắng nóng, rét đậm rét hại để lựa chọn các loại giống vật nuôi, các chất liệu xây dựng chuồng trại cho phù hợp, thích ứng với khí hậu giúp cho quá trình sinh trưởng và phát triển của con vật.

Những năm qua, phát thải khí nhà kính ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi gia súc gia cầm. Việc áp dụng các giải pháp giảm thiểu phát thải khí nhà kính trong thời gian tới là rất cần thiết để phát triển chăn nuôi hiệu quả, bền vững, đảm bảo an ninh lương thực, bảo vệ môi trường.

Thiện Tâm

Top