Đồng chí Đào Duy Tùng - Tấm gương sáng ngời của người chiến sĩ cách mạng và niềm tự hào của quê hương Cổ Loa
(Chinhphu.vn) - Có những con người, bằng cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của mình, đã để lại dấu ấn không phai mờ trong lịch sử Đảng, dân tộc và trong lòng nhân dân. Đồng chí Đào Duy Tùng - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo mẫu mực, tấm gương sáng về đạo đức cách mạng là một trong những con người như thế.
Nhân dịp kỷ niệm 101 năm ngày sinh của đồng chí Đào Duy Tùng (20/5/1924 - 20/5/2025), chúng ta cùng ôn lại cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vẻ vang của người con ưu tú của quê hương Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội.
Khởi nguồn từ vùng đất địa linh nhân kiệt
Đồng chí Đào Duy Tùng sinh ngày 20/5/1924 tại thôn Chợ, xã Cổ Loa, huyện Đông Anh - vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi từng là kinh đô của nhà nước Âu Lạc hơn hai nghìn năm trước. Trong dòng chảy lịch sử hào hùng của dân tộc, Cổ Loa không chỉ nổi tiếng với thành cổ ba vòng, với truyền thuyết Mỵ Châu - Trọng Thủy, mà còn là nơi sản sinh ra nhiều nhân tài, người con ưu tú đóng góp cho đất nước.

Đồng chí Đào Duy Tùng chung vui với thành quả lao động, sản xuất của bà con nông dân. Ảnh: Tư liệu
Đồng chí xuất thân trong một gia đình nhà nho yêu nước. Ông nội là cụ Đào Duy Ánh - một thầy thuốc sống thanh bạch, mẫu mực về đạo đức, nhân cách. Cha là cụ Đào Duy Bảng, một người có tinh thần yêu nước, truyền cảm hứng cách mạng cho các con. Cả ba anh em trong gia đình - Đào Duy Bách, Đào Duy Tùng và Đào Duy Cương - đều sớm giác ngộ cách mạng, tham gia kháng chiến cứu nước, đóng góp tích cực cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước sau này.
Ngay từ khi còn trẻ, đồng chí Đào Duy Tùng đã sớm tham gia hoạt động cách mạng. Trong giai đoạn tiền khởi nghĩa, đồng chí đã tham gia lãnh đạo phong trào Việt Minh ở xã từ tháng 4/1945. Trong Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945, đồng chí tham gia lãnh đạo nhân dân giành chính quyền tại địa phương, làm cán bộ huyện, xây dựng chính quyền cách mạng và các đoàn thể quần chúng ở các xã trong huyện.
Tháng 9/1945, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và cuối năm 1945, khi Chi bộ xã Cổ Loa được thành lập, đồng chí được giao làm Bí thư Chi bộ xã, trở thành Bí thư Chi bộ đầu tiên của xã Cổ Loa.
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, đồng chí đã kinh qua nhiều vị trí ở cơ sở. Tháng 5/1955, đồng chí về công tác tại Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng.
Trong hơn 50 năm hoạt động cách mạng liên tục, đồng chí Trần Duy Tùng đã trải qua nhiều vị trí công tác trọng yếu: Phó Vụ trưởng, Vụ trưởng Vụ Huấn học (1956-1962), Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng (tháng 12/1962) kiêm Tổng Biên tập Tạp chí Học tập (nay là Tạp chí Cộng sản) - cơ quan lý luận chính trị của Trung ương Đảng (1965-1982). Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (tháng 12/1976), đồng chí được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tháng 11/1980, đồng chí là Viện trưởng Viện Nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin. Tháng 11/1981, đồng chí được bầu là Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V (tháng 3/1982), đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, giữ chức Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (tháng 12/1986), đồng chí tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và được Ban Chấp hành Trung ương bầu làm Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, phụ trách công tác tư tưởng và khoa giáo. Tháng 5/1988, đồng chí được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị.
Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII (tháng 6/1991), đồng chí tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Ban Bí thư, được phân công làm Thường trực Ban Bí thư và Thường trực Bộ Chính trị - Ban Bí thư cho đến tháng 6/1996.
Nói về đồng chí Đào Duy Tùng, đồng chí Đỗ Mười, nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã viết: Đồng chí Đào Duy Tùng - một con người khiêm nhường, giản dị, đạm bạc, trung thực, song lại chứa một trái tim sâu nặng nghĩa tình, một bộ óc có tầm cao trí tuệ, luôn sống động, hướng về sự nghiệp chung của dân, của Đảng, là nhà lãnh đạo liêm khiết, con người đổi mới của Đảng.

Tổng Bí thư Đỗ Mười và đồng chí Đào Duy Tùng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực - Bộ Chính trị, Ban Bí thư nói chuyện qua điện thoại với cán bộ, chiến sỹ bộ đội Trường Sa. Ảnh: Tư liệu
Ghi nhận công lao đóng góp của đồng chí Đào Duy Tùng, Đảng, Nhà nước đã tặng đồng chí Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhất, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng và nhiều huân chương cao quý khác. Tên đồng chí được đặt cho một con đường và ngôi trường tiểu học ở chính mảnh đất quê hương Đông Anh để tưởng nhớ đến một con người cả cuộc đời tận tụy cống hiến cho quê hương, đất nước bằng trí tuệ, tâm huyết và tài năng của mình. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội mãi tự hào, ghi nhớ công lao, cống hiến to lớn, sự quan tâm của đồng chí và quyết tâm, phấn đấu xây dựng Thủ đô "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại".
Hơi thở cách mạng luôn sống mãi trên quê hương Cổ Loa
Trong suốt chiều dài lịch sử, vùng đất và con người Cổ Loa luôn tự hào về truyền thống yêu nước kiên cường, bất khuất trong chống giặc ngoại xâm, đoàn kết, cần cù sáng tạo trong lao động sản xuất, xây dựng quê hương ngày một giàu mạnh. Nhân dịp kỷ niệm 101 năm Ngày sinh đồng chí Đào Duy Tùng (20/5/1924 - 20/5/2025), ngày 16/5, Đảng ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ xã Cổ Loa trang trọng tổ chức lễ kỷ niệm 80 năm thành lập Chi - Đảng bộ Cổ Loa, đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất, Cờ thi đua của Chính phủ và phát hành cuốn sách "Lịch sử cách mạng của Đảng bộ và Nhân dân xã Cổ Loa, giai đoạn 1930-2025".
Đây là sự kiện chính trị có ý nghĩa hết sức quan trọng, đánh dấu bước trưởng thành lớn mạnh của Đảng bộ và nhân dân xã Cổ Loa, dấu ấn lịch sử mở ra thời kỳ mới trên con đường đổi mới, hội nhập và phát triển. Đồng thời, để tri ân đồng chí Đào Duy Tùng, Bí thư Chi bộ đầu tiên của xã Cổ Loa.
Bà Nguyễn Thị Lương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch xã Cổ Loa cho biết, cuốn sách "Lịch sử cách mạng của Đảng bộ và Nhân dân xã Cổ Loa, giai đoạn 1930-2025" khắc họa rõ nét những thành tựu, bài học kinh nghiệm, cũng như truyền thống cách mạng kiên trung của quê hương Cổ Loa trong suốt chặng đường 80 xây dựng và trưởng thành. Đây không chỉ là tài liệu lịch sử quý giá mà còn là nguồn động viên to lớn, góp phần bồi đắp tinh thần yêu nước, niềm tự hào, trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
"Việc biên soạn cuốn sách này không chỉ nhằm tri ân các thế hệ đi trước đã cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng, mà còn góp phần giáo dục truyền thống, hun đúc lòng tự hào và trách nhiệm cho thế hệ hôm nay và mai sau. Đây cũng là tài liệu quý báu để cán bộ, đảng viên và Nhân dân địa phương tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp, vững bước trên con đường xây dựng Cổ Loa ngày càng giàu đẹp, văn minh", bà Nguyễn Thị Lương chia sẻ.
Cuốn sách "Lịch sử cách mạng của Đảng bộ và Nhân dân xã Cổ Loa, giai đoạn 1930-2025" bao gồm 7 chương. Trong chương III khắc họa rất rõ nét hình ảnh đồng chí Đào Duy Tùng, người con ưu tú của quê hương Cổ Loa với vai trò là Bí thư chi bộ đầu tiên của Cổ Loa.
Khi là Bí thư Chi bộ Đảng đầu tiên của Cổ Loa, ông Đào Duy Tùng đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc gây dựng, phát triển phong trào cách mạng tại địa phương. Là người con quê hương Cổ Loa, ông Đào Duy Tùng luôn sát cánh cùng nhân dân, lắng nghe tâm tư nguyện vọng, giữ vững mối liên hệ mật thiết giữa Đảng với dân.
Cuộc đời đồng chí Đào Duy Tùng là một hành trình dài đầy gian khổ nhưng vô cùng vẻ vang. Trong suốt hơn 50 năm hoạt động cách mạng, đồng chí luôn trung thành tuyệt đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Đồng chí từng trải qua nhiều cương vị công tác quan trọng trong bộ máy lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước. Trên cương vị nào, đồng chí cũng để lại dấu ấn sâu đậm. Với tinh thần trách nhiệm cao, sự cẩn trọng, quyết đoán và tầm nhìn chiến lược, đồng chí đã góp phần quan trọng vào việc hoạch định và triển khai nhiều chủ trương lớn của Đảng, đặc biệt trong lĩnh vực công tác tư tưởng, xây dựng Đảng, công tác tổ chức và lý luận.
Nhưng điều khiến người ta nhớ đến đồng chí Đào Duy Tùng không chỉ là những chức vụ cao quý, mà chính là sự mẫu mực, khiêm nhường và trong sáng trong đạo đức, lối sống. Đồng chí luôn sống giản dị, liêm khiết, tránh xa mọi biểu hiện của lợi ích cá nhân, luôn luôn giữ gìn phẩm chất người cộng sản: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.

PGS.TS Đào Duy Quát, con trai của đồng chí Đào Duy Tùng trong buổi ra mắt cuốn sách "Lịch sử cách mạng của Đảng bộ và Nhân dân xã Cổ Loa, giai đoạn 1930-2025". Ảnh: VGP/Thùy Chi
Trong ký ức của người thân và đồng nghiệp, đồng chí Đào Duy Tùng là người sâu sắc, giàu lòng nhân ái, luôn quan tâm đến mọi người xung quanh. Ông không chỉ là người lãnh đạo mà còn là người thầy, người anh lớn, người đồng chí gần gũi, chân tình. Ngay cả trong giáo dục con cái, đồng chí cũng đặt lên hàng đầu tinh thần trách nhiệm và tình yêu Tổ quốc. Khi con trai trưởng - PGS.TS Đào Duy Quát - đứng trước lựa chọn đi học nước ngoài hay nhập ngũ, đồng chí đã khuyên con nhập ngũ để "được tôi luyện, trưởng thành trong gian khổ và phục vụ đất nước đúng nghĩa".
Chia sẻ tại lễ kỷ niệm 80 năm thành lập Chi - Đảng bộ Cổ Loa và ra mắt cuốn sách "Lịch sử cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Cổ Loa, giai đoạn 1930-2025", PGS.TS Đào Duy Quát, nguyên Phó trưởng Ban thường trực Ban Tư tưởng văn hóa Trung ương; Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương cho biết, là người con được sinh ra và lớn lên tại xã Cổ Loa, hôm nay trở lại tham dự lễ kỷ niệm 80 năm thành lập Chi - Đảng bộ Cổ Loa, nơi người cha Đào Duy Tùng từng là Bí thư Chi bộ đầu tiên, ông rất xúc động và tự hào về quê hương, về các thế hệ cha ông của mình.
PGS.TS Đào Duy Quát cho biết, trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Cổ Loa đã phát huy truyền thống và tinh thần yêu nước, sớm đón nhận ánh sáng của cách mạng, của Đảng. Phong trào cách mạng ở Cổ Loa, Đông Anh phát triển có tính bước ngoặt sau Hội nghị Trung ương 8 (tháng 5/1941). Hội nghị lịch sử này dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Hội nghị đã hoàn thiện chuyển hướng chiến lược và sách lược cách mạng, để tập trung sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc cho mục tiêu giành độc lập tự do cho toàn dân tộc. Hội nghị quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh).
Sau quyết định này, Trung ương quyết định lấy Cổ Loa và các vùng quanh Hà Nội làm an toàn khu, để Trung ương về đây trực tiếp lãnh đạo, tiến tới cuộc cách mạng giành độc lập cho dân tộc. Từ đó, phong trào cách mạng ở Cổ Loa lên rất nhanh. Các đồng chí ở tổ công tác đặc biệt của Trung ương đã về vùng đất này để hoạt động cách mạng, giác ngộ những thanh niên yêu nước của Cổ Loa, trong đó cha ông là một trong những thanh niên yêu nước hoạt động trong tổ chức Việt minh đầu tiên ở Cổ Loa.
Tổ chức Việt minh này đã thực hiện xuất sắc nhiệm vụ dưới sự lãnh đạo của tổ công tác đặc biệt trực thuộc Trung ương là chủ động giành chính quyền, xây dựng an toàn khu - xây dựng các cơ sở cách mạng để bảo vệ các đồng chí Trung ương đến hoạt động cách mạng, trao đổi thông tin, chiến lược để phục vụ cho cuộc cách mạng giành độc lập cho dân tộc.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh hoạt động cách mạng trong quần chúng, tổ chức các buổi tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia các hội cứu quốc, thành lập các tổ chức như thanh niên cứu quốc, phụ nữ cứu quốc…
Trong thời gian hoạt động cách mạng, đồng chí Đào Duy Tùng cũng đã chú trọng việc giáo dục lý tưởng cách mạng, đào tạo, rèn luyện cán bộ trẻ, xây dựng nền móng lâu dài cho hoạt động cách mạng tại vùng nông thôn. Nhìn lại hành trình cách mạng của ông, chúng ta không khỏi tự hào về một tấm gương sáng ngời về ý chí kiên cường, sự hy sinh vì lý tưởng cách mạng, lòng tận tụy với nhân dân. Ông không chỉ xây dựng phong trào cách mạng tại Cổ Loa trở thành điểm sáng trong kháng chiến mà còn góp phần vào những bước tiến lớn trong công tác lý luận, xây dựng nền móng vững chắc cho Đảng bộ địa phương.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch xã Cổ Loa Nguyễn Thị Lương bày tỏ, cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vẻ vang của đồng chí Đào Duy Tùng là nguồn cảm hứng, động lực tinh thần to lớn để cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Cổ Loa tiếp tục phấn đấu vì lý tưởng cao đẹp của Đảng và dân tộc.
"Phát huy truyền thống anh hùng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Cổ Loa sẽ tiếp tục đoàn kết, thi đua quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh; Thực hiện thắng lợi Nghị Đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2025-2030; hoàn thành nhiệm vụ sáp nhập đơn vị hành chính, góp phần xây dựng xã Cổ Loa giàu đẹp, văn minh trong hành trình khát vọng, phát triển, chuẩn bị hành trang cho giai đoạn cách mạng mới, bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam", bà Nguyễn Thị Lương nhấn mạnh.
Thùy Chi