Đồng lòng nỗ lực tạo sức bật cho kinh tế Thủ đô tăng trưởng

31/12/2022 4:23 PM

(Chinhphu.vn) - Năm 2022, kinh tế Thủ đô phục hồi mạnh mẽ sau dịch COVID-19, tăng trưởng GRDP đạt mức cao nhất trong 10 năm gần đây. Kết quả này có đóng góp tích cực trong triển khai nhiệm vụ kinh tế - xã hội của cả hệ thộng chính trị và các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố.

Triển khai nhiệm vụ kinh tế xã hội, đóng góp tăng trưởng chung của Thành phố - Ảnh 1.

Động lực tăng trưởng của Thủ đô năm 2022 được xác định là sản xuất công nghiệp và dịch vụ, với sức vươn rất ấn tượng. Tính chung cả năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,8% so với năm 2021. Ảnh: VGP/Minh Anh

Năm 2022, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) Hà Nội tăng 8,89% so với năm 2021, vượt kế hoạch đề ra (7,0% - 7,5%) và là mức tăng cao trong nhiều năm gần đây, thể hiện sự quyết tâm, năng động của Đảng bộ và chính quyền thành phố cũng như nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, các địa phương, sở, ngành và doanh nghiệp.

Cục trưởng Cục Thống kê Hà Nội Đậu Ngọc Hùng cho biết, khu vực dịch vụ năm 2022 tăng 10,06% so với năm 2021, đóng góp 6,44 điểm % vào mức tăng GRDP. Trong năm, các hoạt động kinh doanh, du lịch, nhà hàng, khách sạn, vận tải, thông tin… được đẩy mạnh trong trạng thái bình thường mới, tạo đà phục hồi ngành thương mại, dịch vụ. Thành phố đã tăng cường thực hiện các chương trình khuyến mại, kích cầu tiêu dùng, phát triển các loại hình kinh doanh đa dạng, phù hợp với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, hướng đến thị trường tiêu dùng thông minh; đồng thời, kết nối nhanh hơn giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Một số ngành dịch vụ tăng cao so với năm trước, đóng góp đáng kể vào mức tăng chung như: Vận tải kho bãi tăng 15,36%, thông tin và truyền thông tăng 6,5%, hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ (bao gồm du lịch, lữ hành) tăng 40,51%, tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 9,19%, bán buôn, bán lẻ tăng 8,58%...

Động lực tăng trưởng của Thủ đô năm 2022 được xác định là sản xuất công nghiệp và dịch vụ, với sức vươn rất ấn tượng. Tính chung cả năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,8% so với năm 2021.

Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 17,1 tỷ USD, tăng 10,3% so với năm 2021 (năm 2021 tăng 2,2%).

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Hà Nội năm 2022 thực hiện đạt 333 nghìn tỷ đồng, đạt 106,8% dự toán pháp lệnh năm và tăng 2,7% so với năm 2021.

Năm 2022, Hà Nội tiếp tục duy trì vị trí trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Anh Quân cho biết, năm 2022, toàn Thành phố thu hút 1,692 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, tăng 10,3% so với năm 2021. Hà Nội đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 29,6 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 23% so với năm 2021.

Thành phố Hà Nội đã xác định cộng đồng doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp FDI nói riêng là động lực quan trọng cho sự phát triển và hội nhập của Thủ đô. Để tạo điều kiện thuận lợi về hạ tầng, Thành phố đang thúc đẩy hình thành mạnh mẽ các khu, cụm công nghiệp tạo điều kiện về mặt bằng thu hút doanh nghiệp, nhà đầu tư… Thành phố đã quyết định phê duyệt "Đề án thành lập từ 2 - 5 khu công nghiệp trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025".

Trước những khó khăn mà doanh nghiệp vẫn đang phải đối mặt, như lãi suất vốn vay tăng, đơn hàng giảm do ảnh hưởng của lạm phát cao ở nhiều thị trường xuất khẩu lớn…, lãnh đạo thành phố Hà Nội đã khẳng định tinh thần "đồng hành cùng doanh nghiệp", "coi việc của doanh nghiệp như việc của mình" để kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc.

Đặc biệt, lãnh đạo thành phố Hà Nội đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh thành phố Hà Nội chủ động có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn. Cục Thuế thành phố Hà Nội nắm bắt kịp thời khó khăn của doanh nghiệp để đề xuất biện pháp tháo gỡ, tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Cùng với đó, các sở, ban, ngành thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã đã thực hiện chỉ đạo của thành phố, chủ động đối thoại với doanh nghiệp, giải quyết dứt điểm khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; quyết liệt cải cách hành chính, phối hợp để hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp thực hiện các thủ tục đầu tư, tiếp cận nguồn vốn... tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp phục hồi, phát triển, tạo sức bật cho kinh tế Thủ đô tăng trưởng.

Các địa phương tích cực triển khai nhiệm vụ, đóng góp vào tăng trưởng chung

Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Hoàn Kiếm Vũ Đăng Định cho biết, năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ quận lần thứ 26 và các chương trình, kế hoạch trung hạn 5 năm 2021 - 2025 của quận.

Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song với tinh thần quyết liệt, đổi mới trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân trên địa bàn quận đã chung sức, đồng lòng, nỗ lực triển khai hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị năm 2022.

Năm 2022, kinh tế-xã hội quận Hoàn Kiếm vẫn duy trì mức tăng trưởng, với 17/18 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch Thành phố và HĐND quận giao (chỉ tiêu chi cân đối ngân sách quận ước đạt 88%), trong đó, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 12.500 tỷ đồng (vượt chỉ tiêu Thành phố giao 11,1%, vượt 6,1% so với chỉ tiêu phấn đấu HĐND quận giao). Công tác chăm lo đời sống cho các đối tượng chính sách, đối tượng bảo trợ xã hội tiếp tục được quan tâm. Đáng chú ý, quận đã triển khai thực hiện thí điểm chuyên đề sáng kiến cải cách hành chính "Các thủ tục hành chính không chờ" tại UBND 18 phường (trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính ngay, không giấy hẹn); sáng kiến "Số hóa xây dựng, cải tiến các quy trình ISO về giải quyết thủ tục hành chính và giải quyết công việc nội bộ trên môi trường điện tử tại UBND quận". Công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn quận được giữ vững.

Từ góc độ địa phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Phạm Quang Tuấn thông tin, hoạt động sản xuất trên địa bàn đã có sự phục hồi rõ nét. Trong năm 2022, huyện đang có 1.419 doanh nghiệp hoạt động. Để hỗ trợ doanh nghiệp có thêm mặt bằng sản xuất, huyện thường xuyên đôn đốc chủ đầu tư 3 cụm công nghiệp (Tân Hòa, Nghĩa Hương, Ngọc Mỹ - Thạch Thán) đẩy nhanh tiến độ đầu tư.

Còn theo Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Đức Hồng, trên địa bàn huyện có 4.185 doanh nghiệp đang hoạt động, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương và các tỉnh lân cận. Năm 2022, các doanh nghiệp trên địa bàn huyện đã đóng góp vào ngân sách hơn 2.400 tỷ đồng, góp phần đưa giá trị sản xuất các ngành kinh tế chủ yếu do huyện quản lý tăng 10,52%, bằng 2,28 lần mức tăng trưởng năm 2021; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt hơn 5.100 tỷ đồng, bằng 182,5% năm 2021...


Sự kiện xúc tiến thương mại và du lịch được tổ chức thành công trên địa bàn huyện Mê Linh, thu hút hàng trăm nghìn người đến mua sắm và trải nghiệm. Ảnh: VGP/Minh Anh

Bí thư Huyện uỷ Mê Linh Nguyễn Thanh Liêm cho biết, năm 2022, Huyện ủy Mê Linh đã phát huy tinh thần đoàn kết, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng theo hướng khoa học, dân chủ, sâu sát, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm. Đáng chú ý, Ban Thường vụ Huyện ủy Mê Linh đã giao các cơ quan liên quan của huyện chủ động rà soát, báo cáo, đề xuất Thành ủy, UBND thành phố chỉ đạo, giải quyết những vấn đề dân sinh, bức xúc, nhiệm vụ chính trị trọng tâm như Công tác giải quyết đất dịch vụ; đôn đốc các dự án đô thị chậm triển khai; triển khai các dự án hạ tầng khung của Huyện; triển khai dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô (đoạn qua huyện Mê Linh); giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp theo Nghị quyết 15, Chỉ thị 15 của Thành ủy.

Đặc biệt, Thường trực Huyện ủy Mê Linh đã làm việc với chủ đầu tư của các dự án đô thị chậm triển khai để tháo gỡ vướng mắc, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện, thu hồi nợ thuế từ các dự án chậm triển khai. Thường trực, Ban Thường vụ Huyện ủy Mê Linh trực tiếp làm việc với Ủy ban MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và Đảng ủy 10 xã, thị trấn để chỉ đạo giải quyết các vướng mắc ở cơ sở và chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.

Năm 2022, Mê Linh đã phối hợp với Trung tâm xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch Hà Nội tổ chức Lễ hội hoa lần đầu tiên, cùng với fesstival nông sản OCOP của Hà Nội. Lễ hội thành công đã thu hút hàng trăm nghìn lượt khách du lịch tới tham quan, mua sắm.

Nâng cao tính chủ động, đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền

Bước sang năm 2023, UBND TP. Hà Nội xác định tiếp tục chủ đề công tác là "Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển". Cùng với việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, UBND Thành phố sẽ tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, quan tâm chỉ đạo các đơn vị đổi mới tư duy, đặc biệt là phương pháp làm việc. Tiếp tục tăng cường đào tạo và đào tạo lại, nhất là kỹ năng theo vị trí việc làm.

Đề cập về nhiệm vụ năm 2023, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, đối với nhóm các vấn đề về phát triển kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp, khối doanh nghiệp đang khó khăn, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư, UBND thành phố  Hà Nội sẽ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh; bám sát tình hình quốc tế và trong nước để có giải pháp hỗ trợ giải quyết việc làm, nhất là lao động nông thôn, lao động tại các khu công nghiệp...

Đặc biệt, năm 2023, Hà Nội triển khai hiệu quả kế hoạch thực hiện nghị quyết của HĐND Thành phố về phân cấp, ủy quyền, tiếp tục rà soát việc phân công, phân nhiệm gắn với đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, giảm thiểu các tầng nấc trung gian, đồng thời quan tâm theo dõi hướng dẫn kiểm tra giám sát việc phân cấp, ủy quyền.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải cũng cho biết, Hà Nội sẽ quan tâm hơn vấn đề phát triển nền tảng văn hóa, gia đình, cộng đồng dân cư; thực hiện sâu, rộng và thực chất hai quy tắc ứng xử. Cùng với đó là quyết liệt triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư 3 lĩnh vực giáo dục, y tế và văn hóa; chỉ đạo ngành Y tế xây dựng đề án phát triển dịch vụ chăm sóc y tế ở Thủ đô.

Về rà soát các dự án giao đất chậm triển khai, UBND Thành phố đã xây dựng kế hoạch thực hiện và chỉ đạo các sở, ngành, UBND các quận, huyện, Thị xã tổ chức rà soát, kiểm tra, thanh tra, có kết luận và đề xuất phương án xử lý cụ thể đối với từng dự án; đồng thời cụ thể hóa 12 giải pháp, biện pháp của HĐND thành phố để xử lý theo thẩm quyền.

Theo ông Hà Minh Hải, thời gian tới, UBND thành phố Hà Nội tiếp tục chỉ đạo các đơn vị, địa phương hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án để sớm đưa dự án vào hoạt động, thúc đẩy môi trường đầu tư lành mạnh, tạo nguồn thu từ đất; phát hiện sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền biện pháp khắc phục; phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật, giúp cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy định của pháp luật, phát huy nhân tố tích cực góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước, bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Minh Anh

 

 

Top