Dự án Vành đai 4: Chung sức, đẩy nhanh tiến độ
(Chinhphu.vn) - Dự án đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô có ý nghĩa và tầm quan trọng to lớn đối với sự phát triển chung của Thủ đô, đặc biệt là những quận, huyện có dự án đi qua. Để bảo đảm bàn giao mặt bằng đúng tiến độ, cả hệ thống chính trị Thành phố cùng nhân dân đang nỗ lực vào cuộc với quyết tâm cao.
Nhân dân đồng tình, ủng hộ
Gia đình anh Nguyễn Văn Hải (xã Hồng Vân, huyện Thường Tín) có hơn 200m2 đất ở thuộc diện phải thu hồi để để triển khai Dự án. Qua tuyên truyền của Cấp ủy, Chính quyền, đoàn thể ở địa phương, gia đình anh rất đồng tình, sẵn sàng bàn giao mặt bằng cho Nhà nước. Tuy nhiên, anh cũng mong muốn, các cấp, các ngành quan tâm sớm bố trí khu tái định cư, để anh và các gia đình trong diện thu hồi yên tâm ổn định cuộc sống.
"Tuyến đường dài cả trăm km, không phải mỗi mình bị thu hồi đất. Chỉ mong sau này gia đình tôi cũng như nhiều hộ bị thu hồi đất được bố trí tái định cư ở nơi rộng rãi, tương xứng với những gì đã góp sức cho thành công của dự án đường Vành đai 4", anh Hải mong muốn.
Ông Lê Ngọc Thanh (58 tuổi) là một trong số 189 hộ nhận kinh phí bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng đợt 1 của xã Văn Khê, huyện Mê Linh chia sẻ: Biết được ý nghĩa, tầm quan trọng của dự án này, người dân Văn Khê đều đồng thuận ủng hộ. Gia đình ông được đền bù hơn 200 triệu đồng cho 256m2 đất ruộng, so với những lần trước, lần này xã, Huyện tiến hành nhanh chóng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.
Bà Đỗ Thị Thuần, thôn Ngự Tiền, xã Thanh Lâm (huyện Mê Linh) cho biết, gia đình bà có hơn 200m2 đất nông nghiệp vào chỉ giới đường Vành đai 4. Sau khi được các cấp, các ngành tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của tuyến đường, gia đình đã sớm di dời toàn bộ cây trồng, bàn giao đất cho Nhà nước và có đơn xin nhận tiền đền bù, giải phóng mặt bằng trong đợt đầu tiên.
Còn theo ông Ngô Văn Thuận, người dân xã La Phù (huyện Hoài Đức), việc giải phóng mặt bằng và đền bù ruộng đất phục vụ thi công Đường Vành đai 4 - Vùng thủ đô Hà Nội là nhiệm vụ chính trị không phải chỉ riêng của TP. Hà Nội, mà của cả đất nước.
"Mặc dù gia đình tôi cũng bị thu gần 700 m2 đất, cùng nhiều diện tích hoa màu, nhưng tuyến đường này đi vào khai thác sẽ phát huy vai trò phát triển kinh tế xã hội của Thành phố, phục vụ dân sinh là chủ yếu, nên các hộ dân địa phương đều hài lòng, đồng tình ủng hộ và tôi cũng vậy", ông Thuận tâm sự.
Chung sức để bảo đảm tiến độ dự án
Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đi qua địa phận huyện Mê Linh có tổng chiều dài khoảng 11,2km, thực hiện thu hồi 141,5ha đất tại 5 xã.
Với quyết tâm bàn giao mặt bằng đúng tiến độ theo chỉ đạo của thành phố, công tác thông tin, tuyên truyền đã và đang được cả hệ thống chính trị của huyện Mê Linh triển khai tích cực, linh hoạt, hiệu quả, góp phần tạo sự đồng thuận, thống nhất cao của người dân trong công tác giải phóng mặt bằng thực hiện dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.
Theo Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Mê Linh Trần Mạnh Thắng, thực hiện chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện, trung tâm đã mở chuyên mục, tăng thời lượng tin, bài, phóng sự tuyên truyền về dự án đường Vành đai 4 trên hệ thống truyền thanh, cổng thông tin điện tử, trang Zalo. Đồng thời tích cực phối hợp với các cơ quan báo chí của Trung ương, thành phố tăng cường công tác thông tin, mở rộng diện tuyên truyền.
Được biết, đến nay, toàn huyện Mê Linh đã tổ chức chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ Nhân dân bàn giao mặt bằng được 48,2/141,5ha diện tích, tổng số tiền chi trả 385 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch vốn thành phố ứng.
Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Mê Linh Đinh Ngọc Thức cho biết, huyện phấn đấu đến tháng 6/2023, sẽ bàn giao mặt bằng 118ha/141,5ha (đạt 83,6%).
Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Hoàng Trường cho biết, triển khai thực hiện dự án đường Vành đai 4, thời gian qua, huyện đã chỉ đạo các ngành, đoàn thể và 12 xã có dự án đi qua tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt cho cán bộ, đảng viên và nhân dân giúp nhân dân hiểu rõ về ý nghĩa, tầm quan trọng của dự án và thực hiện nghiêm chủ trương, chính sách của Nhà nước.
Đồng thời, thường xuyên nắm bắt tình hình tư tưởng, lắng nghe những ý kiến của nhân dân để kịp thời định hướng dư luận xã hội trên địa bàn, sớm giải quyết những kiến nghị, thắc mắc. Mặt khác, đề xuất với các sở, ngành Thành phố với mong muốn sớm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng để thi công đường Vành đai 4.
Tính đến nay, toàn huyện đã kê khai, kiểm đếm 136,9ha của 4.905 hộ có đất nông nghiệp, niêm yết dự thảo phương án bồi thường hỗ trợ 127,6ha của 4.596 hộ, tổng số tiền 1.328,6 tỷ đồng và 1,1ha đất công. Ước đến hết tháng 6/2023 thực hiện giải phóng mặt bằng 197,9ha, trong đó đất nông nghiệp 103,5ha, đất công 43,4ha, đạt 82,6%.
Tại huyên Thường Tín, tính đến nay, huyện đã chi trả tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng được 50,9ha đất nông nghiệp/134,54ha đất nằm trong phạm vi dự án đường Vành đai 4. Tổng số mộ các xã đã di chuyển xong đến ngày 4/4/2023 là 1.735/1.846 ngôi mộ (đạt 93,9%). Huyện cũng đang hoàn thành thủ tục đầu tư dự án xây dựng hạ tầng 3/4 khu tái định cư liên quan đến GPMB đất nằm trong dự án đường Vành đai 4 theo quy định với 10,2ha tại 3 xã: Hồng Vân, Văn Bình, Vân Tảo. Dự kiến sẽ thi công 3 khu tái định cư trong tháng 4/2023. Còn với khu tái định cư xã Khánh Hà đang triển khai bước họp dân.
Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Phan Thanh Tùng khẳng định, kết quả GPMB, chi trả kinh phí bồi thường, nhất là nhiệm vụ di dời phần mộ trong chỉ giới đường đỏ của dự án đường Vành đai 4 liên quan đến 6/9 xã và việc triển khai xây dựng các khu tái định cư tại 4 xã sẽ được hoàn thành trong quý II/2023 theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thành phố.
Có thể thấy rằng, với tinh thần "làm sớm được ngày nào thì có lợi ngày đó, vừa đỡ lãng phí vừa mở ra cơ hội phát triển", hy vọng với sự chỉ đạo sát sao của Trung ương, Thành phố, cùng sự đồng lòng ủng hộ của nhân dân, việc giải phóng mặt bằng sẽ triển khai nhanh hơn, góp phần bảo đảm tiến độ thi công dự án Vành đai 4-Vùng Thủ đô.
Thành Nam