Đưa giải pháp giúp doanh nghiệp tiếp cận kinh tế số
(Chinhphu.vn) - TP. Hà Nội cần tăng cường bồi dưỡng, đào tạo, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác chuyển đổi số, giúp doanh nghiệp tiếp cận kinh tế số.
Đi đầu về công nghệ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Mới đây, thông tin tại tọa đàm "Chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa của thành phố Hà Nội" do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP. Hà Nội (HPA) tổ chức, bà bà Đặng Thị Hương - Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội (Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội) cho biết, Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu trong công tác hỗ trợ về công nghệ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, như: Tổ chức triển khai tư vấn giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp về quy trình kinh doanh, quy trình quản trị, quy trình sản xuất, quy trình công nghệ và chuyển đổi mô hình kinh doanh.
Sau khi kế hoạch được ban hành, Trung tâm đã hoàn thành xây dựng, thiết lập phần mềm thu thập, đánh giá, phân tích, xử lý thông tin để cung cấp các công cụ, tài liệu, giải pháp về chuyển đổi số, đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi số, đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn TP. Hà Nội (https://hotrodoanhnghiep.cds.hanoi.gov.vn).
Hiện phần mềm đã được tích hợp trên Cổng thông tin hỗ trợ doanh nghiệp của Thành phố để đánh giá mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp quy định tại Quyết định số 2158/QĐ-BTTTT ngày 07/11/2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Bên cạnh đó, công tác truyền thông nâng cao nhận thức về chuyển đổi số nhằm thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số trong doanh nghiệp như: Xây dựng và vận hành chuyên trang Youtube "Chuyển đổi số Hà Nội – SCE", đăng tải các video truyền thông nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, đạt gần 10.000 lượt đăng ký theo dõi, với 134 video được đăng tải…
Công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa về chuyển đổi số đã được triển khai sâu rộng như: Hoàn thành xây dựng 40 bài giảng trực tuyến về lĩnh vực chuyển đổi số; Tổ chức 108 khóa đào tạo trực tiếp tại 108 doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, chế biến về chuyển đổi số; Tổ chức 10 khóa đào tạo kế hoạch, chiến lược chuyển đổi số cho người quản lý của doanh nghiệp nhỏ và vừa; tổ chức 120 khóa đào tạo Khởi sự kinh doanh (9.600 học viên) và 88 khóa đào tạo quản trị kinh doanh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa về chuyển đổi số.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, công tác hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số vẫn còn những hạn chế, bất cập. Cụ thể, một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được quy định tại các văn bản của Trung ương chỉ dừng ở mức độ những hỗ trợ nhỏ cho doanh nghiệp, mang tính phụ trợ, chưa thực sự đáp ứng, tạo điều kiện thúc đẩy nhu cầu phát triển căn bản của doanh nghiệp nên chậm đi vào cuộc sống.
Ngoài ra, một số quy định của pháp luật chưa đồng bộ, thiếu chặt chẽ; việc vận dụng, cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số còn nhiều khó khăn. Vì vậy, Thành phố cần tăng cường bồi dưỡng, đào tạo, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động tại các sở, ngành, hội, hiệp hội, các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác chuyển đổi số.
Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông về các chính sách hỗ trợ quy định tại Kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025; tiếp tục bố trí ngân sách ổn định để bảo đảm công tác hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số được đồng bộ, liên tục, hiệu quả.
Cơ hội chuyển đổi số mang lại cho doanh nghiệp
Đánh giá về cơ hội mà chuyển đổi số mang lại cho các doanh nghiệp, Lãnh đạo Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP. Hà Nội (HPA) khẳng định: Chuyển đổi số hiện nay không chỉ tạo cơ hội kết nối mạng lưới, thu gọn khoảng cách giữa các bộ phận trong tổ chức, nâng cao hiệu suất quản trị doanh nghiệp và tối ưu hóa năng suất làm việc của nhân viên, mà còn giúp cải thiện chất lượng sản phẩm và tăng cường khả năng cạnh tranh.
Để duy trì và nâng cao sự cạnh tranh trong môi trường kinh doanh ngày càng phức tạp, các doanh nghiệp phải thích nghi với sự thay đổi và sử dụng công nghệ số hóa để tối ưu hóa hoạt động kinh doanh, cải thiện hiệu suất và chất lượng, tạo ra giá trị cho khách hàng.
Chuyển đổi số đóng một vai trò quan trọng trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và có ý nghĩa quan trọng đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Trong những năm gần đây, các doanh nghiệp Hà Nội đã nhận thức được rõ ràng rằng chuyển đổi số không chỉ là một xu hướng, mà còn là yếu tố quan trọng để duy trì và phát triển doanh nghiệp trong thế giới kỷ nguyên số.
Có thể thấy, chuyển đổi số không dừng lại như một xu hướng mà là bước đi không thể bỏ qua. Nếu các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa đứng ngoài cuộc đua chuyển đổi số sẽ phải đối mặt với khó khăn trong tương lai, thậm chí dẫn tới sự thất bại. Tuy nhiên, muốn thành công cần chiến lược rõ ràng trong quá trình chuyển đổi số.
Mục tiêu chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn TP. Hà Nội là phấn đấu đến năm 2025 đạt 100% doanh nghiệp nhỏ và vừa được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; 90.000 doanh nghiệp mới được thành lập nhận hỗ trợ chuyển đổi số; 100% doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố sử dụng chữ ký số, hóa đơn điện tử.
Diệu Anh