Đưa khu vực nông thôn thực sự thành miền quê đáng sống

18/09/2022 8:20 AM

(Chinhphu.vn) - Ngay từ giai đoạn đầu tiên bước vào thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Hà Nội luôn xác định nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Hà Nội đang từng bước phát triển nông thôn thành miền quê đáng sống, góp phần không nhỏ vào mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của toàn thành phố.

Đưa khu vực nông thôn thực sự thành miền quê đáng sống - Ảnh 1.

Diện mạo nông thôn mới tại huyện Chương Mỹ. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới là một chương trình tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội, chính trị và an ninh quốc phòng. Ngày 4/6/2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 800/QĐ-TTg, Phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 (Chương trình Mục tiêu quốc gia). Mục tiêu của chương trình là xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch;… Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Hà Nội đã nhanh chóng triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia.

Sau 10 năm xây dựng nông thôn mới, Hà Nội đạt được nhiều kết quả nổi bật. Hà Nội đã có 15/18 huyện, thị xã về đích. Các huyện Ứng Hòa, Ba Vì và huyện Mỹ Đức đang bám sát bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, đồng thời tiến hành hoàn thiện các tiêu chí huyện, phấn đấu trình Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022. Với kết quả này, Hà Nội đã trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.

Trong giai đoạn 2016-2020, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia, Hà Nội xác định nông nghiệp, nông dân, nông thôn là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Mặc dù tình hình dịch bệnh xảy ra trong lĩnh vực nông nghiệp (cây trồng, vật nuôi), nhất là dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhưng khu vực nông thôn Hà Nội vẫn giữu vững vai trò là nơi cung cấp sản phẩm nông nghiệp cho thành phố và là bệ đỡ để phát triển dịch vụ, công nghiệp.

Có thể thấy, sau hành trình 10 năm xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn của Thủ đô đã thực sự "thay da đổi thịt", thu nhập của người dân ngày một nâng cao, đạt khoảng 65 triệu đồng/người/năm. Đa số các hộ gia đình đã có nhà ở kiên cố, khang trang; đường làng ngõ xóm sạch đẹp; đời sống tinh thần của người dân nhờ vậy cũng được nâng lên.

Điển hình như huyện Đan Phượng, là huyện đi đầu của thành phố về xây dựng nông thôn mới. Đến nay đã có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Trong năm 2022, huyện Đan Phượng đã đăng ký thêm 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và đang rà soát theo Bộ tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025, hoàn thiện hồ sơ đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2022.

Tương tự, tại huyện Mê Linh, khi mới bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, cả 16/16 xã trên địa bàn huyện đều chưa đạt tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm. Nhưng chỉ thông qua việc thực hiện tốt các phong trào "Vì môi trường xanh - sạch - đẹp", "Không đổ rác, phế thải ra đường, nơi công cộng" và lan tỏa mô hình tự quản "Khu dân cư an toàn sáng, xanh, sạch, đẹp", giờ đây huyện Mê Linh đã xây dựng được hàng chục km tuyến đường tự quản xanh, sạch đẹp, kiểu mẫu.

Tại huyện Chương Mỹ, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, huyện đã huy động được gần 7.500 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất nông nghiệp... Trong đó, người dân đóng góp hơn 1.200 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới.

Theo ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Thường trực Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội, sau hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới, diện mạo Thủ đô ngày càng sáng, xanh, sạch, đẹp. Cùng với việc giữu vị trí đầu tàu ở chức năng đô thị của cả nước, Hà Nội còn phấn đấu đưa vùng ngoại ô trở thành hạt nhân phát triển, đi đầu cả nước để nông thôn của Hà Nội trở thành miền quê đáng sống, một không gian kinh tế nông thôn với thế mạnh của đất trăm nghề, gắn với phát triển nông nghiệp, du lịch nông thôn.

Sau khi hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, Hà Nội sẽ tập trung cho giai đoạn xây dựng nông thôn mới nâng cao tại các xã. Đối với nhiệm vụ này, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình 04 Nguyễn Thị Tuyến đề nghị các địa phương tập trung huy động nguồn lực, thực hiện việc nâng cấp các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao có trọng tâm, tránh dàn trải; xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng tiệm cận các tiêu chí phát triển đô thị.

Đồng thời, Hà Nội sẽ tập trung và ưu tiên dành nguồn lực đầu tư để bảo đảm hoàn thành các tiêu chí xây dựng huyện nông thôn mới, huyện nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu, phấn đấu về đích theo đúng kế hoạch. Đồng thời tăng cường tuyên truyền, tập huấn để nâng cao nhận thức cho người dân. Tiếp tục quan tâm chỉ đạo quyết liệt hơn nữa công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tạo điều kiện, khuyến khích các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư phát triển nông nghiệp.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến chỉ đạo các sở, ngành ưu tiên nguồn lực cho nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu; nhất là các huyện, các xã đăng ký hoàn thành trong năm 2022. Đồng thời tiếp tục nâng cao các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, với phương châm xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc. Đặc biệt tập trung cho các tiêu chí về trường chuẩn quốc gia, về nước sạch và vệ sinh môi trường.

Trong những tháng cuối năm 2022, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến yêu cầu, tập trung hoàn thành mục tiêu tăng trưởng ngành nông nghiệp trong năm 2022 từ 2,5-3%; hoàn thành xây dựng nông thôn mới tại 3 huyện còn lại (Ba Vì, Ứng Hòa, Mỹ Đức) để đến hết năm 2022, 100% huyện của Hà Nội đạt huyện nông thôn mới; đồng thời hoàn thành mục tiêu xây dựng thêm 25 xã nông thôn mới nâng cao, 5 xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Thiện Tâm

* Chương trình có sự phối hợp của Văn phòng điều phối Chương trình Nông thôn mới Hà Nội./.

Top