Khai thác tiềm năng, phát triển làng nghề truyền thống nông thôn
(Chinhphu.vn) - Với mục tiêu khai thác tiềm năng các làng nghề đóng góp cho sự phát triển của Hà Nội, Sở NN&PTNT Hà Nội cũng tìm giải pháp bảo tồn phát triển làng nghề truyền thống, tháo gỡ khó khăn, kết nối cung cầu, tìm đầu ra cho các sản phẩm làng nghề.
Với hơn 1.300 làng có nghề thì việc khai thác tiềm năng của các làng nghề sẽ góp phần tạo việc làm, thúc đẩy kinh tế- xã hội của địa phương phát triển. Cùng với việc đào tạo nghề, quy hoạch Cụm điểm làng nghề thì Hà Nội cũng đang nỗ lực triển khai hoạt động du lịch làng nghề theo hướng khai thác bền vững.
Theo nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Trung, Hội trưởng Hội doanh nghiệp mây tre đan huyện Chương Mỹ việc phát triển làng nghề mây tre đan Phú Vinh, xã Phú Nghĩa đang ngày càng gặp nhiều thách thức khi nguồn cung ngày càng thiếu hụt, giá nguyên liệu tăng cao, trong khi giá bán sản phẩm bị khống chế bởi các doanh nghiệp nhập khẩu. Cùng với đó là việc tổ chức xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường mới cho mặt hàng mây tre đan của làng nghề xuất khẩu. Hiện nay, các nghệ nhân giỏi làng nghề đang nghiên cứu, sáng tạo các mẫu mã sản phẩm đa dạng từ những nguyên liệu có sẵn nhằm giải quyết bài toán thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu sản xuất.
Bà Đỗ Thị Hải, Chủ tịch UBND xã Vân Hà, huyện Đông Anh chia sẻ, đối với làng nghề điêu khắc gỗ mỹ nghệ Vân Hà, xã Vân Hà, huyện Đông Anh, để phát triển bền vững làng nghề, cùng với việc quy hoạch Khu công nghiệp làng nghề đảm bảo vấn đề môi trường làng nghề, UBND xã cũng đang tập trung quy hoạch phát triển du lịch làng nghề trải nghiệm, mua sắm, nghỉ dưỡng gắn với di tích lịch sử Cổ Loa.
Ông Lê Tiến Xuân, Trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Xuyên cho biết, tại các quận, huyện, thị xã ngoại thành Hà Nội, cũng đang rà soát các làng nghề phù hợp để phát triển du lịch làng nghề. Với thế mạnh của mình, huyện Phú Xuyên cũng đã xây dựng được hai tuyến du lịch làng nghề gắn với hoạt động văn hóa tâm linh: Chuyên Mỹ- Vân Từ- Phú Yên- Quang Lãng tạo động lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao thu nhập cho người dân.
Ông Nguyễn Văn Chí, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, thành phố Hà Nội vốn có rất nhiều tiềm năng phát triển làng nghề khi có hơn 1.300 làng nghề, trong đó có 318 làng nghề làng nghề truyền thống được công nhận danh hiệu làng nghề truyền thống. Bao gồm: 67 làng nghề, 48 làng nghề chế biến, bảo quản nông lâm thủy sản,22 làng nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; 16 làng nghề xử lý, chế biến nguyên liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn, 196 làng nghề sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ, 12 làng nghề sản xuất kinh doanh sinh vật cảnh. Để khai thác tiềm năng thế mạnh của làng nghề Hà Nội đóng góp vào sự phát triển kinh tế- xã hội của Thủ đô, Hà Nội cũng đã đề ra các giải pháp đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, quy hoạch phát triển làng nghề, xây dựng thương hiệu sản phẩm làng nghề. Đồng thời đầu tư cải tiến máy móc thiết bị, nâng cao chất lượng mẫu mã sản phẩm, thúc đẩy đào tạo nghề và phát triển du lịch làng nghề gắn với chương trình Mỗi xã một sản phẩm.
Vừa qua, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 67/LH – UBND về bảo tồn, phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn với những nội dung như xét công nhận 50 danh hiệu (làng nghề, nghề truyền thống và làng nghề truyền thống, hỗ trợ xây dựng thương hiệu và xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể cho 100 làng nghề…). Đồng thời, Hà Nội đã tập trung chỉ đạo xây dựng hoàn thiện các sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch tâm linh, dịch vụ vui chơi giải trí, thể thao, mua sắm, ẩm thực.
Đối với Hà Nội với lợi thế của mình nên cần xây dựng cơ chế chính sách phù hợp, nên có những cơ chế chung và riêng để hình thành khung cơ chế cho thành phố. Ngoài ra, việc quan tâm phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị, những làng nghề phát triển khác nhau nên cần xây dựng kế hoạch cụ thể đồng thời phát huy được tinh hoa, tính sáng tạo của người dân và xác định vấn đề xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm Hà Nội cần tập trung vào quảng bá, phát triển các sản phẩm làng nghề.
Thiện Tâm
* Trang thông tin có sự phối hợp của Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội