Đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử

20/12/2022 3:53 PM

(Chinhphu.vn) - Để Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” OCOP được thực hiện có hiệu quả, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn Thành phố đang nỗ lực ứng dụng công nghệ số để đưa các sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử.

Đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử  - Ảnh 1.

Nỗ lực đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử. Ảnh minh họa

Việc đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử vừa mở rộng thị trường tiêu thụ, vừa từng bước hoàn thiện khâu tiêu thụ sản phẩm.

Khác với kênh bán hàng truyền thống, kênh thương mại điện tử giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có thể giới thiệu, quảng bá và đưa thông tin đầy đủ, chi tiết về sản phẩm OCOP và những sản phẩm đặc sản vùng miền của Thành phố đến với người tiêu dùng trong nước.

Nhưng dù biết việc đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử sẽ là kênh bán hàng chính thống trong thời điểm hiện tại và tương lai nhưng do hạn chế về nguồn lực kinh tế, con người nên nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp vẫn đứng bên ngoài sàn thương mại điện tử.

Ông Phùng Đắc Kiêu, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất tinh bột nghệ và tinh dầu Bà Bé (Dương Xá, huyện Gia Lâm) cho hay, sản phẩm lên sàn chịu rất nhiều áp lực, ngoài cạnh tranh về giá thì việc đầu tư đổi mới công nghệ, nghiên cứu đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm cũng phải được chú trọng.

Bên cạnh đó đội ngũ nhân viên phải được đầu tư, đào tạo bài bản để có các kỹ năng giới thiệu sản phẩm, bán hàng trên sàn thương mại điện tử.

Là nghệ nhân làng nghề Bát Tràng (huyện Gia Lâm), ông Nguyễn Trung Thành cho rằng, muốn bán được sản phẩm OCOP, đặc biệt là sản phẩm gốm lên sàn thường mại điện tử, ngoài yếu tố chất lượng, mẫu mã, thì rất cần có những "câu chuyện sản phẩm" - thuyết minh được quy trình sản xuất, những giá trị văn hóa hàm chứa trong mỗi sản phẩm…, để nâng cao giá trị hàng hóa, đáp ứng nhu cầu của khách hàng hiện đại.

Chia sẻ tại Hội nghị "Phát triển thị trường đầu ra cho sản phẩm OCOP" do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP. Hà Nội (HPA) tổ chức mới đây, ông Bùi Huy Hoàng đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với Trung tâm HPA triển khai chương trình hỗ trợ đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử lớn như Tiki, Lazada, Sendo…

Bên cạnh đó, ngoài sự hỗ trợ của cơ quan nhà nước, chính doanh nghiệp sản xuất sản phẩm OCOP cần tăng cường tuyên truyền cho sản phẩm tới người tiêu dùng, chủ động tiếp cận, nâng cao năng lực vận hành trên sàn thương mại điện tử, cải thiện chất lượng về nội dung đăng tải trên các sàn thương mại điện tử nhằm thu hút khách hàng và người tiêu dùng.

Có thể thấy, việc triển khai những hoạt động bán hàng tiếp thị thông qua các sàn thương mại điện tử đang là xu hướng tất yếu, bảo đảm duy trì tốt chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm…Do đó, để tăng cường đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử, phát huy những kết quả đã làm được, thời gian tới, TP. Hà Nội sẽ có tiếp tục nghiên cứu đổi mới cơ chế, chính sách hỗ trợ việc quảng bá, tiếp thị theo hướng xúc tiến thương mại.

Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, truyền thông nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp, hợp tác xã, người sản xuất; tăng cường hỗ trợ để đưa những sản phẩm OCOP tham gia các sàn thương mại điện tử lớn như Postmart.vn, Lazada, Shopee, Tiki...

Bích Phương

Top