Đưa Thủ đô phát triển nhanh và bền vững, cùng cả nước phát triển

02/09/2022 7:05 AM

(Chinhphu.vn) - Nhận thức vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng và trách nhiệm phát triển Thủ đô, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã và đang nỗ lực, phát huy mạnh mẽ tinh thần chủ động, sáng tạo nhằm tạo bước phát triển toàn diện, bứt phá với định hướng lớn là Thành phố: "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại".

Đưa Thủ đô phát triển nhanh và bền vững, cùng cả nước phát triển - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với và các đồng chí lãnh đạo TP. Hà Nội, Bộ GTVT và đơn vị thi công dự án tuyến Đường sắt đô thị thí điểm của Thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội. Ảnh: VGP

Đưa Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị vào cuộc sống

Cụ thể hóa Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về "Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã ký ban hành Chương trình hành của Đảng bộ Thành phố để quyết đưa Nghị quyết vào cuộc sống.

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, đây là cơ sở pháp lý, điều kiện quan trọng để tạo động lực phát triển thủ đô từ nay đến năm 2030 và 2045, với định hướng lớn: Thủ đô Hà Nội là Thành phố "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại"; xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; trung tâm lớn về kinh tế, văn hoá, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế.

Mục tiêu đặt ra là xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan toả để thúc đẩy vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.

Để sớm đưa Nghị quyết vào cuộc sống, Chương trình hành động của Hà Nội đã xác định 8 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để quyết tâm đưa Nghị quyết số 15-NQ/TW đi vào cuộc sống.

Trong đó, Thành phố xác định đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, lấy khoa học, công nghệ cao và đổi mới sáng tạo là động lực then chốt để phát triển kinh tế - xã hội.

Tập trung phát triển công nghiệp văn hoá, du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, nhất là du lịch văn hóa; phát triển nền tảng thương mại điện tử thông qua chuỗi giá trị; chú trọng phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp theo quy hoạch; ưu tiên phát triển sản xuất công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị khởi nghiệp sáng tạo.

Bên cạnh đó, tập trung phát triển văn hoá Thủ đô xứng tầm với truyền thống nghìn năm Thăng Long - Hà Nội; xây dựng Hà Nội thực sự là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hoá của cả nước, trở thành nguồn lực phát triển mới cho Thủ đô thông qua nghiên cứu, xây dựng và thực hiện chương trình "Hội tụ tinh hoa và cộng hưởng sức mạnh văn hóa Quốc gia" với nhiều nội dung, cách thức thể hiện phong phú.

Đồng thời, hoàn thành xây dựng các tuyến đường quốc lộ, đường cao tốc, đường vành đai (đầu tư khép kín 7 tuyến đường vành đai giao thông Thủ đô: 1; 2; 2,5; 3; 3,5; 4; 5), hệ thống đường kết nối nội vùng và liên vùng theo quy hoạch; đầu tư xây dựng thêm các cầu qua sông Hồng, sông Đuống tạo điểm nhấn về kiến trúc gắn với quy hoạch các công trình hiện đại hai bên bờ sông. Phấn đấu hoàn thành đường Vành đai 4 trước năm 2027 và chuẩn bị đầu tư, xây dựng đường Vành đai 5 trước năm 2030; mở rộng, nâng cấp sân bay quốc tế Nội Bài; nghiên cứu, xây dựng thêm 1 sân bay quốc tế đáp ứng yêu cầu phát triển vùng Thủ đô và khu vực phía Bắc gắn với xây dựng hệ thống giao thông và hạ tầng logistics hiện đại.

Đối với phát triển đô thị, thành phố sẽ tập trung hình thành một số cực tăng trưởng mới; từng bước tạo ra chùm đô thị, các đô thị vệ tinh, mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông (TOD). Phấn đấu đến năm 2025 có 3 - 5 huyện và đến năm 2030 có thêm 1 - 2 huyện phát triển thành quận.

Thành ủy Hà Nội cũng xác lập rõ vị trí, vai trò, trách nhiệm và quyền hạn, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của Hà Nội theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền cho Thủ đô.

Đưa Thủ đô phát triển nhanh và bền vững, cùng cả nước phát triển - Ảnh 2.

Thường trực Thành ủy Hà Nội đi khảo sát, kiểm tra 5 dự án, công trình quan trọng trên địa bàn - Ảnh: VGP

Kinh tế Thủ đô phục hồi mạnh mẽ

Từ đầu năm 2022 đến nay, Hà Nội tập trung thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế; chú trọng phát triển văn hóa, đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội, nâng cao đời sống của người dân với tinh thần "Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển" và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Với sự quyết tâm, cố gắng, nỗ lực, Thành phố đã bám sát các chỉ đạo của Trung ương và Thành ủy, quyết liệt triển khai các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh để từng bước phục hồi, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Những kết quả tăng trưởng thuận lợi của 8 tháng năm 2022 đã mang lại nhiều kỳ vọng cho Thủ đô trong kết quả phát triển kinh tế-xã hội, hướng đến đạt mục tiêu tăng trưởng của cả năm.

Kinh tế Thủ đô tăng trưởng khá cao trong 6 tháng đầu năm 2022, GRDP 6 tháng tăng 7,79% (Quý I tăng 6,03%, quý II tăng 9,49%) - gấp 1,32 lần mức tăng cùng kỳ năm 2021 (5,91%).

Về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong 8 tháng năm 2022, toàn Thành phố thu hút 992,3 triệu USD vốn FDI, tăng 49,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, đăng ký cấp mới 226 dự án với số vốn đạt trên 141 triệu USD, tăng 19,4%; có 122 dự án bổ sung tăng vốn đầu tư với 374,6 triệu USD, tăng 16%; có 258 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần đạt trên 476 triệu USD.

Đăng ký doanh nghiệp 8 tháng năm 2022, Hà Nội có hơn 20.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước; vốn đăng ký đạt 226 nghìn tỷ đồng, tăng 2%; thực hiện thủ tục giải thể cho gần 2,5 nghìn doanh nghiệp, tăng 14%; 13,3 nghìn doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 46%; 7,8 nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 7%.

Trong thời gian qua, hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch trên địa bàn Hà Nội tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, có nhiều khởi sắc nhờ các chính sách hỗ trợ của Chính phủ và sự quan tâm, chỉ đạo, điều hành của Thành phố trong việc giảm giá bán lẻ xăng, dầu; bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu; kiềm chế lạm phát, đảm bảo cung ứng hàng hóa trên thị trường.

Để thực hiện được mục tiêu tăng trưởng của năm 2022, Hà Nội đã thống nhất điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công cấp Thành phố năm 2022 bao gồm: Điều chỉnh Kế hoạch đầu tư dự án cấp Thành phố giảm trên 700.000 triệu đồng; điều chỉnh kế hoạch đầu tư dự án thuộc nhiệm vụ chi cấp huyện được ngân sách Thành phố hỗ trợ bổ sung; bố trí bổ sung 53.700 triệu đồng trong tổng nguồn vốn kế hoạch năm 2022 từ nguồn dự phòng để thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

Hà Nội cũng đã thông qua Chương trình phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2030 với tổng diện tích đất để xây dựng nhà ở trên địa bàn toàn Thành phố khoảng 1.868 ha (gồm 1.384ha thuộc khu vực đô thị và 484ha khu vực nông thôn). Nguồn vốn phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2030 khoảng 880.000 tỷ đồng, trong đó nhu cầu vốn ngân sách khoảng 11.700 tỷ đồng.

Nhiều giải pháp mới cũng được đưa ra phù hợp thực tiễn, tính khả thi cao, thể hiện rõ vai trò nhà nước trong công tác phát triển nhà ở, cũng như điều tiết thị trường bất động sản.

Đưa Thủ đô phát triển nhanh và bền vững, cùng cả nước phát triển - Ảnh 4.

Dự án tuyến Đường sắt đô thị thí điểm của Thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội -Ảnh: VGP

Đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền trong quản lý nhà nước

Để Nghị quyết số 15-NQ/TW đi vào cuộc sống, Hà Nội cũng đặt nhiệm vụ, giải pháp hoàn thiện hệ thống pháp luật với các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội cho Thủ đô.

Theo đó, phải hoàn thiện hệ thống pháp luật về Thủ đô với cơ chế, chính sách phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới. Hà Nội sẽ rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định đang còn vướng mắc, bất cập; trọng tâm là tiến hành tổng kết, đề xuất sửa đổi, bổ sung toàn diện Luật Thủ đô nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật với các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội cho Thủ đô.

Hiện nay, Thành phố đang hoàn thiện Đề án đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền trên địa bàn thành phố Hà Nội gắn với việc xây dựng Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 08/2016/NQ-HĐND ngày 03/8/2016 của HĐND Thành phố về phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực hạ tầng, kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Hà Nội là địa phương tiên phong về thực hiện phân cấp trong quản lý, do đó Thành phố đang rà soát, bóc tách từng nhiệm vụ để tiếp tục phân cấp, ủy quyền cho cấp huyện, cấp xã theo tinh thần giảm đầu mối. Cấp nào sát thực tế và phục vụ tốt hơn các yêu cầu của người dân thì giao cho cấp đó thực hiện.

Về vấn đề này, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng lưu ý, việc đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền là nội dung tác động trực tiếp đến hiệu lực, hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại các quận, huyện, thị xã nói riêng và Thành phố nói chung. Việc đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền trong quản lý nhà nước là một trong những khâu đột phá, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của Hà Nội.

Đề án phân cấp của Hà Nội hướng tới mục tiêu phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của mỗi cấp trong bộ máy chính quyền địa phương; bảo đảm vai trò chủ đạo, sự quản lý thống nhất của chính quyền thành phố; tăng cường quyền hạn, trách nhiệm và tính tích cực, chủ động, sáng tạo của các cấp, ngành; khai thác hiệu quả và giải phóng nguồn lực của các địa phương, đặc biệt là các quận, huyện đã tự bảo đảm ngân sách và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên địa bàn thành phố nhằm phục vụ nhân dân tốt hơn.

Gia Huy

Top