Đúc đồng Ngũ Xã-Tinh hoa làng nghề truyền thống Việt

12/02/2024 7:37 AM

(Chinhphu.vn) - Trong những làng nghề truyền thống xưa của Hà Nội, nghề đúc đồng Ngũ Xã thuộc vào hàng tinh hoa, có lịch sử phát triển hơn 400 năm. Dấu ấn tác phẩm của nơi này còn bền vững và vang mãi, gắn với những địa danh nổi tiếng của Thủ đô và đất nước.

Đúc đồng Ngũ Xã-Tinh hoa làng nghề truyền thống Việt- Ảnh 1.

Niềm vui lớn nhất của người thợ đồng chính là sự đón nhận và thái độ hoan hỷ của khách hàng với sản phẩm mình làm ra. Ảnh: VGP/Bích Phương

Nghề đúc đồng là 1 trong 4 nghề quan trọng, nổi tiếng trong đời sống Kinh kỳ thời xưa gồm "Dệt Yên Thái-Gốm Bát Tràng-Vàng Định Công-Đồng Ngũ Xã".

Ngũ Xã nằm bên bờ hồ Trúc Bạch (quận Ba Đình, Hà Nội), được hình thành từ khoảng thế kỷ XV. Tên Ngũ Xã của làng được gắn liền với lịch sử hình thành làng. Theo sử sách ghi chép lại, vào thời nhà Lê (1428 - 1527) triều đình tập hợp những thợ đúc đồng giỏi ở 5 xã gồm: Đông Mai, Châu Mỹ, Lộng Thượng, Đào Viên và Điện Tiền về kinh thành lập Trường đúc tiền và đồ thờ cho triều đình, gọi là Tràng Ngũ Xã.

Theo đó, người dân ở 5 xã đã kéo về Thăng Long lập nghiệp, chọn vùng đất bên bờ hồ Trúc Bạch để an cư. Để ghi nhớ 5 làng quê gốc của mình, người dân đã lấy tên làng là Ngũ Xã.

Để nói về độ nổi tiếng và uy tín của làng nghề Ngũ Xã, người dân Thăng Long có câu:

"Lĩnh hoa Yên Thái, Đồ gốm Bát Tràng

Thợ Vàng Định Công, Thợ đồng Ngũ Xã"

Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, với tình yêu đất nước và văn hóa, người dân làng nghề qua các thế hệ đã vượt qua nhiều khó khăn của biến động lịch sử xã hội, quyết tâm truyền nghề và giữ lấy nghề không bị mai một.

Với mắt nhìn chuẩn xác, đôi tay khéo léo, sự thông minh sáng tạo và đức tính cẩn trọng, nghệ nhân nơi đây đã tạo ra những tác phẩm đồng nghệ thuật nhận được nhiều sự thán phục từ khách hàng hay những ai yêu thích các sản phẩm đồ đồng.

Thành tựu nghề đúc của làng có thể kể đến các bức tượng nổi tiếng như pho tượng Huyền Thiên Trấn Vũ ở đền Quán Thánh với chiều cao khoảng 3,9m, nặng khoảng 4 tấn và pho tượng Phật Adiđà cao 3,95m, chu vi tượng 11,6m, nặng hơn 10 tấn toạ trên một đài sen bằng đồng có 96 cánh ở chùa Thần Quang nằm ngay tại làng Ngũ Xã. Các bức tượng này đều được đúc nguyên khối mà không có một khiếm khuyết đúc nào.

Đúc đồng Ngũ Xã-Tinh hoa làng nghề truyền thống Việt- Ảnh 2.

Giới trẻ nối nghiệp nghề đúc đồng truyền thống của cha ông. Ảnh: VGP/Bích Phương

Chia sẻ về kỹ thuật đúc đồng, ông Nguyễn Văn Ứng (64 tuổi, nghệ nhân đúc đồng già nhất của làng Ngũ Xã) cho hay, nghề đúc đồng gồm có 5 kỹ thuật cơ bản gồm đắp mô hình chi tiết cần đúc, tiếp theo là tạo khuôn, sau đó là kỹ thuật pha trộn nguyên liệu, nấu và đổ nguyên liệu vào khuôn, đúc xong thì đến công đoạn sửa nguội và cuối cùng là đánh bóng sản phẩm.

Với những chi tiết đúc lớn, có những công đoạn phải mất nhiều tháng liền mới hoàn thành. Người nghệ nhân muốn giỏi cả 5 kỹ thuật thì có khi phải mất cả đời rèn luyện.

Sự khác biệt sản phẩm đồng của Ngũ Xã chính là kỹ thuật đúc liền khối. Đúc liền khối đối với các sản phẩm nhỏ đã không đơn giản, đối với các sản phẩm có kích thước cực lớn lại càng khó khăn, phức tạp hơn nhiều.

"Kỹ thuật đúc liền khối là một kỹ thuật vô cùng khó và phức tạp, đòi hỏi người nghệ nhân phải có kỹ năng cao trong tất cả các công đoạn. Hiện kỹ thuật này vẫn là bí quyết riêng của làng Ngũ Xã", ông Nguyễn Văn Ứng nói.

Bên cạnh đó, kỹ thuật pha trộn nguyên liệu cũng vô cùng quan trọng, mỗi loại sản phẩm thì cần dùng một loại nguyên liệu riêng. Để đúc chuông thì cần phải pha nguyên liệu sao cho màu chuông không cần sáng nhưng tiếng chuông lại phải trong và phải vang, nếu pha nguyên liệu sai thì có thể sẽ đúc ra một chiếc chuông câm, đánh không thành tiếng. Để đúc tượng thì lại cần nguyên liệu có màu sắc tôn quý, nguyên liệu phải cứng, bền, trường tồn…

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, những sản phẩm đúc đồng của làng Ngũ Xã trước đây và cả hôm nay vẫn khẳng định được sự tinh xảo, tính nghệ thuật và thể hiện được tâm hồn của những nghệ nhân của kinh thành Thăng Long xưa và nay.

Đối với người thợ đồng Ngũ Xã, niềm tự hào về truyền thống đúc đồng lâu đời và tình yêu nghề là động lực để tiếp tục phát triển. Niềm vui lớn nhất của người thợ đồng chính là sự đón nhận và thái độ hoan hỷ của khách hàng với sản phẩm mình làm ra.

Đúc đồng Ngũ Xã-Tinh hoa làng nghề truyền thống Việt- Ảnh 3.

Với đôi tay khéo léo, sự thông minh sáng tạo, nghệ nhân đúc đồng Ngũ Xã đã tạo ra những tác phẩm đồng nghệ thuật nhận được nhiều sự thán phục - Ảnh minh họa

Tiếp nối truyền thống của cha ông xưa, Công ty đúc đồng truyền thống Ngũ Xã đã hình thành và phát triển, từng bước để lại dấu ấn rõ nét, vừa mang nét truyền thống vừa có nét hiện đại. Ngoài việc lưu giữ những tinh hoa của nghề, xưởng đúc đồng của Công ty cũng là cơ sở duy nhất có 4 thành viên trong gia đình đều được công nhận là nghệ nhân.

Năm 2021, Công ty TNHH đúc đồng truyền thống Ngũ Xã có 2 sản phẩm được UBND thành phố Hà Nội đánh giá, phân hạng và quyết định công nhận sản phẩm OCOP 4 sao là: Đôi đèn tứ linh và lọ song ngư. Bên cạnh đó, còn rất nhiều sản phẩm đoạt giải cao trong kỳ thi kỹ năng thủ công tinh xảo…

Năm 2022, xưởng đúc đồng Ngũ Xã của Công ty đúc đồng truyền thống Ngũ Xã được ở Công Thương Hà Nội chọn là Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP gắn với nghề truyền thống đúc đồng Ngũ Xã. Đây là nơi trưng bày, quảng bá sản phẩm OCOP và sản phẩm nghề đúc đồng Ngũ Xã đến du khách trong và ngoài nước, góp phần phát huy, quảng bá giá trị văn hóa, nghệ thuật của các làng nghề truyền thống Thủ đô.

Có thể thấy rằng, các tác phẩm nghệ thuật Đúc đồng Ngũ Xã góp phần duy trì những giá trị tinh thần đời sống nhân dân Việt: Nhớ về tổ tiên, hướng về cội nguồn, đời sống tâm linh.

Tới nay, dù nghề đứng trước nguy cơ bị mai một, thế hệ con cháu của dân làng Ngũ Xã vẫn kiên trì học hỏi rèn luyện, kế thừa những tinh hoa của cha ông lưu truyền hơn 400 năm, từ đó, nỗ lực đóng góp những tác phẩm nghệ thuật cho nền văn hóa Việt.

Bích Phương

Top