Chung tay phát triển các làng nghề truyền thống

13/11/2023 5:21 PM

(Chinhphu.vn) - Những ngày này tại Hoàng Thành Thăng Long, Hà Nội đang diễn ra Festival Bảo tồn và Phát triển Làng nghề Việt Nam năm 2023. Đây là cơ hội để "đất trăm nghề" đón nhận và giới thiệu những sản phẩm tinh hoa của cả nước.

Chung tay phát triển các làng nghề truyền thống- Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Tràn Sỹ Thanh tham quan Festival Bảo tồn và Phát triển Làng nghề Việt Nam - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Hà Nội ưu tiên phát triển sản phẩm thủ công

Theo ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, nhận thức sâu sắc giá trị của làng nghề nghề truyền thống, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 09 về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn thủ đô. Trong đó, khẳng định ưu tiên phát triển nghề và sản phẩm nghề thủ công truyền thống.

Hà Nội đã ban hành Quy hoạch phát triển nghề, làng nghề đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2030, đồng thời có nhiều cơ chế để bảo tồn và phát triển làng nghề trên địa bàn Thủ đô.

Hiện nay, Hà Nội là địa phương có tập trung số lượng làng nghề và các nghệ nhân nhiều nhất cả nước với 1.350 làng nghề và làng có nghề, chiếm 56% tổng số làng nghề của cả nước. Mỗi làng nghề Hà Nội đều mang bản sắc riêng với những sản phẩm độc đáo theo phong cách văn hóa địa phương, có sức cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế.

TP. Hà Nội phấn đấu đến 2025 sẽ hình thành trung tâm phát triển thiết kế và giới thiệu sản phẩm OCOP quốc gia tại Thủ đô, gắn với du lịch văn hóa và phát triển công nghiệp văn hóa, đồng thời phát triển 9 Trung tâm thiết kế sáng tạo giới thiệu quảng bá sản phẩm OCOP tại các huyện và thị xã.

Cũng theo Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh, tại Fesival bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam 2023, Hà Nội tham gia 6 sự kiện bên lề, phối hợp với Bộ NN&PTNT triển khai nhiều hoạt động chính thức với mong muốn sẽ góp phần quảng bá sản phẩm làng nghề, đẩy mạnh kết nối giao thương, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm và phát triển du lịch làng nghề của thủ đô và cả nước.

Festival Bảo tồn và Phát triển Làng nghề Việt Nam năm 2023 nhằm gìn giữ, bảo tồn, tái hiện và phát huy bản sắc các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, hình thành các nét văn hóa đương đại của làng nghề Việt Nam. Trong đó, lấy các làng nghề của Hà Nội làm trung tâm để lan tỏa cho các địa phương khác trên cả nước.

Thông qua Festival, tạo môi trường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, kiến thức sản xuất kinh doanh sản phẩm làng nghề, tôn vinh các nghệ nhân, thợ giỏi, người lao động trong các làng nghề; quảng bá, giới thiệu các làng nghề, phố nghề truyền thống trên địa bàn Hà Nội và trên cả nước.

Festival cũng nhằm quảng bá hình ảnh, thương hiệu của làng nghề Việt Nam tới bạn bè quốc tế, thúc đẩy tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm, phát triển du lịch, thể hiện dòng chảy văn hóa Việt Nam thông qua sự phát triển của các làng nghề.

Chung tay phát triển các làng nghề truyền thống- Ảnh 2.

Phiên livestream tại Festival kéo dài 4 giờ đồng hồ đã thu hút hơn 20 triệu lượt tiếp cận - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Nâng tầm sản phẩm OCOP

Trong khuôn khổ Festival, nhằm thúc đẩy việc quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP, Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) đã ký kết biên bản hợp tác với Ngân hàng TMCP Phát triển thành phố Hồ Chí Minh (HD Bank) và TikTok.

Đánh giá về ý nghĩa của bên bản hợp tác ba bên này, ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp khẳng định, việc hợp tác này sẽ góp phần huy động thêm được nhiều nguồn lực, đánh dấu những bước tiến mới cho định hướng phát triển chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Theo biên bản ký kết, TikTok sẽ tiếp tục mở rộng phạm vi triển khai các khóa tập huấn hỗ trợ nâng cao năng lực số cho các chủ thể OCOP tại các tỉnh thành trong cả nước; khởi động nhiều chiến dịch truyền thông quảng bá nông đặc sản và sản phẩm làng nghề trên nền tảng nhằm thúc đẩy tương tác và kết nối giao thương giữa các đơn vị và người tiêu dùng.

Trong khi đó, HDBank đồng tổ chức Cuộc thi Sáng tạo Video ngắn "Hành trình vẽ bản đồ nông sản Việt" về sản phẩm OCOP, nông đặc sản địa phương và sản phẩm làng nghề trên TikTok; đồng hành tổ chức chuỗi hoạt động livestream Chợ phiên OCOP quảng bá nông đặc sản địa phương với nhiều hoạt động thúc đẩy tiêu dùng và hỗ trợ chủ thể trên nền tảng số.

Đồng hành cùng Chương trình Mỗi xã một sản phẩm lần này, HDBank sẽ tham gia tổ chức chuỗi hoạt động nâng cao kỹ năng số, triển khai những giải pháp hỗ trợ tài chính phù hợp và thiết thực cho các chủ thể của Chương trình.

Bên cạnh đó, nhằm giúp doanh nghiệp và bà con tiếp cận dễ dàng các sản phẩm dịch vụ, các gói vay ưu đãi, phát triển hệ thống ngân hàng số hạnh phúc, HDBank đã triển khai dự án website dịch vụ tài chính tại 63 tỉnh, thành, thiết lập kênh hỗ trợ khách hàng dễ dàng kết nối và giao dịch mọi lúc, mọi nơi.

Mới đây, Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp và TikTok, HDBank cũng đã tổ chức hoạt động Chợ phiên OCOP quảng bá các sản phẩm thủ công mỹ nghệ nằm trong khuôn khổ Festival Bảo tồn và Phát triển làng nghề 2023.

Phiên livestream kéo dài 4 giờ đồng hồ đã thu hút hơn 20 triệu lượt tiếp cận, 370.000 người xem livestream, mang về hơn 400 triệu đồng doanh thu cho các cơ sở sản xuất làng nghề.

Các sản phẩm được quảng bá trong buổi livestream đến từ 5 chủ thể tiêu biểu với gần 16 sản phẩm là các mặt hàng thủ công mỹ nghệ tinh xảo từ Làng Gốm Bát Tràng, HTX thổ cẩm xã Nhâm (A Lưới) Huế, HTX Nông nghiệp Cau xanh Đất Quảng…

Là giải pháp trọng tâm thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững, các sản phẩm OCOP được phát triển dựa trên thế mạnh của từng địa phương, mang nét đặc trưng riêng về văn hoá bản địa.

Việc đa dạng hoá các hình thức xúc tiến thương mại, bao gồm việc đưa các sản phẩm này lên nền tảng số được xem là bước đi tất yếu, góp phần mở ra thị trường mới, gia tăng cơ hội tiếp cận khách hàng, nâng cao sức cạnh tranh và mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội cho các địa phương.

"Trong thời gian qua, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp đã hợp tác với các đơn vị tổ chức nhiều chương trình quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP thông qua Chợ phiên OCOP trên nền tảng TikTok, các chương trình đã đem lại sự lan tỏa và tạo được hiệu ứng rất tốt cho các địa phương và chủ thể tham gia chương trình OCOP", ông Nguyễn Minh Tiến nhấn mạnh.

Đỗ Hương

Top