Gà trống với nghi lễ cúng giao thừa
(Chinhphu.vn) - Dân tộc Việt Nam với hàng nghìn năm tồn tại và phát triển đã xây dựng cho mình một nền văn hóa riêng rất phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc.
Ảnh minh họa |
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, từ xa xưa phong tục thờ cúng tổ tiên trong ngày Tết truyền thống của Việt Nam với mâm cỗ cúng giao thừa thường có một chú gà trống hoa và một đĩa xôi gấc đỏ tươi. Những nét riêng biệt đặc sắc của phong tục này được thể hiện rõ nét vào dịp Tết đến xuân về, bởi trong đó chứa đựng những giá trị tinh thần, những tư tưởng nhân văn cao quý mà cha ông đã gửi gắm với tục cúng gà trống ngậm hoa.
Sở dĩ gà được chọn làm vật cúng tế linh thiêng trong đêm giao thừa bởi theo truyền thuyết của nhiều dân tộc anh em trong đất nước Ðại Việt, khi Ngọc Hoàng mới sáng tạo ra trái đất, Người thấy mặt đất khi đó rất lạnh lẽo, ẩm thấp bèn sai mười ông mặt trời suốt ngày đêm chiếu sáng để sấy khô. Khi đất đã khô rang, nứt nẻ rồi mà Ngọc Hoàng vẫn quên không thu các mặt trời về khiến con người, cây cỏ khốn đốn vì nắng hạn. Lúc này bỗng xuất hiện một chàng dũng sĩ sức khỏe phi thường với chiếc cung thần linh thiêng tuyệt diệu. Chàng giương cung thần lên, bắn liên tiếp những mũi tên màu nhiệm lên trời, làm rụng 9 ông mặt trời xuống biển. Còn một ông cuối cùng sợ quá, trốn biệt không ló ra nữa. Kể từ đó, mặt đất lại trở lại như xưa, lạnh lẽo và tăm tối.
Không thể chịu đựng được cảnh đêm dày bao phủ triền miên, con người và vạn vật rủ nhau đi tìm gọi mặt trời. Họ đi mãi, đi mãi, ngày này qua ngày khác mà không sao tìm được ông mặt trời nên cảnh lạnh lẽo hoang tàn cứ bao phủ khắp mặt đất hoang vu, giá lạnh. Bỗng một hôm, có một chú gà trống choai khỏe mạnh, vạm vỡ xuất hiện. Chú trống choai nhảy lên một cành cây trên ngọn núi cao, dùng hết sức bình sinh, lấy một hơi dài rồi vươn cổ, cất lên tiếng gáy vang lừng. Kỳ diệu thay, sau tiếng gà gáy ấy, từ phía đông lạnh lẽo kia, một vừng hồng hé rạng. Chẳng bao lâu sau, mặt trời to như chiếc mâm son xuất hiện, đỏ rực, từ từ nhô lên khỏi mặt biển, tỏa ra ánh sáng chói lòa, khiến mặt đất lại bừng lên những tia nắng ban mai ấm áp. Cỏ cây, hoa lá, vạn vật cùng hò reo vang, dậy chào đón ông mặt trời ấm áp đã mang nguồn năng lượng vô biên đến cho muôn loài. Cũng kể từ ngày ấy, không kể mùa hè nóng bức hay mùa đông giá lạnh, như một thiên chức vẻ vang, sáng nào cũng vậy, chú gà trống đều cất cao tiếng gáy oai hùng gọi mặt trời lên. Mặt trời cũng vậy, dù ngài có ở đâu xa, khi nghe thấy tiếng gà gáy đều vươn mình trỗi dậy, vượt qua biển lớn, bay lên trời cao để làm nhiệm vụ chiếu sáng cho muôn loài.
Ðêm giao thừa là đêm trời đất tối tăm nhất, là lúc mặt trời ẩn mình sâu nhất nên nhà nhà bảo nhau đều cúng một con gà trống với hi vọng con gà sẽ đánh thức mặt trời chiếu sáng cho đủ đầy ánh nắng cả năm. Gà cúng trong đêm giao thừa phải là gà trống hoa, trống mới le te gáy với ý nghĩa khỏe mạnh, tinh khiết. Ðó chính là ước mong “Mưa thuận gió hòa” của cư dân nông nghiệp. Con gà trở thành nét văn hóa đi liền với tín ngưỡng tôn sùng mặt trời của nghề nông lúa nước. Lâu dần, cúng gà trống hoa trở thành phong tục của mọi gia đình Việt Nam lúc giao thừa. Cúng gà trống với hi vọng nó sẽ đánh thức mặt trời, chiếu sáng cho đủ đầy ánh nắng, may mắn cho cả năm.
Với phong tục Việt Nam, gà trống như cầu nối giữa thế giới con người với thế giới thần linh, là con vật được chọn để dâng cúng thần linh, tổ tiên mỗi dịp lễ, Tết. Con gà như biểu tượng văn hóa đi liền với tín ngưỡng tôn sùng mặt trời của nghề nông, dần thành phong tục của mọi gia đình Việt Nam khi đón chào năm mới. Với ý nghĩa cầu may mắn, tươi đỏ cho cả năm nên gà luộc cúng giao thừa phải cẩn thận, vừa chín để gà không bị trầy da, thịt vàng không bị thâm và miệng ngậm một bông hồng đỏ với ý nghĩa khỏe mạnh, tinh khiết. Do vậy, dịp Tết giá gà trống rất đắt, tăng gấp đôi, gấp ba so với ngày thường. Ở các vùng quê, người dân lo mua gà trống choai về nuôi từ tháng 11, chậm là đầu tháng 12 để dành bán dịp Tết phục vụ cộng đồng dâng lễ cúng đón Giao thừa.
(Theo HNM)