Giá cả ổn định, giúp người dân yên tâm mua sắm Tết

17/01/2023 4:13 PM

(Chinhphu.vn) - Để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong những ngày Tết, Sở Công Thương Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị phân phối chủ động phối hợp, sẵn sàng nguồn hàng cũng như ổn định giá cả, giúp người dân yên tâm mua sắm.

Giá cả ổn định, giúp người dân yên tâm mua sắm Tết - Ảnh 1.

Trước, trong và sau Tết Nguyên đán, Hà Nội sẽ không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, tăng giá bất hợp lý. Ảnh: VGP/Diệu Anh

Theo Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, về cơ bản, Hà Nội đã chuẩn bị đủ nguồn cung hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu sẵn sàng phục vụ người dân. Trước, trong và sau Tết Nguyên đán, Hà Nội sẽ không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, tăng giá bất hợp lý, và hàng kém chất lượng trên địa bàn.

Năm 2022, dưới sự chỉ đạo kịp thời của UBND Thành phố, cùng với việc triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch, Hà Nội đã nhanh chóng chuyển hướng sang thực hiện các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, đẩy mạnh phục hồi, phát triển kinh tế xã hội.

Nhờ đó, kinh tế-xã hội từng bước phục hồi, các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn phát triển tích cực, nguồn cung hàng hóa trên địa bàn ổn định, bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt tình hình cung cầu hàng hóa thiết yếu luôn được bảo đảm phục vụ nhu cầu nhân dân trên địa bàn Thành phố.

Trước dự báo dịp cuối năm 2022 và Tết Nguyên đán 2023 nhu cầu mua sắm sẽ tăng cao, dự kiến mức tăng đạt từ 15 - 30% tùy từng mặt hàng cụ thể; các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn đẩy mạnh sản xuất, mua bán, dự trữ hàng hóa để sẵn sàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng đa dạng của người dân.

Trong bối cảnh thu nhập của nhiều người dân còn khó khăn, vấn đề giá cả luôn là sự cân nhắc đầu tiên với người tiêu dùng. Chia sẻ vấn đề này, bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc truyền thông Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam thông tin, chuỗi bán lẻ của Central Retail gồm: GO!, Big C, Tops Market bắt đầu tung ra loạt chương trình khuyến mãi đặc biệt hấp dẫn, nhằm đem đến cho người tiêu dùng một cái Tết không lo về giá.

Đối với mặt hàng tiêu dùng nhanh, hệ thống siêu thị GO!, Big C và Tops Market đã chủ động đàm phán với các nhà cung cấp cùng thực hiện chương trình "khóa giá" đối với mặt hàng thiết yếu là thịt lợn. Do đó, Central Retail bán thịt lợn tươi không lợi nhuận, giúp người dân dễ dàng mua được thịt sạch với giá tốt nhất.

Còn theo Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Bán lẻ BRG Nguyễn Thùy Dương, hệ thống có 69 siêu thị, cửa hàng bán lẻ BRG Mart tham gia bán hàng bình ổn giá. Do đó, các sản phẩm chủ lực đã được đơn vị chuẩn bị sẵn, đáp ứng lượng hàng hóa phong phú, nhất là các nông sản chất lượng cao, đặc sản vùng miền… Đơn vị cũng tham gia chương trình bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu của Thành phố.

Chia sẻ về việc kiểm soát chất lượng hàng hóa dịp Tết, bà Trần Thị Phương Lan cho hay, dịp cuối năm và sát Tết, Thành phố cũng như các sở, ngành đều rất quan tâm đến vấn đề này. Riêng Sở Công Thương sẽ tăng cường công tác thanh kiểm tra hàng hóa phục vụ Tết để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Cụ thể, tại Kế hoạch số 4515/KH-SCT ngày 30/9/2022 của Sở Công Thương về công tác phục vụ Tết 2023, Sở đã đề nghị Cục Quản lý thị trường kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi đầu cơ, găm giữ hàng, vi phạm về giá bán, sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm... trước, trong và sau Tết.

Sở cũng phối hợp với các sở, ngành liên quan triển khai Kế hoạch số 07/KH-BCĐ 389/TP ngày 04/10/2022 của Ban Chỉ đạo 389 TP. Hà Nội về việc kiểm tra liên ngành chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong dịp Tết Nguyên đán 2023 trên địa bàn Hà Nội theo nhiệm vụ được phân công.

Bên cạnh đó, Sở tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về an toàn thực phâm theo nhiều hình thức tới các cơ sở sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức cá nhân trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ.

"Qua đây, chúng tôi cũng đề nghị UBND các quận, huyện thị xã chỉ đạo các lực lượng chức năng trên địa bàn tăng cường giải tỏa các điểm kinh doanh lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, các điểm kinh doanh thực phẩm tự phát không bảo đảm an toàn thực phẩm và mất trật tự an toàn giao thông, mỹ quan đô thị", Bà Trần Thị Phương Lan nhấn mạnh.

Ngoài ra, Sở tiếp tục đẩy mạnh công tác giao thương, kết nối tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn cung ứng cho thị trường Hà Nội để vừa bảo đảm nguồn cung hàng hóa phục vụ nhân dân, đồng thời góp phần ngăn chặn tình trạng thực phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm lưu thông trên thị trường.

Diệu Anh

Top