Gia tăng bệnh nhân mắc COVID-19 nhập viện thở oxy

11/04/2023 4:45 PM

(Chinhphu.vn) - Chỉ trong 10 ngày đầu tháng 4/2023, bệnh viện Thanh Nhàn đã tiếp nhận điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 tăng gấp 3 lần tháng 3, riêng ngày hôm qua, (10/4) đã có hàng chục bệnh nhân phải vào viện, đa số là bệnh nhân nặng phải thở oxy.

Gia tăng bệnh nhân mắc COVID-19 nhập viện thở oxy - Ảnh 1.

Những ngày gần đây Bệnh viện Thanh Nhàn tiếp nhận nhiều bệnh nhân mắc COVID-19 ở thể nặng. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Trao đổi với báo chí, bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng – Phó đơn nguyên Truyền nhiễm (Bệnh viện Thanh Nhàn), trong những ngày gần đây bệnh nhân mắc COVID-19 đã tăng mạnh. Tính trong tháng 3 bệnh viện ghi nhận 25 bệnh nhân, nhưng trong 10 ngày đầu tháng 4 đã tăng gấp 3 lần, với 75 bệnh nhân.

Đến nay, số bệnh nhân nội trú đã tăng lên, tháng trước bệnh viện chỉ ghi nhận lác đác 1-2 bệnh nhân, nhưng nay có khoảng 10 bệnh nhân. Số lượng bệnh nhân tăng lên đa phần phải thở oxy, tập trung ở người cao tuổi có bệnh nền. Tính riêng trong ngày 10/4, bệnh viện tiếp nhận 10 bệnh nhân mắc COVID-19 nội trú, trong số này có cụ bà 102 tuổi.

Bác sĩ Hưng chia sẻ, so với đợt trước, bệnh viện chưa ghi nhận bệnh nhân mắc COVID-19 nguy kịch, nhưng số bệnh nhân nhập viện tương đối nặng, đa phần các bệnh nhân đều phải thở oxy.

Nguyên nhân bệnh nhân COVID-19 tăng đột biến có thể là do người dân gần đây đã bỏ qua tiêm phòng vaccine phòng COVID-19 nên dẫn đến đáp ứng miễn dịch trong cộng đồng giảm đi, lây lan dịch có xu hướng trở lại. Bên cạnh đó, do thời tiết nóng ẩm cũng làm cho dịch bệnh tăng lên.

Vì vậy, để phòng chống dịch bệnh hiệu quả, theo bác sĩ Hưng, người dân cần phải tuân thủ đeo khẩu trang ở nơi công cộng, vẫn luôn giữ khoảng cách và tiêm vaccine phòng chống COVID-19 đầy đủ.

Theo WHO, ở thời điểm hiện tại, 2 yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến khả năng của vaccine COVID-19 là sự biến đổi thường xuyên, liên tục của virus SARS-CoV-2 với các biến chủng mới tăng khả năng lây lan và sự giảm kháng thể, khả năng bảo vệ chống nhiễm SARS-CoV-2, tái mắc COVID-19. Do đó, tại thời điểm này, chưa thích hợp để đề cập miễn dịch cộng đồng với COVID-19, chưa thể xác định việc loại trừ COVID-19.

Theo đó, người dân cần tiếp tục thúc đẩy việc tiêm vaccine COVID-19, nhất là đối với các trường hợp nguy cơ cao, như: Người già, người có bệnh mãn tính, béo phì, suy giảm miễn dịch…; trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, nhất là ở các tỉnh, thành phố lớn, khu vực trọng điểm du lịch, có lượng khách quốc tế cao.

Việc tiêm vaccine COVID-19 cho 100% đối tượng có nguy cơ cao bao gồm cả liều cơ bản và các liều tiêm nhắc, sau đó mở rộng tiêm cho các đối tượng ưu tiên thấp hơn để giảm thiểu bệnh nặng và tử vong do COVID-19 vẫn là chiến lược quan trọng nhất trong giai đoạn bình thường mới.

Tại Việt Nam, dịch COVID-19 cơ bản đang được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc, có xu hướng giảm theo thời gian cả về số mắc và phạm vi địa lý. Tuy nhiên, trên cả nước vẫn ghi nhận rải rác các trường hợp mắc mới COVID-19, trong khi thế giới tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện biến thể mới nguy hiểm hơn có khả năng lây lan nhanh cũng như làm giảm hiệu quả vaccine hoặc miễn dịch, khiến số mắc, số ca nặng hoặc tử vong tăng lên, dịch có nguy cơ bùng phát.

Thiện Tâm

Top