Gia tăng bệnh nhi mắc các bệnh về hô hấp
(Chinhphu.vn) - Trước diễn biến phức tạp của một số loại dịch bệnh như sốt xuất huyết và hô hấp, khoảng một tháng nay, số trẻ nhập viện tại Bệnh viện Thanh Nhàn đã gia tăng đáng kể. Phần lớn bệnh nhân chủ yếu ở độ tuổi từ 5-14 tuổi.
![Gia tăng bệnh nhi mắc các bệnh về hô hấp - Ảnh 1. Gia tăng bệnh nhi mắc các bệnh về hô hấp - Ảnh 1.](https://tl.cdnchinhphu.vn/thumb_w/640/344445545208135680/2022/9/22/img20220922132056-166382793629538003593.jpg)
Nhiều bệnh nhi nhập viện tại BV Thanh Nhàn do mắc các bệnh về hô hấp hoặc sốt xuất huyết. Ảnh: BV Thanh Nhàn
Tại Khoa Nhi, Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội), khoảng 1 tháng nay, số trẻ nhập viện tăng nhanh, chủ yếu mắc các bệnh viêm phế quản, viêm phổi, sốt xuất huyết, trong đó, một số trẻ mắc viêm phổi do virus Adeno. Do số bệnh nhân tăng nhanh, quá tải, phải mượn thêm giường điều trị của khoa phòng khác trong viện. Bệnh nhân nhập viện phần lớn là trẻ 5 tuổi, có trẻ từ 5-14 tuổi nhập viện chủ yếu do mắc sốt xuất huyết.
Chia sẻ với báo chí, bác sĩ Vũ Thị Mai, khoa Nhi-BV Thanh Nhàn cho biết, hiện khoa đang điều trị cho 7 trường hợp bệnh nhi bị sốt xuất huyết, trong đó có nhiều tình trạng nặng. Điển hình là 2 trường hợp bệnh nhi tuổi 13-14 bị nặng hơn so với độ tuổi nhỏ hơn. Đặc biệt là trường hợp bệnh nhi nam, 14 tuổi bị sốt ở nhà đã 5 ngày mới được gia đình đưa vào bệnh viện khám. Khi vào viện, bệnh nhân trong tình trạng bị tràn dịch ổ bụng, màng phổi, tràn dịch tinh hoàn, sần nốt dày; bên cạnh đó là tiểu cầu giảm thấp, có hiện tượng chảy máu mũi, chảy máu chân răng, đi ngoài phân đen. Sau khi nhập viện và được điều trị tích cực, bệnh nhân đã tiến triển tốt, được chuyển xuống phòng chăm sóc bình thường.
Mặc dù bệnh sốt xuất huyết có thể theo dõi tại nhà bởi bệnh có diễn biến theo chu kỳ và tự khỏi, nhưng theo các bác sĩ, phụ huynh cần theo dõi diễn tiến của bệnh sát sao, để tránh tình trạng bị nặng mới nhập viện. Nếu trẻ đau bụng, nhịp tim nhanh, chảy máu mũi, chảy máu chân răng, đi ngoài phân đen thì phải đưa đến cơ sở y tế ngay. Nhất là trong ngày thứ 4 của chu kỳ nên cho con đi xét nghiệm kiểm tra mức độ tiểu cầu để kịp thời có biện pháp chăm sóc.
Theo bác sĩ Mai, chỉ số tiểu cầu ở mức bình thường là 140-150. Mức nguy hiểm là dưới 50, có xuất huyết một số nơi đưa trẻ phải vào viện ngay. Nhưng có thể tiểu cầu chưa giảm đến dưới 150 nhưng trẻ đã có xuất huyết thì vẫn nguy hiểm. Vì vậy, khi trẻ sốt kéo dài đến ngày thứ 4 với các trường hợp thông thường thì nên cho con đi khám, còn với những trẻ mệt nhiều thì nên cho con đi khám ngay để phát hiện kịp thời.
Ngoài sốt xuất huyết, tại BV Thanh Nhàn, hiện các bệnh nhân nhập viện gia tăng còn do bị viêm phế quản, viêm phổi, trong đó, có một số trẻ mắc viêm phổi do virus Adeno cũng đang gia tăng. Nếu so với mọi năm, tỷ lệ bệnh chia đều viêm đường hô hấp và đường tiêu hóa, thì năm nay bệnh viêm đường hô hấp chiếm 2/3 khoa. Đặc biệt, thời gian điều trị cho trẻ cũng kéo dài hơn bởi miễn dịch của trẻ năm nay có xu hướng kém hơn mọi năm, bệnh cũng nặng hơn.
Theo đó, để phòng bệnh diễn biến nặng và tránh giảm tải bệnh nhân phải đến viện, bác sĩ Mai khuyến cáo, các phụ huynh cần phải theo dõi sát các bệnh nhân tái đi tái lại nhiều lần hoặc với các bệnh nhi chưa được tiêm phòng đầy đủ, chưa được uống thuốc Vitamin A theo đợt.
Khi điều trị bệnh cho trẻ, phụ huynh không tự ý mua thuốc kháng sinh cho con uống, mà khi thấy trẻ có dấu hiệu của bệnh cần phải hỏi ngay các chuyên gia tư vấn, đưa trẻ đến bệnh viện để được cấp thuốc theo đơn.
![Gia tăng bệnh nhi mắc các bệnh về hô hấp - Ảnh 2. Gia tăng bệnh nhi mắc các bệnh về hô hấp - Ảnh 2.](https://tl.cdnchinhphu.vn/thumb_w/640/344445545208135680/2022/9/22/368e21a9d76deafe957196d32472cfd4-1663827961975244391743.jpg)
Tiêm phòng vaccine cúm để phòng chống bệnh về hô hấp cho trẻ hiệu quả. Ảnh: VGP/Thiện Tâm
Theo các chuyên gia y tế, khi bị nhiễm Adenovirus trẻ thường có các biểu hiện như: Sốt cao, ho, khò khè, có thể kèm theo viêm kết mạc mắt và rối loạn tiêu hóa. Với trẻ có biểu hiện nặng thì xuất hiện tình trạng khó thở. Virus này có khả năng lây lan nhanh trong cộng đồng và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời như: Suy hô hấp, nhiễm khuẩn huyết, suy đa tạng hoặc còn có thể để lại các biến chứng lâu dài.
Hiện nước ta chưa có vaccine phòng bệnh đặc hiệu riêng cho virus Adeno. Chính vì vậy việc tuân thủ các biện pháp phòng ngừa vẫn là giải pháp cơ bản. Trong đó cần vệ sinh mũi họng cho trẻ thường xuyên như nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý (với trẻ nhỏ), trẻ lớn hơn cho súc miệng nước muối sinh lý.
Đeo khẩu trang khi trẻ ra ngoài, tránh tiếp xúc với trẻ em bị ốm, bệnh. Tiêm vaccine phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch theo chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Nếu trẻ có biểu hiện bất thường về hô hấp, cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Thiện Tâm