Giải bài toán phát triển làng nghề gắn với bảo vệ môi trường

23/05/2024 1:48 PM

(Chinhphu.vn) - Ô nhiễm môi trường nói chung, ô nhiễm môi trường tại các làng nghề nói riêng đã trở thành vấn đề báo động bấy lâu. Mặc dù các cấp chính quyền và người dân đã tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn, xử lý vấn nạn này nhưng đến nay vẫn khó kiểm soát.

Giải bài toán phát triển làng nghề gắn với bảo vệ môi trường- Ảnh 1.

Vấn đề ô nhiễm tại các làng nghề vẫn khó kiểm soát. Ảnh: DĐDN

Hiện nay, cả nước có hơn 5.400 làng nghề đang hoạt động, trong đó có 1.748 làng nghề truyền thống, thu hút khoảng 11 triệu lao động và mang lại kim ngạch xuất khẩu khoảng 1,7 tỷ USD/năm. 

Làng nghề đang đóng vai trò quan trọng đối với việc xóa đói giảm nghèo ở nông thôn, trực tiếp giải quyết việc làm cho người lao động lúc nông nhàn, góp phần tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Bên cạnh những mặt tích cực, sự phát triển hoạt động sản xuất tại làng nghề cũng đặt ra nhiều thách thức. Cùng với việc gia tăng phát triển cả về số lượng làng nghề và loại ngành nghề, ô nhiễm môi trường cũng ngày càng tăng, nhiều nơi vượt quá tầm kiểm soát của các cấp chính quyền. Sự phát triển "nóng" trong thời gian qua đã dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường tăng cao, khó kiểm soát, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển bền vững của làng nghề.

Thách thức từ ô nhiễm môi trường làng nghề

Một điểm nóng về ô nhiễm môi trường làng nghề tại huyện Hoài Đức đó là làng nghề sản xuất miến, mạch nha, chăn nuôi và giết mổ gia cầm xã Cát Quế. Thời gian qua, mặc dù các cơ quan chức năng đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tuy nhiên, vấn đề ô nhiễm môi trường làng nghề tại xã Cát Quế không những không giảm, mà ngày càng trở nên trầm trọng hơn.

Ông Trần Văn Long Chủ tịch UBND xã Cát Quế cho biết, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng ô nhiễm môi trường tại xã Cát Quế chủ yếu là do quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, công nghệ sản xuất còn lạc hậu. Sau khi sản xuất, các chất thải chưa qua xử lý được người dân xả trực tiếp vào các ao, hồ, hoặc đổ ra mương rãnh công cộng. Trong khi đó, hệ thống hạ tầng xử lý chất thải còn thiếu, chưa đồng bộ...

Không chỉ có huyện Hoài Đức, huyện Thạch Thất (Hà Nội) cũng là địa phương có tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề "nóng" trên địa bàn Thủ đô. Trong đó, bên cạnh các xã làng nghề truyền thống như Hữu Bằng, Canh Nậu, Dị Nậu… thì Chàng Sơn, với nghề mộc, chạm trổ, làm quạt giấy truyền thống đang cho thấy sự phát triển nhanh về quy mô, nhưng bên cạnh đó là ô nhiễm không khí từ bụi gỗ, hóa chất phun sơn…

Tại xã Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hoà) trung bình có khoảng 170 hộ gia đình thu gom phế liệu. Những hộ này thu rác nhưng lại là nơi xả rác ra môi trường.

Đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường, Chủ tịch UBND xã Quảng Phú Cầu Nguyễn Hữu Nhất cho biết, xã ghi nhận trung bình có khoảng 170 hộ gia đình làm công việc thu gom phế liệu về để phân loại. Những rác thải, phế liệu nhựa không tái chế được, người dân sẽ phân loại riêng và gom ra bãi trung chuyển, những xưởng nghiền ép trong thôn để phục vụ cho mục đích phân loại những rác thải nhựa. UBND xã cũng phối hợp với công ty môi trường thu gom phế liệu, rác thải; đồng thời giao các tổ tự quản, các hộ tham gia di chuyển rác không tái chế được về nơi thu gom.

Để xây dựng định hướng lâu dài cho công tác bảo vệ môi trường tại huyện Ứng Hòa nói chung và xã Quảng Phú Cầu nói riêng, xã đã xây dựng các phương án giảm thiểu tối đa tình trạng gây ô nhiễm môi trường như tuyên truyền về quy định bảo vệ môi trường trong nhân dân, xử phạt nghiêm đối với các hành vi đốt rác, xả thải rác không đúng quy định.

Cùng đó, xã tiếp tục phối hợp chặt chẽ cùng công an khu vực và các đơn vị doanh nghiệp xử lý rác thải trên địa bàn thực hiện, chấp hành đúng các quy chế, quy định; đề xuất với UBND huyện Ứng Hòa các giải pháp giữ gìn môi trường trong xã.

Xã hội hóa nguồn lực giúp các làng nghề hạn chế ô nhiễm

Mới đây tại buổi tọa đàm về "Để lao động làng nghề tiếp cận an sinh xã hội", nhấn mạnh làng nghề là văn hoá, gắn với mưu sinh của người dân, không thể bỏ được, PGS.TS Bùi Thị An, nguyên đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện Tài nguyên, môi trường và Phát triển cộng đồng cho hay, thông qua làng nghề, chúng ta có thể hiểu được phần nào về truyền thống, văn hóa của Việt Nam.

Tuy nhiên, phát triển làng nghề như thế nào để gắn với bảo vệ môi trường là bài toán cần phải giải quyết. Trong đó, cần có giải pháp, khu trú lại, quy hoạch, tập trung rác thải, phế liệu lại để xử lý; đồng thời, tăng cường tuyên truyền người dân để tự bảo vệ mình.

Hiện nay, cơ chế chính sách phát triển làng nghề gắn với bảo môi trường là chưa đủ. Bên cạnh đó, nguồn lực của Nhà nước dành cho vấn đề này chưa bảo đảm. Do đó, cần phải xã hội hóa nguồn lực giúp các làng nghề hạn chế ô nhiễm. Tuy nhiên, chúng ta lưu ý để hài hoà lợi ích, tận dụng hiệu quả mọi nguồn lực. Trong đó, phải có các đầu tư nguồn lực, có các giải pháp công nghệ để thu gom, xử lý rác thải, nước thải tại các làng nghề nhằm hạn chế ô nhiễm.

Theo bà Hà Thị Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội, vai trò của người dân, các chủ thể hết sức quan trọng trong việc giải quyết ô nhiễm môi trường. Về vấn đề môi trường trong các làng nghề, đối với các hộ, nếu mà đưa họ vào trong cụm công nghiệp làng nghề, chưa chắc họ muốn đi, vậy làm sao quản lý?

Đối với các làng nghề, một trong những vấn đề quan trọng là phải chuyên môn hóa, những phần nào liên quan đến môi trường phải tập trung xử lý từ khâu quy hoạch. Ngoài ra, phải có vai trò cơ chế chính sách, trợ giúp như thế nào, khi cơ chế chính sách của nhà nước đưa vào sẽ tạo cú huých. Và khi người dân thấy có các mô hình điển hình, họ sẽ theo, không cần ép buộc.

Diệu Anh

Top