Ngăn ngừa ô nhiễm môi trường làng nghề
(Chinhphu.vn) - Hà Nội là địa phương có số lượng làng nghề lớn nhất cả nước. Bên cạnh vai trò quan trọng góp phần giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân địa phương… thì sự phát triển mạnh mẽ của các làng nghề cũng gây ra một số tác động tiêu cực tới môi trường sống của Thủ đô.
Chia sẻ về tình hình phát triển các làng nghề của TP. Hà Nội hiện nay, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái cho biết, Hà Nội hiện còn 806 làng nghề, trong đó có 313 làng nghề, làng nghề truyền thống, 493 làng có nghề và phân bố ở 22/30 quận, huyện, thị xã.
Có 6 nhóm nghề đang hoạt động là chế biến nông, lâm, thủy sản; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; cơ khí; sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh; chế biến, nguyên vật liệu; các dịch vụ phục vụ sản xuất nông thôn.
Các làng nghề đang tạo việc làm cho hàng triệu lao động với thu nhập ổn định. Tổng doanh thu của các làng nghề khoảng 22.000 đến 25.000 tỷ đồng/năm, trong đó nhiều làng nghề đạt cao như: Làng nghề điêu khắc mỹ nghệ Sơn Đồng (huyện Hoài Đức); làng nghề cơ khí Phùng Xá (huyện Thạch Thất)...
Tuy nhiên, đi kèm với sự phát triển của các làng nghề là ô nhiễm môi trường gia tăng. Nguyên nhân chính dẫn đến ô nhiễm môi trường làng nghề là do mặt bằng chật hẹp, xưởng sản xuất chủ yếu xây dựng tại gia đình nên không thể đầu tư, đổi mới công nghệ và hệ thống xử lý chất thải.
Bên cạnh đó, hạ tầng kỹ thuật ở khu vực làng nghề còn hạn chế, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất không có nguồn vốn đầu tư xử lý ô nhiễm môi trường…
Khắc phục từng bước tình trạng ô nhiễm
Trước thực trạng đó, hiện Thành phố đã có lộ trình cụ thể, từng bước khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề. Theo đó, Hà Nội đặt mục tiêu đến hết năm 2025, 100% chất thải nguy hại ở các làng nghề, khu, cụm công nghiệp được xử lý; 100% cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề (đang hoạt động và xây dựng mới) có trạm xử lý nước thải; 100% làng nghề được đánh giá, phân loại theo quy định hiện hành; 100% làng nghề được công nhận của Hà Nội đáp ứng các điều kiện về bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, thành phố Hà Nội đang chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Sơn Đồng (huyện Hoài Đức), công suất 8.000m3/ngày đêm, dự kiến đưa vào hoạt động trong năm 2022; hoàn thiện thủ tục xây dựng Nhà máy xử lý nước thải làng nghề Vân Canh (huyện Hoài Đức), cụm xử lý nước thải sinh hoạt, làng nghề xã Vân Hà (huyện Đông Anh)...
Cũng trong giai đoạn này, Thành phố kêu gọi đầu tư xây dựng 8 dự án xử lý nước thải làng nghề tại các huyện: Quốc Oai, Mê Linh, Thường Tín, Mỹ Đức; kêu gọi đầu tư 48 cụm công nghiệp làng nghề tại các huyện: Phúc Thọ, Thạch Thất, Thường Tín, Phú Xuyên…, bảo đảm đến năm 2025, 100% làng nghề đủ điều kiện về bảo vệ môi trường.
Đồng thời, các địa phương tăng cường phối hợp giữa các ngành, các cấp trong công tác quản lý; tăng cường bảo vệ môi trường, ngăn chặn, giảm thiểu ô nhiễm, suy thoái và nguồn gây ô nhiễm môi trường; kiểm tra, giám sát, từng bước ngăn ngừa ô nhiễm môi trường ở các làng nghề, khu, cụm công nghiệp.
Thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương triển khai phương án xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề giai đoạn 2022-2025 và đến năm 2030 để trình UBND Thành phố phê duyệt; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm cơ sở, hộ gia đình sản xuất trong làng nghề gây ô nhiễm môi trường…
Sở phối hợp với Sở Công Thương đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án xử lý nước thải tại các cụm công nghiệp làng nghề; tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở sản xuất trong khu dân cư di chuyển vào các khu, cụm công nghiệp làng nghề... Ngoài ra, đề xuất Thành phố có cơ chế, chính sách kiện toàn bộ máy quản lý môi trường cấp xã, phường...
Song song với đó, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường tới nhân dân; khuyến khích các địa phương xây dựng hương ước, quy ước về bảo vệ môi trường làng nghề…
Diệu Anh