Giải bài toán tìm lao động cho các doanh nghiệp
(Chinhphu.vn) - Để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, thời gian qua, Sở LĐTB&XH Hà Nội đã phối hợp với các quận, huyện và giao Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội thực hiện những phiên giao dịch việc làm, tuyên truyền mạnh mẽ đến người lao động về các vị trí tuyển dụng.
Lương hấp dẫn nhưng vẫn thiếu người làm
Sau đại dịch COVID-19, hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi, nhiều doanh nghiệp (DN) tại Hà Nội có nhu cầu tuyển dụng người lao động (NLĐ) với số lượng lớn, nhất là lao động phổ thông.
Tuy rằng các công ty đã đưa ra mức lương hấp dẫn, nhiều chế độ, chính sách nhưng vẫn khó tuyển được người làm.
Để có nguồn ứng viên, các DN trên địa bàn Hà Nội đã thông báo tuyển dụng nhân sự trên nhiều kênh, đặc biệt là thường xuyên tham gia phiên giao dịch việc làm tại 215 phố Trung Kính (quận Cầu Giấy), 144 Trần Phú (quận Hà Đông) và những phiên giao dịch việc làm lưu động tại các quận, huyện.
Thời điểm này, rất nhiều DN có nhu cầu tuyển nhân sự với số lượng lớn, nhất là lao động phổ thông không cần ưu tiên nhiều về kinh nghiệm để phục vụ cho hoạt động sản xuất.
Đơn cử, Công ty TNHH May Đức Giang tuyển 50 công nhân may, lương từ 7,5 - 15 triệu đồng/tháng; Công ty CP May Sài Đồng tuyển 30 thợ may, thợ là, thợ cắt, lương 7 – 8 triệu đồng/tháng. Công ty CP 26 - Bộ Quốc phòng tuyển 100 công nhân sản xuất giày da mức lương từ 8 – 12 triệu đồng/tháng.
Ông Nguyễn Việt Hùng, Phụ trách Nhân sự Tổng Công ty May 10 chia sẻ, công ty đang có nhu cầu tuyển 200 công nhân may, cắt, là và các nhân viên sale, lễ tân, phụ bếp, phụ bàn. Công ty trả lương công nhân may, cắt, là từ 7 – 15 triệu đồng/tháng; nhân viên các vị trí khác từ 6 – 15 triệu đồng/tháng.
Các DN không chỉ thiếu lao động phổ thông mà cũng đang rất cần nhân lực có kinh nghiệm, trình độ, kỹ năng. Cả tháng tuyển dụng trên các diễn đàn, các trang thương mại điện tử nhưng Công ty TNHH Sản xuất và Xuất nhập khẩu Thực phẩm xanh vẫn chưa tìm được nhân sự nào.
"Công ty trả lương nhân viên kinh doanh xuất nhập khẩu và nhân viên marketing 15 - 30 triệu đồng/tháng, đây là mức cao hơn nhiều so với thị trường vì chúng tôi cần nhân sự có chất lượng. Ngoài trả lương, công ty còn có chế độ đóng bảo hiểm; thưởng theo năng suất; tham quan du lịch; nhân sự làm 5 năm trở lên thưởng 1 chiếc xe máy…", Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Xuất nhập khẩu Thực phẩm xanh ông Trịnh Thanh Long cho hay.
Cũng do cần tuyển nhiều nhân sự cho các vị trí nên Công ty CP Tập đoàn DST Việt Nam hoạt động đa ngành trả mức lương tương đối cao, như kỹ sư giao thông 15 - 20 triệu đồng/tháng, chỉ huy phó 20 – 25 triệu đồng/tháng, chỉ huy trưởng 20 - 30 triệu đồng/tháng. Những người làm việc tại công trường còn được hỗ trợ ăn, ở và đi về thăm gia đình.
"Chúng tôi đưa ra mức lương cao để thu hút những người có năng lực về làm việc luôn cho công ty. Những người có thời gian làm việc 5 năm trở lên thì được mua cổ phần của công ty hoặc có chính sách bảo hiểm sức khỏe hằng năm",Trưởng phòng Tổ chức Hành chính Công ty CP Tập đoàn DST Việt Nam Vũ Thị Hạnh thông tin.
Tổ chức những phiên giao dịch việc làm chuyên đề
Việc tuyển dụng lao động rất khó khăn, đặc biệt là nghề may khi thanh niên có xu hướng làm kinh doanh, điện tử. Vì thế các DN thường xuyên tham gia các phiên giao dịch việc làm lưu động được tổ chức ở huyện Gia Lâm, Đông Anh, Mê Linh, quận Long Biên… để tìm lao động phổ thông.
Trả lời báo điện tử Chính phủ về nhu cầu tuyển dụng nhân sự của các DN đang tăng lên rất cao nhưng nguồn lại ít, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Nguyễn Quốc Khánh cho biết, sau đại dịch COVID-19, các DN rất có mong muốn tuyển dụng lao động đã khẳng định sự quan tâm của Thành phố đối với DN.
Đợt nàyn các DN tuyển nhiều lao động phổ thông, không cần ưu tiên nhiều về kinh nghiệm. Sở LĐTB&XH Hà Nội đã phối hợp với các quận, huyện và giao Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội thực hiện những phiên giao dịch việc làm và tuyên truyền mạnh mẽ đến NLĐ. Và, trước đó nửa tháng diễn ra phiên, lãnh đạo Sở đã làm việc với quận, huyện về công tác khảo sát, chuyển tải thông tin tới NLĐ trên địa bàn.
Trao đổi về việc giải bài toán lao động phổ thông cho các DN, ông Nguyễn Quốc Khánh cho biết, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội có cơ sở dữ liệu của những NLĐ hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Vì thế, Trung tâm sẽ lọc ra từng người có trình độ chuyên môn gì, nhu cầu làm công việc nào, ở đâu; từ đó liên hệ với NLĐ qua email, zalo để kết nối cung cầu lao động. Về phía Trung tâm đã phối hợp với các DN để họ xuống tận phường, xã tuyên truyền nhu cầu tuyển dụng người làm.
Bên cạnh đó, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội còn kết nối với những trung tâm DVVL các tỉnh (Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên) để giới thiệu DN đến tuyển dụng lao động phổ thông.
Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Quang Thành cho hay, hiện tại Trung tâm tiếp nhận nhiều đơn hàng của các DN có nhu cầu tuyển dụng lớn, với đa dạng lĩnh vực, ngành nghề.
Nhu cầu tập trung ở một số lĩnh vực đang có nhu cầu tuyển dụng số lượng lớn như nhóm Dịch vụ (Du lịch, lưu trú, bán hàng, kinh doanh…). Các DN, nhà máy cũng đang có nhu cầu tuyển dụng nhiều công nhân lao động sản xuất không đòi hỏi nhiều về trình độ. Một nhóm ngành nghề nữa tiếp tục có xu hướng tuyển dụng nhiều liên quan đến công nghệ thông tin (trí tuệ nhân tạo), sức khỏe, thương mại điện tử.
Hiện nay, Trung tâm Dịch dụ việc Hà Nội vẫn đang tiếp nhận các thông tin tuyển dụng từ phía DN và căn cứ vào đó sẽ phân tích, tổng hợp để có xu hướng tổ chức những hoạt động giao dịch việc làm. Đặc biệt, trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tổ chức những phiên giao dịch việc làm chuyên đề phù hợp với từng giai đoạn thị trường lao động để hỗ trợ tối đa cho nhóm DN, lĩnh vực ngành nghề bị ảnh hưởng nặng trong giai đoạn COVID-19 vừa rồi để phục hồi và phát triển.
Minh Anh