Thị trường lao động việc làm Hà Nội phục hồi mạnh

23/03/2022 5:01 PM

(Chinhphu.vn) - Theo Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội, trong quý I/2022, thành phố Hà Nội đã giải quyết việc làm cho 50.019/160.000 lao động, đạt 31,3% kế hoạch năm; tăng 29,2% so với cùng kỳ năm 2021. Kết quả cho thấy thị trường lao động đã phục hồi trở lại.

Thị trường lao động việc làm phục hồi giúp ổn định sản xuất kinh doanh

Để giải quyết nguồn lao động còn thiếu do đại dịch COVID -19, trong quý I, thành phố Hà Nội đã tạo việc làm cho 14.325 lao động từ xét duyệt hộ gia đình vay vốn từ nguồn vốn ngân sách Thành phố ủy thác qua Ngân hàng chính sách xã hội ước cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn thành phố Hà Nội với số tiền là 695 tỷ.

Đưa 11 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng tại thị trường Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc; giải quyết việc làm cho 3.347 lao động thông qua hệ thống sàn giao dịch việc làm; tự tạo việc làm và qua tư vấn, giới thiệu việc làm của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ việc làm trên địa bàn Thành phố là 32.336 lao động.

Thị trường lao động Hà Nội phục hồi mạnh - Ảnh 1.

Đại diện một doanh nghiệp đang tư vấn cho đoàn viên, thanh niên về cơ hội việc làm, vị trí tuyển dụng. Ảnh: VGP/Minh Anh

Riêng trong tháng 3, nhờ tăng cường thực hiện các giải pháp hỗ trợ phát triển thị trường lao động trong điều kiện bình thường mới song song với thích ứng an toàn, linh hoạt trong kiểm soát dịch bệnh COVID-19, Thành phố đã giải quyết việc làm cho 26.916 lao động, chiếm 53,8% tổng số lao động được giải quyết việc làm trong quý I/2022.

Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã tổ chức 58 phiên giao dịch việc làm với 1.494 đơn vị, doanh nghiệp tham gia, tổng số nhu cầu tuyển dụng, tuyển sinh là 21.978 người; tổng số lao động được phỏng vấn là 8.371 lao động; số lao động được tuyển dụng tại phiên là 3.347 lao động.

Cũng theo Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Thành phố đã tiếp nhận, thẩm định và ra quyết định hưởng bảo hiểm thất nghiệp cho 10.324 người, kinh phí hỗ trợ là 281,7 tỷ đồng; số lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp giảm 31,2% so với cùng kỳ năm 2021. Tư vấn, giới thiệu việc làm cho 10.324 người; hỗ trợ học nghề cho 80 người với số tiền 342 triệu đồng. Riêng trong tháng 3, tiếp nhận, thẩm định và ra quyết định hưởng bảo hiểm thất nghiệp cho 4.607 người, kinh phí hỗ trợ là 130,3 tỷ đồng.

Trước đó, thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về quy định tạm thời "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19", Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội đã tham mưu UBND Thành phố thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ, phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm cho người lao động như: Rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính; định hướng đào tạo nghề, chuyển đổi việc làm cho người lao động khi bị mất việc làm.

Đồng thời, triển khai thực hiện tốt chính sách hỗ trợ vay vốn tạo việc làm, xuất khẩu lao động, phát triển sản xuất; khôi phục và phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống; nâng cao năng lực hoạt động của Trung tâm Dịch vụ việc làm, các sàn, điểm giao dịch việc làm vệ tinh nhằm hỗ trợ thông tin về thị trường cho người lao động và doanh nghiệp...

Đồng bộ các giải pháp phục hồi thị trường lao động việc làm

Để tiếp tục hỗ trợ người lao động, UBND Thành phố vừa giao Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội chủ trì, phối hợp với Ban quản lý Khu công nghiệp, chế xuất theo chức năng, nhiệm vụ và trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội triển khai thực hiện hỗ trợ 3 tháng tiền thuê nhà cho người lao động có quan hệ lao động đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm. 

Trong đó mức hỗ trợ đối với người lao động quay trở lại thị trường lao động là 1 triệu đồng/tháng và người lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp là 500 nghìn đồng/tháng. Thời gian thực hiện trong 6 tháng đầu năm 2022.

Sở Lao động Thương binh và Xã hội tiếp tục triển khai, thực hiện kịp thời, hiệu quả chính sách hỗ trợ cho người dân, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 theo quy định.

Đầu tư tăng cường kết nối cung - cầu lao động toàn quốc trên nền tảng trực tuyến phục vụ công tác tư vấn, giới thiệu việc làm và cung ứng lao động. Xây mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng và hiện đại hóa các cơ sở đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm, nhất là trưởng cao đẳng chất lượng cao, trọng điểm và thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.

Nâng cao năng lực cơ sở tuyến đầu của hệ thống cơ sở trợ giúp xã hội, chăm lo cho các đối tượng bị sang chấn tâm lý, cơ nhỡ và các đối tượng yếu thế bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Đối với công tác an sinh xã hội, tạo việc làm, UBND thành phố  Hà Nội cũng đã giao Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh TP. Hà Nội chủ trì, phổi hợp với các Sở: Tài chính, Lao động Thương binh và Xã hội, Xây dựng, Giáo dục và Đào tạo; Ban Dân tộc thành phố Hà Nội; UBND các quận, huyện thị xã, thực hiện cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm theo quy định tại Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 7 năm 2015, Nghị định số 74/2019/NĐ-CP ngày 23 tháng 9 năm 2019 và các văn bản có liên quan.

Hiện Thành phố thiếu hụt khoảng 50.000 lao động, tập trung vào những ngành nghề: dịch vụ thương mại, sản xuất, xây dựng, ngân hàng, du lịch... 

Để nâng cao hiệu quả kết nối cung - cầu lao động, ông Vũ Quang Thành-Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, đơn vị sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng triển khai đề án "Nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống sàn giao dịch việc làm TP. Hà Nội giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo". 

Theo kế hoạch, trong quý II/2022, Hà Nội sẽ tổ chức 66 phiên giao dịch việc làm, trong đó có ít nhất một phiên chuyên đề, một phiên giao dịch việc làm trực tuyến...

Minh Anh

Top