Giải đáp chính sách mới về chế độ tiền lương và bảo hiểm xã hội

21/04/2023 1:11 PM

(Chinhphu.vn) - Nhằm trang bị cho các đơn vị, doanh nghiệp, công nhân, viên chức, lao động những kiến thức thiết thực liên quan tới các chế độ, chính sách mới, sáng nay (21/4), LĐLĐ thành phố Hà Nội chỉ đạo báo Lao động Thủ đô phối hợp với LĐLĐ quận Hoàn Kiếm tổ chức buổi đối thoại, giao lưu trực tuyến với chủ đề "Chính sách mới về lao động, chế độ tiền lương và bảo hiểm xã hội".

Giải đáp chính sách mới về lao động, chế độ tiền lương và BHXH - Ảnh 1.

Giải đáp chính sách mới về người lao động. Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Buổi giao lưu trực tuyến thu hút gần 500 đoàn viên, công nhân viên chức người lao động quận Hoàn Kiếm tham gia hỏi trực tiếp và hàng nghìn đọc giả theo dõi, đặt câu hỏi dưới hình thức trực tuyến.

Tham gia giải đáp câu hỏi của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội (BHXH), Công đoàn gồm: bà Dương Thị Minh Châu, Trưởng phòng Truyền thông Bảo hiểm Xã hội thành phố Hà Nội; bà Vũ Minh Huyền, Phó Trưởng phòng Xây dựng Chính quyền, Sở Nội vụ thành phố Hà Nội; ông Nguyễn Đức Năng, Giám đốc Công ty Luật Năng và Partner.

Xuất phát thực tế, các chế độ, chính sách này lại thường xuyên được điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi. Điển hình như Bộ Luật Lao động đã được sửa đổi, bổ sung năm 2019, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2021. Hiện nay, Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi với nhiều đề xuất mới từ cơ quan soạn thảo cũng đang được đưa ra lấy ý kiến để sửa đổi, bổ sung. Với những sự thay đổi đó, nếu doanh nghiệp không được cập nhật kịp thời thì sẽ gặp khó khăn khi triển khai thực hiện chính sách, còn người lao động nếu không tìm hiểu rõ về kiến thức pháp luật rất có thể sẽ bị thiệt thòi về quyền, lợi. Từ những lý do trên, chủ đề mà được LĐLĐ Thành phố  lựa chọn cho buổi giao lưu trực tuyến hôm nay là: Chính sách mới về lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội.

Sau hơn 2 giờ đối thoại, giao lưu, các chuyên gia đã giải đáp hơn 30 câu hỏi của đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động. Những chế độ, chính sách đã được các chuyên gia tháo gỡ sẽ giúp cho đoàn viên, và người lao động hiểu thêm về quyền lợi, nghĩa vụ của mình. Nhiều câu hỏi được đặt ra cũng là những vấn đề mà nhiều người lao động đang vướng mắc được chuyên gia giải đáp tận tình.

Điển hình như trường hợp chị Trần Thị Hoa, Công ty BSH hỏi: Có một nhân viên đóng BHXH 4 năm nhưng chuyển sang công ty khác tuy nhiên không đóng BHXH. Sau đó nhân viên lại chuyển sáng công ty thứ 3, đóng BHXH được 3 tháng. Như vậy nhân viên này có được hưởng Bảo hiểm thất nghiệp không? Khi chuyển sang công ty thứ 3, thì ngáng 1/12/2022 họ xin nghỉ việc nhưng do có công nợ nên tháng 3/2023 mới nhận được quyết định của công ty, họ có được hưởng trợ cấp thất nghiệp không?

Vấn đề này, chuyên gia Dương Thị Minh Châu giả đáp: Theo quy định trong thời hạn 3 tháng người lao động phải đến trung tâm dịch vụ việc làm để đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trường hợp này chưa đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp nên chưa được hưởng. Còn về số tháng đóng BHXH do ngắt quãng, thời gian chưa được hưởng trợ cấp thất nghiệp thì sẽ được cộng dồn. Điều kiện hưởng là đóng đủ 12 tháng trong vòng 24 tháng trước khi hưởng trợ cấp thất nghiệp thì sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Tuy nhiên trường hợp này, do nhân viên không đến đăng ký kịp thời nên nhân viên này sẽ không được hưởng trợ cấp thất nghiệp của đợt này, thế nhưng nếu nhân viên tiếp tục tham gia bảo hiểm, mà nghỉ việc muốn hưởng trợ cấp thất nghiệp, thì khi nhân viên này đăng ký với trung tâm dịch vụ việc làm trong vòng 3 tháng, sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Chị Nguyễn Thị Lan - Khu Công nghiệp Quang Minh gửi câu hỏi qua hệ thống trực tuyến: Người lao động có hợp đồng không xác định thời hạn, khi nghỉ việc thì cần thông báo cho chủ sử dụng lao động trước thời gian nghỉ là bao lâu? Thủ tục như thế nào?

Theo chuyên gia Nguyễn Đức Năng, tại Điểm a Khoản 1 Điều 35 thì người lao động có hợp đồng lao động không xác định thời hạn muốn đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đúng luật cần thông báo trước cho người sử dụng lao động ít nhất 45 ngày. Về thủ tục, người lao động cần làm đơn xin nghỉ việc gửi trực tiếp tới chủ sử dụng lao động. Trong thời gian 45 ngày chờ quyết định của người sử dụng lao động thì người lao động vẫn phải đi làm và chấp hành đầy đủ các quy chế, quy định của doanh nghiệp.

Ông Đoàn Huy Hoàng - Trung tâm giáo dục nghề nghiệp thường xuyên Nguyễn Văn Tố hỏi: Tôi đã đóng bảo hiểm 20 năm, hiện xin nghỉ chờ hưởng hưu. Tôi xin hỏi trong thời gian nghỉ chờ hưu, tôi có được hưởng quyền lợi về bảo hiểm y tế hay không? Nếu muốn hưởng bảo hiểm y tế trong thời gian này thì tôi phải làm thế nào?

Theo chuyên gia Dương Thị Minh Châu, khi tham gia BHXH bắt buộc thì anh cũng đồng thời tham gia bảo hiểm y tế và được hưởng quyền lợi về bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, khi anh dừng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thì anh cũng dừng tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc và không được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế này nhưng anh vẫn có thể tham gia dóng bảo hiểm y tế theo hộ gia đình để được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế. Lưu ý với anh là ngay sau khi anh ngừng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thì anh nên tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình ngay để tránh bị thời gian cách quãng bảo hiểm y tế, dẫn đến thiệt thòi quyền lợi tham gia bảo hiểm y tế 5 năm liên tục.

Với phương châm hướng về cơ sở, vì người lao động, khi tổ chức mỗi buổi giao lưu trực tuyến, LĐLĐ thành phố Hà Nội luôn chú trọng lựa chọn các chủ đề liên quan thiết thân đến đời sống, việc làm của người lao động, trong đó có các chế độ, chính sách về tiền lương, thu nhập, bảo hiểm xã hội, chế độ thai sản, thời giờ làm việc, nghỉ ngơi.

Thiện Tâm

Top