Giải ngân các chính sách hỗ trợ thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội
(Chinhphu.vn) - Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ, TP. Hà Nội đã tích cực giải ngân các chính sách hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp.
Theo Báo cáo của UBND TP. Hà Nội, tính đến 30/6/2023, ước tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng chính sách thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình là 189 tỷ đồng với 2.790 khách hàng vay vốn. Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội Thành phố đã triển khai hỗ trợ lãi suất 2% đối với các khoản vay có lãi suất cho vay trên 6%/năm phát sinh trong năm 2022, 2023 theo đúng quy định hiện hành với tổng số tiền hỗ trợ ước thực hiện là 60 tỷ.
Nguồn vốn cho vay từ ngân sách Thành phố và Trung ương trong 6 tháng đầu năm 2023 đã giải ngân cho 44.400 lượt khách vay vốn giải quyết việc làm, góp phần thu hút, tạo việc làm cho 49.000 lao động, hoàn thành 29,6% kế hoạch giải quyết việc làm cho 165.000 lao động của Thành phố năm 2023.
Ngày 31/01/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 01/2023/QĐ-TTg về việc giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước của năm 2022 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Thành phố đã tích cực tuyên truyền, phổ biến Quyết định số 01/2023/QĐ-TTg ngày 31/01/2023 của Thủ tướng Chính phủ để kịp thời hướng dẫn người thuế đất xác định đúng đối tượng, đảm bảo 100% người nộp thuế thuộc đối tượng giảm tiền thuê đất được thông tin đầy đủ về chính sách ưu đãi và kịp thời nộp hồ sơ đề nghị giảm tiền thuê đất đến cơ quan thuế đúng thời hạn.
Thời hạn để doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước của năm 2022 là đến hết ngày 31 tháng 3 năm 2023. Không áp dụng giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước theo quy định tại Quyết định này đối với trường hợp người thuê đất, thuê mặt nước nộp hồ sơ sau ngày 31 tháng 3 năm 2023.
Đến nay, Thành phố đã tiếp nhận trên 3.200 hồ sơ đề nghị giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước của năm 2022 với tổng số tiền đề nghị giảm là trên 927 tỷ đồng; ban hành 910 quyết định giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước năm 2022 đối với các đơn vị thuộc đối tượng theo quy định tại Quyết định số 01/2023/QĐ-TTg ngày 31/01/2023 của Thủ tướng Chính phủ với tổng số tiền được giảm là trên 298 tỷ đồng.
Theo UBND Thành phố, để Hà Nội đạt chỉ tiêu tăng trưởng cả năm 2023 là 7,0% thì quý III phải tăng từ 7,54% trở lên, quý IV phải tăng từ 8,23% trở lên – đây là những nhiệm vụ rất thách thức trong bối cảnh tình hình thế giới vẫn diễn biến phức tạp.
Vì vậy, Thành phố tiếp tục tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ còn chậm tiến độ; các nhiệm vụ còn lại 6 tháng cuối năm và giải pháp đề ra, đồng thời tập trung thực hiện một số nội dung trọng tâm hàng đầu là đảm bảo tăng trưởng ổn định kinh tế Thủ đô, kiểm soát lạm phát; Tiếp tục củng cố, phát huy các động lực tăng trưởng. Kiên định mục tiêu đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế. Tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Nắm chắc tình hình, tăng cường phân tích, dự báo nhằm xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh kịp thời thích ứng với tình hình.
Thực hiện hiệu quả các chính sách tiền tệ, tín dụng trên địa bàn. Các TCTD tiết giảm chi phí, giảm lãi suất cho vay, đảm bảo nhu cầu vốn cho nền kinh tế và thanh khoản của hệ thống. Giải ngân tối đa các gói tín dụng ưu đãi cho vay theo Chương trình của Chính phủ, trong đó triển khai hiệu quả gói tín dụng nhà ở xã hội 120 nghìn tỷ đồng; các chương trình cho vay kết nối ngân hàng - doanh nghiệp.
Đảm bảo cân đối thu, chi ngân sách; tăng cường quản lý thu NSNN, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời; tăng tỷ trọng các khoản thu mang tính bền vững. Thực hiện tốt các chính sách về miễn, giảm, gia hạn các loại thuế, phí, lệ phí; trong đó đẩy nhanh hoàn thuế giá trị gia tăng để góp phần tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất nhập khẩu của doanh nghiệp. Thực hiện triệt để tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên, chi sự nghiệp có tính chất đầu tư; kiểm soát chặt chẽ việc ứng trước dự toán, chi chuyển nguồn, chi từ nguồn dự phòng ngân sách nhà nước; đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn.
Minh Anh