Giải pháp bảo tồn và phát triển làng nghề Thủ đô

06/08/2022 7:02 AM

(Chinhphu.vn) - Hà Nội là địa phương có số lượng làng nghề nhiều nhất với đa dạng loại hình sản xuất; góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô. Nhưng chính sự đa dạng đó khiến các làng nghề đang phải đối diện với những bất cập về công nghệ, trình độ, ô nhiễm môi trường,…Do đó cần có những giải pháp để bảo tồn và phát triển.

Giải pháp bảo tồn và phát triển làng nghề Thủ đô - Ảnh 1.

GS.TS Đặng Thị Kim Chi, Phó chủ tịch Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam. Ảnh: VGP/Thùy Linh

Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với GS.TS Đặng Thị Kim Chi, Phó chủ tịch Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam.

Thưa bà, bà đánh giá như thế nào về vai trò của các làng nghề đối với sự phát triển kinh tế của Thủ đô?

GS.TS Đặng Thị Kim Chi: TP. Hà Nội là địa phương có số lượng làng nghề cao nhất. Loại hình sản xuất của làng nghề cũng rất đa dạng. Đây là những điều rất đặc thù. Và chính sự phát triển của làng nghề nông thôn Hà Nội đã góp phần quan trọng cho sự phát triển chung của khu vực do tận dụng được lao động nông nhàn và lao động thuộc mọi lứa tuổi trong sản xuất ở quy mô nhỏ để làm ra các sản phẩm phi nông nghiệp nhưng lại nằm trong vùng nông nghiệp.

Các sản phẩm này không chỉ tiêu thụ trong nội bộ địa phương mà còn phát triển ra các vùng miền, các địa phương khác và đến nay, rất nhiều các sản phẩm làng nghề của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung đã đi ra nhiều nước trên thế giới.

Rõ ràng, vai trò của làng nghề đối với nông nghiệp Việt Nam đã góp phần phát triển kinh tế nông thôn, tận dụng được sức lao động, sự sáng tạo của nông dân trong giai đoạn này.

Hiện các làng nghề của Hà Nội đang đối diện với những bài toán về bảo tồn và phát triển làng nghề. Bà có thể chia sẻ thêm về vấn đề này?

GS.TS Đặng Thị Kim Chi: Do đặc điểm, đặc thù của làng nghề, đó là phát triển tự phát, có cầu thì có cung và giá trị sản xuất của làng nghề đa số xuất phát từ thủ công. Do đó, thiết bị và công nghệ của làng nghề phần lớn là cũ và lạc hậu. Trình độ của người dân làm việc tại các cơ sở sản xuất làng nghề không được đào tạo bài bản mà mang tính truyền miệng, truyền thống. Quan hệ sản xuất của làng nghề là quan hệ mang tính dòng tộc, làng xã chứ không mang tính khu công nghiệp.

Việc phát triển tự phát có cầu thì có cung dẫn đến việc có những làng nghề ngày hôm nay đang dệt khăn nhưng một năm sau có khi lại quay sang làm máy tuốt lúa. Nhưng phải nói người dân làng nghề hết sức linh hoạt. Khi có nguồn cung cấp và điều kiện sản xuất là họ tự phát triển.  

Bên cạnh đó, do thu nhập của người dân làng nghề cao hơn so với thu nhập của người dân vùng thuần nông. Từ đó, khuyến khích người dân phát triển kinh tế bằng cách làm thêm các nghề phụ.

Điều này cũng dẫn đến hệ lụy là các làng nghề trong thời gian gần đây phát triển không có quy hoạch, công nghệ sản xuất lạc hậu, trình độ kỹ thuật không được đào tạo bài bản. Chính vì vậy, tác động xấu đến môi trường. Ô nhiễm môi trường khí do các loại khí không được xử lý. Ô nhiễm môi trường nước do nước thải sinh ra không được xử lý mà xả thẳng ra môi trường tự nhiên. Ô nhiễm chất thải rắn chất đầy hai bên đường các làng nghề và tạo nên các nguồn chất ô nhiễm rất lớn. Không chỉ ô nhiễm trong khu vực làng nghề mà còn ảnh hưởng đến các khu vực lân cận các tỉnh và dẫn đến những xung đột môi trường giữa các nơi.

Vậy phải chăng đây là lúc chúng ta đưa ra các giải pháp căn cơ để giải quyết bài toán này, thưa bà?

GS.TS Đặng Thị Kim Chi: Đúng vậy, sự phát triển của làng nghề nếu không được quy hoạch, không được quan tâm một cách đầy đủ để có thể phát triển bền vững thì sẽ để lại những hậu quả khôn lường. Do đó, cần thiết chúng ta phải có những quy hoạch, phải có những biện pháp bảo vệ môi trường nhằm phát triển làng nghề một cách bền vững; đồng thời phải lựa chọn những loại hình nào phù hợp với quy mô làng nghề để đưa vào quy hoạch phát triển.

Còn đối với những làng nghề không nằm trong quy hoạch và là nguồn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thì cần có các biện pháp không cho phát triển cũng như nhân rộng. Đây là những việc mà chúng ta cần phải làm trong thời gian tới.

Một điều rất rõ ràng là môi trường làng nghề Hà Nội chỉ thực sự được cải thiện khi cộng đồng dân cư trong làng nghề nhận thức được sự cần thiết và có các hành động cụ thể tích cực góp phần từng bước giảm thiểu các tác động ô nhiễm do hoạt động sản xuất.

Việc xây dựng những chính sách phù hợp với đặc thù của làng nghề là điều hết sức cần thiết tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động bảo vệ môi trường làng nghề nhằm góp phần phát triển làng nghề bền vững.

Một trong những giải pháp đối với việc bảo tồn và phát triển các làng nghề được đặt ra đối với Thủ đô Hà Nội đó là phát triển làng nghề gắn với việc phát triển các sản phẩm OCOP. Đây là giải pháp rất tích cực, nó tạo nên nguồn tiêu thụ các sản phẩm từ làng nghề ra. Nếu một làng nghề có sản phẩm OCOP được công nhận thì khả năng được biết đến, được các nơi đặt hàng sẽ tăng lên. Việc này sẽ giúp cho các làng nghề phát triển.

Tuy nhiên, cần lồng ghép trong điều kiện sản phẩm OCOP này phải được sản xuất ở khu vực bảo đảm chất lượng môi trường, ổn định xã hội và phát triển bền vững.

Xin cám ơn bà!

Thùy Linh 

Top