Giúp làng nghề khắc phục khó khăn, đẩy mạnh sản xuất

22/07/2022 5:12 PM

(Chinhphu.vn) - TP. Hà Nội cần xây dựng chính sách riêng nhằm hỗ trợ cho cơ sở sản xuất nông thôn, làng nghề khắc phục các khó khăn về vốn, mặt bằng sản xuất, công nghệ...; nhanh chóng quy hoạch nhiều cụm công nghiệp tại các làng nghề nhằm thúc đẩy hộ sản xuất và doanh nghiệp mạnh dạn mở rộng mặt bằng sản xuất, kinh doanh.

Giúp làng nghề khắc phục khó khăn, đẩy mạnh sản xuất - Ảnh 1.

Doanh nghiệp làng nghề luôn đổi mới, sáng tạo để có những sản phẩm độc đáo, hấp dẫn. Ảnh: VGP/Thùy Linh

Là Hiệp hội với nhiều doanh nghiệp sản xuất thủ công mỹ nghệ, bà Hà Thị Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội cho biết, thời gian qua, các doanh nghiệp trong Hiệp hội luôn đổi mới sáng tạo trong quá trình sản xuất như hợp lý hóa trong sản xuất, quản lý theo tiêu chuẩn 5S của Nhật Bản.

Đồng thời, nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới nhằm tiết kiệm chi phí đầu vào, đưa ra thị trường các dòng sản phẩm mới có tính cạnh tranh và hấp dẫn, nâng cao được giá trị sản phẩm trên thị trường.

Để giúp các hội viên đưa sản phẩm ra thị trường thế giới, Hiệp hội đã phối hợp với Sở Công Thương Hà Nội, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch, Cục Xúc tiến thương mại tổ chức các hội chợ quốc tế như: Hội chợ Megashow tại Hồng Kông, Hội chợ Thủ công mỹ nghệ tại TP. Frankfurt Cộng hòa Liên bang Đức, Hội chợ tại Mỹ, Italia, Nga, Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore, Myanmar, Lào, Thái Lan và Campuchia.

Đặc biệt, sau 2 năm triển khai Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP), trung ương đã lựa chọn được 20 bộ sản phẩm đạt 5 sao cho toàn quốc. Trong đó, Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội có 4 bộ sản phẩm đạt tiêu chuẩn 5 sao.

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan đánh giá, Chương trình OCOP Hà Nội đã giúp chủ thể sản xuất, kinh doanh trong các làng nghề, phố nghề của Thủ đô thay đổi tư duy theo hướng hợp lý hóa trong quá trình sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu.

"Sản phẩm OCOP là nơi để các nghệ nhân làng nghề gìn giữ bản sắc văn hóa, truyền thống. Qua đó, đồng hành chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô", bà Trần Thị Phương Lan nhấn mạnh.

Đặc biệt, việc Việt Nam đã tham gia ký kết nhiều hiệp định thương mại với Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)... đã mở ra nhiều cơ hội về thị trường xuất khẩu sản phẩm cho các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó, có doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ, làng nghề Hà Nội.

Tuy nhiên bên cạnh những thuận lợi, các doanh nghiệp làng nghề Hà Nội đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong thời kỳ nền kinh tế nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Theo đó, sản phẩm ngày càng cạnh tranh gay gắt với sản phẩm của các nước trong khu vực, chi phí sản xuất đầu vào ngày càng cao. Việc thay đổi liên tục về thiết kế mẫu mã hàng hóa để đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế rất khó khăn về mở rộng mặt bằng sản xuất để có cơ hội ứng dụng khoa học - công nghệ và thiết bị tiên tiến phục vụ sản xuất...

Ngoài ra, chất lượng nguồn lao động trong các làng nghề còn rất yếu về kiến thức và kỹ năng nghề, hay như vấn đề ô nhiễm môi trường đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố.

Để tạo điều kiện cho các làng nghề phát triển bền vững, đặc biệt thế hệ trẻ, có cơ hội hành nghề làm giàu, gìn giữ và bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc ngay trên chính quê hương của mình, bà Hà Thị Vinh cho rằng, Thành phố cần có chủ trương để các trường, trung tâm đào tạo nghề biên soạn các giáo trình riêng chú trọng cho học viên về môn thiết kế sản phẩm trên máy và các kỹ năng chuyên môn sâu về nghề cho từng dòng sản phẩm.

Đồng thời, phát động phong trào đến thôn, xã trong các làng nghề động viên cho con em đi học nghề nhằm phát triển nghề tại địa phương. Việc tổ chức các cuộc thi thiết kế sản phẩm quà tặng du lịch sẽ giúp lựa chọn sản phẩm đặc trưng tiêu biểu đáp ứng nhu cầu mua sắp lưu niệm của du khách khi đến Thủ đô. Qua đó, khơi dậy sức sáng tạo của nghệ nhân, thợ giỏi các nhà thiết kế, học sinh, sinh viên, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ trên địa bàn Thủ đô và cả nước.

Cũng theo bà Hà Thị Vinh, TP. Hà Nội cần xây dựng chính sách đặc thù hỗ trợ cho cơ sở sản xuất nông thôn, làng nghề khắc phục các khó khăn về vốn, mặt bằng sản xuất, công nghệ, thiết kế... Đặc biệt, nhanh chóng quy hoạch nhiều cụm công nghiệp làng nghề tại các làng nghề nhằm thúc đẩy hộ sản xuất và doanh nghiệp mạnh dạn mở rộng mặt bằng sản xuất, có cơ hội ứng dụng khoa học - công nghệ, thiết bị tiên tiến vào sản xuất…

Bên cạnh đó, cho phép các cơ sở sản xuất thu hút được nhiều lao động địa phương được hưởng cơ chế đặc thù; cho phép được thuê mặt bằng, chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất dịch vụ sản xuất để các cơ sở sản xuất có cơ hội thuận lợi phát triển mở rộng quy mô sản xuất.

Cùng với sản xuất nông nghiệp, làng nghề đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nông thôn, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới ở Hà Nội. Để bảo tồn và phát triển làng nghề, đặc biệt là các làng nghề truyền thống, Hà Nội cần có thêm nhiều giải pháp hỗ trợ thiết thực...

Thùy Linh

Top