Giải pháp phòng cháy, chữa cháy cho nhà trong ngõ nhỏ
(Chinhphu.vn) - Thời gian gần đây, nhiều vụ cháy lớn đã xảy ra trên địa bàn TP. Hà Nội gây hậu quả nghiêm trọng về cả người và tài sản, đa phần các vụ cháy đều nằm bên trong những con ngõ, hẻm sâu, chật hẹp. Vì vậy, việc tăng cường các giải pháp phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ cho những khu vực này đang được TP. Hà Nội đặc biệt quan tâm.
Hà Nội hiện có gần 9.500 tuyến phố, ngõ, hẻm sâu
Tại hội nghị đánh giá việc triển khai các chuyên đề, kế hoạch trọng tâm trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn thành phố diễn ra mới đây, Đại tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an TP.Hà Nội) cho biết: 4 tháng đầu năm 2024, Thành phố xảy ra 387 vụ cháy khiến 3 người bị thương, thiệt hại về tài sản ước tính ban đầu khoảng 3,3 tỉ đồng. Nhiều vụ việc được chữa cháy kịp thời theo đúng phương châm "4 tại chỗ".
Ngoài ra, lực lượng chức năng cũng đã kéo giảm 939 công trình chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy hoạt động từ sau khi Luật Phòng cháy, chữa cháy có hiệu lực, chiếm tỉ lệ 27,2%. Đến thời điểm này, thành phố còn 2.164 công trình tồn tại vi phạm.
Thực hiện công điện của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy đối với các loại hình cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao, Đại tá Phạm Trung Hiếu thông tin, qua rà soát Thành phố có 1.429 nhà chung cư; 398 nhà ở nhiều căn hộ (chung cư mini); 31.239 nhà trọ; 39.214 nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh nguy cơ cháy, nổ cao.
Lực lượng chức năng đã tổ chức kiểm tra trên 72.282 lượt/72.282 cơ sở (đạt 100%), xử phạt vi phạm hành chính: lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy 1.213 trường hợp, với tổng số tiền hơn 6,5 tỉ đồng; lĩnh vực xây dựng 7 trường hợp với tổng số tiền 25 triệu đồng; lĩnh vực điện 12 trường hợp với tổng số tiền 34,5 triệu đồng; tạm đình chỉ 351 cơ sở, đình chỉ hoạt động 118 cơ sở.
Đến thời điểm hiện tại, nhiều chủ cơ sở, chủ hộ gia đình đã thực hiện bổ sung các giải pháp trước mắt, để bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy cho công trình, như với loại hình nhà ở nhiều căn hộ (chung cư mini) đã có 26 công trình đóng kín buồng thang bộ; 211 công trình đã bổ sung giải pháp ngăn cháy khu vực để xe và khu vực thang bộ; 77 công trình đã bổ sung giải pháp ngăn cháy lan (chèn, bịt trục kỹ thuật thông tầng, trục kỹ thuật điện, giếng trời)…
Thống kê cũng cho thấy, TP. Hà Nội hiện có gần 9.500 tuyến phố, ngõ, hẻm sâu từ 200m trở lên, bề rộng chưa tới 4m, phổ biến là 2-3m, xe chữa cháy không thể tiếp cận. Các đội Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn đang sử dụng nhiều loại xe chữa cháy, dung tích từ 3,5 tới hơn 6m3 nước. Khi cháy, tùy vào chế độ phun và áp lực nước đẩy ra mà nước hết nhanh hay chậm, thường sau 10-20 phút.
Trong khi đó, theo Công an TP. Hà Nội, chữa cháy đạt hiệu quả cao nhất trong 10 phút trở lại kể từ khi lửa bùng phát, đây cũng được coi là "thời gian vàng" trong phòng cháy, chữa cháy. Sau 10 phút, lửa lan rộng, để dập cần nguồn nước liên tục. Tuy nhiên, ở các ngõ nhỏ xe chữa cháy không thể tiếp cận, nguồn nước để chữa cháy tại chỗ càng hạn chế. Vì thế hậu quả của vụ hỏa hoạn trong ngõ thường nghiêm trọng hơn với đám cháy ở mặt đường lớn. Minh chứng rõ nhất là vụ cháy chung cư mini trên ngõ phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân làm 56 người chết, hay vụ cháy nhà trong ngõ phố Trung Kính, quận Cầu Giấy cướp đi 12 sinh mạng gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự an toàn cháy nổ tại các nhà trọ, nhà ở cao tầng.
Triển khai những giải pháp để tận dụng "thời gian vàng"
Để công tác phòng cháy, chữa cháy cho các nhà trong ngõ sâu, ngõ nhỏ được hiệu quả, nhiều chuyên gia cho rằng, các khu dân cư trong ngõ phố ở Hà Nội cần có điểm chữa cháy công cộng, phát triển các mô hình tại chỗ như tổ liên gia an toàn phòng cháy chữa cháy để tận dụng thời gian vàng trong phòng cháy, chữa cháy, đặc biệt về lâu dài cần quy hoạch và mở rộng ngõ, theo chuyên gia quy hoạch đô thị.
Đại diện Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Công an TP. Hà Nội cho rằng, các mô hình này là các giải pháp góp phần chủ động phòng ngừa, không để xảy ra cháy, nổ; giúp sẵn sàng lực lượng, phương tiện, phương án để xử lý nhanh chóng, kịp thời, giảm thiệt hại khi có sự cố xảy ra. Trong thời gian chờ lực lượng chức năng đến hiện trường, người dân và tổ liên gia phòng cháy chữa cháy chính là lực lượng chữa cháy cơ sở, là những người có thể bước đầu khống chế đám cháy, thực hiện công tác cứu hộ cứu nạn, ngăn chặn cháy lan (trong khả năng cho phép).
Thời gian vừa qua, nhiều quận, huyện trên địa bàn TP. Hà Nội đã nhanh chóng thành lập các tổ liên gia và phát huy hiệu quả của mô hình này, đồng thời thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, kiểm tra quá trình hoạt động và duy trì của các tổ liên gia.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền, xây dựng phong trào toàn dân phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ trên địa bàn, nhằm bổ sung kiến thức, năng lực, kỹ năng xử lý tình huống cháy, nổ, cứu người, cứu tài sản cho mọi tầng lớp nhân dân. Các thành viên của các tổ liên gia cũng như người dân sẽ được tăng khả năng "thường trực chiến đấu" với cháy nổ, phản xạ nhanh mỗi khi sự cố xảy ra.
Ngoài mô hình tổ liên gia, mô hình điểm chữa cháy công cộng được phát triển để phù hợp với những ngõ nhỏ, hẹp, sâu trên 50m để đáp ứng yêu cầu về công tác phòng cháy chữa cháy. Dựa vào điều kiện thực tế của khu vực mà điểm chữa cháy có thể được trang bị thêm các thiết bị hỗ trợ chữa cháy khác như lăng, đầu nối, vòi… Với những khu vực có ao hồ, bể nước thì có thể được trang bị thêm cả máy bơm chữa cháy. Tuy nhiên, mô hình này cần có giải pháp quản lý và bố trí thuận lợi để người dân có thể sử dụng các phương tiện chữa cháy bất kỳ khi nào cần đến.
Nhất trí với các mô hình, giải pháp để tận dụng "thời gian vàng" như trên, ông Bùi Xuân Thái, đại diện Hiệp hội Phòng cháy và Cứu hộ cứu nạn Việt Nam cho rằng, cần phải đầu tư hạ tầng cho các ngõ phố nhỏ, thiết lập phương án chữa cháy ngoài nhà, có trụ nước, có xe bơm đẩy nước, hoặc máy bơm kết hợp với trụ nước cứu hỏa. Đồng thời, cần có quy định cụ thể đối với các con ngõ, bảo đảm chiều rộng tối thiểu để phục vụ cho công tác phòng cháy, chữa cháy.
Trong nhà thì phải thiết kế ít nhất hai lối thoát nạn, cần phải loại bỏ các vật dụng sinh hoạt gây cản trở đường thoát nạn, lắp thiết bị báo cháy, cửa ngăn cháy giữa khu vực để xe với các tầng...
Đối với những khu nhà trọ đông người, cần phân loại dựa trên số người ở, kết cấu nhà để yêu cầu trang bị phương tiện phòng cháy chữa cháy riêng. Cần trang bị bắt buộc thiết bị phòng cháy và phải bảo dưỡng định kỳ, quy định rõ trách nhiệm vận hành cho chủ nhà và chính quyền phải tăng cường giám sát.
Cơ quan cấp giấy phép phải có trách nhiệm cấp phép xây dựng phù hợp với quy hoạch chi tiết với khu dân cư trong ngõ, đảm bảo mật độ xây dựng, mật độ cư trú. Đặc biệt, khi công trình xây dựng xong cần kiểm tra có xây sai phép không, có chuyển đổi mục đích sử dụng không.
Bên cạnh đó, chính quyền cần tổ chức tập huấn kỹ năng phòng cháy chữa tại chỗ cho người bảo đảm phải tuân thủ theo các quy định, nguyên tắc đã đề ra.
Trong khi đó, ông Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, Hà Nội cần phải học tập kinh nghiệm từ một số quốc gia như Nhật Bản, Trung Quốc… Chẳng hạn như giảm mật độ dân tại những khu vực chật hẹp. Bên cạnh đó, phát triển các khu vệ tinh mới để thu hút người dân đến sinh sống, thậm chí người dân phải tái định cư bắt buộc. Đồng thời, tìm nguồn lực để giải tỏa nhiều khu dân cư đông đúc, ngõ ngách chật hẹp, giảm mật độ xây dựng. Cùng với đó là di dời cơ sở kinh doanh, trường đại học để giãn dân ra đô thị vệ tinh…
Về giải pháp gia tăng thêm các trụ nước phục vụ cho công tác phòng cháy chữa cháy, kết quả khảo sát của Công an TP. Hà Nội mới đây cho thấy, Hà Nội cần đầu tư xây dựng khoảng 10.167 trụ nước, 1.673 bể nước, 848 bến lấy nước và hố thu nước trên địa bàn 30 quận, huyện, thị xã (trong đó địa bàn quận Hoàn Kiếm đề xuất đầu tư xây dựng 310 trụ nước 4 bể nước, 3 hố thu nước, 1 bến lấy nước).
Căn cứ kết quả khảo sát, Công an TP. Hà Nội đã có văn bản báo cáo UBND TP. Hà Nội và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp TP. Hà Nội đề nghị phối hợp tham mưu, đề xuất UBND thành phố tiếp tục chỉ đạo triển khai đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước của thành phố.
Hiện nay, Công an TP. Hà Nội đang phối hợp với Ban Quản lý dự án và các công ty nước sạch tổ chức rà soát, đánh giá để xác định khối lượng thực tế, xác định những khu vực, địa bàn đông dân cư có nguy cơ cháy nổ cao cần ưu tiên đầu tư, xây dựng hệ thống cấp nước chữa cháy, từ đó làm căn cứ tham mưu UBND TP. Hà Nội triển khai thực hiện các dự án xây dựng hệ thống cấp nước phòng cháy chữa cháy trong năm 2024 và những năm tiếp theo.
Để nâng cao kiến thức, an toàn cháy đối với các công trình hiện hữu, mới đây Bộ Xây dựng đã phối hợp với Bộ Công an, Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Thành phố Hà Nội, Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Thành phố Hồ Chí Minh biên soạn "Tài liệu tham khảo Hướng dẫn nâng cao an toàn cháy đối với công trình hiện hữu", trong đó, hướng dẫn các giải pháp kỹ thuật bảo đảm phòng cháy cho người và các công trình hiện hữu về: Đường thoát nạn, ngăn chặn cháy lan, báo cháy.
Các công trình nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ hiện hữu căn cứ thực tiễn có thể sử dụng tài liệu này để bổ sung các giải pháp kỹ thuật về phòng cháy.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng đang xây dựng tiêu chuẩn chung về thiết kế đối với các công trình nhà ở nhiều tầng nhiều căn hộ (chung cư mini) có quy mô dưới 7 tầng. Tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 14/6, ông Vũ Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng), cho biết đối với các công trình chung cư mini có quy mô dưới 7 tầng (hoặc có chiều cao phòng cháy chữa cháy dưới 25m), thuộc phạm vi điều chỉnh của Tiêu chuẩn Việt Nam Nhà ở riêng lẻ, yêu cầu chung về thiết kế sẽ do Bộ Xây dựng và Bộ công an phối hợp biên soạn.
Theo đó, tiêu chuẩn này đã trình Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định lần 2 để ban hành. Trong đó chung cư mini dưới 7 tầng xây mới, hay cải tạo, chuyển đổi công năng, thay đổi mục đích sử dụng, kinh doanh hỗn hợp phải áp dụng quy chuẩn mới này, đặc biệt đối với vấn đề an toàn phòng cháy, chữa cháy.
Còn đối với chung cư mini có quy mô cao từ 7 tầng trở lên (hoặc có chiều cao phòng cháy chữa cháy từ 25m trở lên) sẽ thuộc phạm vi điều chỉnh của QCVN 06:2022/BXD cùng sửa đổi 1:2023 QCVN 06:2022/BXD do Bộ Xây dựng và Bộ công an phối hợp biên soạn đã được ban hành trước đó.
Dự kiến, trong tháng 7, Tiêu chuẩn Việt Nam Nhà ở riêng lẻ - Yêu cầu chung về thiết kế đối với các công trình nhà ở nhiều tầng nhiều căn hộ (chung cư mini) có quy mô dưới 7 tầng sẽ được ban hành…
Thùy Chi