Giải pháp thu hút nguồn lực đầu tư cho hệ thống giao thông tĩnh
(Chinhphu.vn) - Trong khi hệ thống giao thông công cộng chưa thể là phương tiện thay thế thì số lượng phương tiện giao thông cá nhân vẫn không ngừng gia tăng trên địa bàn Hà Nội. Điều này gây áp lực lên hạ tầng giao thông đô thị, nhất là vấn đề giao thông tĩnh ở Thủ đô. Đòi hỏi Thành phố phải có những chính sách đột phá hơn nhằm thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư cho hệ thống giao thông tĩnh.
Vẫn còn nhiều vướng mắc
Theo Sở Giao thông vận tải Hà Nội, toàn bộ bãi đỗ xe thuộc khu vực đô thị trung tâm (trong vành đai 4) đều được đầu tư theo hình thức xã hội hóa với tổng số 107 dự án. Nhưng trên thực tế mới có 57 dự án hoàn thành với diện tích khoảng 44,37ha và 50 dự án vẫn đang triển khai; hầu hết các dự án đều phải gia hạn thời gian thực hiện và điều chỉnh chủ trương đầu tư.
Sở Giao thông vận tải Hà Nội đánh giá, diện tích các điểm, bãi đỗ xe mới chỉ chiếm 0,12% diện tích các quận nội thành, đáp ứng chỗ đỗ cho khoảng 10% tổng nhu cầu đỗ xe (còn lại gần 90% số phương tiện có nhu cầu đang đỗ tại các điểm đỗ xe của chung cư, khu đô thị, sân cơ quan, công sở, lòng đường, vỉa hè, ngõ cụt, sân trường, bệnh viện, tại các khu đất trống của các dự án...).
Theo thống kê, hiện toàn Thành phố có 8 bến xe khách liên tỉnh lớn với tổng diện tích khoảng 17,7ha bao gồm: Giáp Bát, Mỹ Đình, Yên Nghĩa, Nước Ngầm, Sơn Tây, Trôi, Phùng. Các bến xe khách Đông Anh, Cổ Bi mới đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư.
Ngoài ra, có 4 bến xe tải với diện tích khoảng 5,74ha gồm: Xuân Phương, Yên Viên, Ngũ Hiệp, Thanh Trì. 6 bãi đỗ xe tải với diện tích khoảng 5,28ha gồm: Tam Trinh, Đền Lừ, Gia Thụy, Long Biên, Liên Ninh, Hải Bối, Dốc Vân.
Điều này cho thấy, công tác đầu tư các bến, bãi đỗ xe còn chậm, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển; nhiều khu vực đã được định hướng trong quy hoạch là bến, bãi đỗ xe nhưng chưa được nghiên cứu hình thành dự án.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cho rằng, việc đầu tư vào hạ tầng giao thông tĩnh tại Hà Nội khá bấp bênh. Chủ trương, định hướng thì rõ, nhưng cơ chế, chính sách áp dụng lại chưa hấp dẫn doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Văn Lập, Giám đốc Bến xe Nước Ngầm, mọi doanh nghiệp khi tham gia đầu tư đều muốn các thủ tục về quy hoạch, giải phóng mặt bằng… hoàn thành đầy đủ, doanh nghiệp chỉ việc bắt tay vào làm. "Đang triển khai các bước nghiên cứu đầu tư một dự án, thậm chí chuẩn bị đấu thầu mà lại dừng để điều chỉnh quy hoạch, mất hàng năm trời nữa sẽ khiến doanh nghiệp ngại đầy tư", ông Lập nói.
Sở Giao thông vận tải Hà Nội cũng thừa nhận, công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi đất phục vụ triển khai các dự án giao thông tĩnh còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Vị trí, địa điểm một số dự án kêu gọi đầu tư chưa thật sự thu hút nhà đầu tư.
Mặt khác, quy hoạch các dự án bến xe, bãi đỗ xe mới chỉ mang tính định hướng và chưa có quy hoạch chi tiết. Khi nhà đầu tư vào triển khai phải lập quy hoạch và thỏa thuận quy hoạch tổng mặt bằng hoặc quy hoạch chi tiết trước khi tổ chức triển khai thực hiện dự án, việc này mất rất nhiều thời gian. Quan trọng hơn nữa là bài toán kinh tế khiến các doanh nghiệp lo ngại…
Cần có những chính sách đột phá
Nhiều chuyên gia giao thông cho rằng, Hà Nội đang rất tích cực, tháo gỡ từng bước những vướng mắc, khó khăn để triển khai quy hoạch giao thông tĩnh. Tuy nhiên, tiến độ còn khá chậm, những chính sách để thu hút nguồn vốn xã hội hóa cho lĩnh vực này vẫn còn chưa thông, thủ tục hành chính còn rườm rà; việc tổ chức giám sát, hậu kiểm của cơ quan chủ trì trong lĩnh vực đầu tư cũng chưa thực sự hiệu quả. Công tác dự báo, đánh giá tình hình còn chưa theo kịp với thực tế phát triển…
Chuyên gia giao thông đô thị Phan Trường Thành nhìn nhận, tính chất phức tạp của thủ tục đầu tư các dự án tỷ lệ thuận với quy mô đầu tư. Dự án càng lớn càng nhiều giấy tờ, càng cần cơ quan chức năng nhiệt tình hỗ trợ doanh nghiệp.
"Chẳng hạn giữa cơ quan chức năng và doanh nghiệp rất cần một cầu nối như các hiệp hội doanh nghiệp, nghề nghiệp. Hiệp hội sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thông tin, hoàn thiện hồ sơ, thủ tục. Ngược lại, hiệp hội cũng giúp chính quyền Thành phố thẩm định năng lực của các doanh nghiệp", chuyên gia giao thông Phan Trường Thành nêu.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh nhu cầu về bến, bãi, điểm trông giữ xe bức thiết như hiện nay, Hà Nội cần nghiên cứu, thay đổi chiến lược kêu gọi đầu tư cũng như công tác quản lý. TP. Hà Nội cần chủ động kêu gọi, mời chào nhà đầu tư bằng những tín hiệu thiết thực, tích cực như lập, công bố công khai danh sách dự án, cắt giảm thủ tục hành chính, tăng cường nhân sự hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp…
UBND TP. Hà Nội cũng cần liên tục mở các hội nghị xúc tiến đầu tư cho lĩnh vực giao thông tĩnh để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp, phổ biến các quy định của pháp luật và kết nối doanh nghiệp với các đơn vị cung cấp công nghệ, khoa học hiện đại phù hợp, qua đó định hướng ngay từ đầu, ưu tiên cho các dự án giao thông thông minh.
Không những vậy hiện nhiều nhà đầu tư mong muốn có thể tăng thêm diện tích sử dụng thương mại dịch vụ để bù đắp chi phí. Vấn đề này cũng đã được HĐND TP. Hà Nội thông qua, nâng tỷ lệ đất thương mại cho các dự án bãi đỗ xe ngầm, cao tầng…
Ngoài ra, Hà Nội phải hoàn toàn minh bạch, công khai, lựa chọn nhà đầu tư dựa trên năng lực; đồng thời tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, văn minh đô thị, bởi đây là một trọng những yếu tố quan trọng tác động đến hiệu quả đầu tư bến, bãi, điểm trông giữ xe của Thành phố.
Có thể thấy rằng, việc kêu gọi nguồn vốn đầu tư xã hội là phương cách hữu hiệu nhất nhằm nâng cấp và hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông tĩnh của Hà Nội. Do đó, Thành phố cần "mở" được một hành lang thông thoáng, minh bạch, chắc chắn cho nguồn vốn đi qua thì mới giải quyết được phần nào những khó khăn hiện tại.
Thành Nam