Phát triển giao thông xanh: Hướng đi tất yếu
(Chinhphu.vn) - Việc thành phố Hà Nội phát triển loại hình tàu điện trên cao, xe buýt thân thiện với môi trường cũng như đang hướng tới triển khai dự án “xe đạp đô thị"… Chính là những giải pháp quan trọng hướng tới giao thông xanh.
Từ vận tải hành khách cỡ lớn "xanh"
Theo các chuyên gia, giao thông xanh là các phương tiện giao thông hạn chế thải khí CO2 và các loại khí thải độc hại khác ra môi trường. Giao thông xanh sử dụng sức người, năng lượng tái tạo, điện, khí thiên nhiên nén... Việc sử dụng xe đạp, xe máy, ô tô điện, xe chạy bằng khí nén CNG; xe sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng gió… chính là tham gia giao thông xanh.
Ở đô thị, ô nhiễm do các hoạt động giao thông vận tải chiếm khoảng 70%. Vì vậy, chính quyền và người dân cần nhận thức được những ảnh hưởng của việc sử dụng phương tiện giao thông cơ giới đến chất lượng môi trường.
Chuyên gia giao thông Đặng Minh Tân nhận định, Hà Nội hiện có khoảng 10 triệu người, gần 7 triệu xe cơ giới, 90% trong số đó là xe máy. Vì vậy rất khó để hạn chế được ùn tắc giao thông và ô nhiễm không khí. Việc phát triển các loại hình giao thông xanh thay thế dần xe cơ giới không chỉ là lựa chọn cho hiện tại mà còn cho cả tương lai.
Năm 2021, đánh dấu một bước ngoặt của phát triển giao thông xanh, đó là việc thành phố Hà Nội đưa vào khai thác tàu điện trên cao Cát Linh-Hà Đông, góp phần hạn chế ùn tắc, ô nhiễm môi trường và được đông đảo nhân dân tin tưởng, ủng hộ.
Cùng với đó, thành phố Hà Nội đã xem việc phát triển loại hình xe buýt thân thiện với môi trường là một trong những giải pháp quan trọng hướng tới giao thông xanh. Đặc biệt, vấn đề này đã xác định rõ tại Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐND ngày 04/7/2017 và Đề án "Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn đến năm 2030".
Theo đó, việc đưa vào vận hành các tuyến xe buýt điện được xem là giải pháp mới mang tính đột phá, góp phần từng bước tiến gần mục tiêu đến năm 2030 đạt 20% số lượng đoàn xe buýt trên địa bàn Hà Nội sử dụng nhiên liệu CNG, động cơ điện.
Theo đại diện Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, Hà Nội hiện đã có hơn 2.000 xe buýt, trong đó số lượng phương tiện sử dụng năng lượng sạch đạt trên 10% (đến nay có 8 tuyến xe buýt chạy bằng năng lượng điện).
Ông Nguyễn Công Nhật, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ vận tải sinh thái Vinbus cho biết, buýt điện đã và đang góp phần làm thay đổi hình ảnh xe buýt trong mắt người dân đẹp hơn, thân thiện hơn..., thu hút người dân sử dụng phương tiện công cộng nhiều hơn. Đặc biệt, bằng việc đưa xe buýt điện không phát thải vào vận hành, Vinbus sẽ góp phần làm giảm số lượng CO2 thải ra môi trường lên tới 22.000 tấn/năm.
Đến dự án xe đạp công cộng
Bên cạnh các giải pháp phát triển vận tải hành khách cỡ lớn "xanh" và từng bước hạn chế xe máy, nhiều ý kiến cho rằng, Hà Nội cần sớm có kế hoạch hình thành hệ thống xe đạp cho thuê với giá rẻ để phục vụ nhu cầu di chuyển ngắn của người dân, tăng cường kết nối các khu vực đô thị với hệ thống vận tải công cộng.
Thực tế cho thấy, bất cứ khu vực nào cũng có thể thiết lập các trạm xe đạp công cộng, nhất là tại những nhà ga tàu điện, bến xe buýt, khu trung tâm sầm uất, nơi gần đường giao thông chính. Với sự phát triển vượt bậc về khoa học, công nghệ thông tin như hiện nay, không khó để quản lý những chiếc xe đạp, tránh mất mát, hư hại. Mô hình trạm xe đạp công cộng vừa dễ thực hiện với chi phí rẻ, vừa mang lại hiệu quả rất lớn cho giao thông đô thị, môi trường Thành phố.
Theo đánh giá của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, việc triển khai dự án "xe đạp đô thị" tại thành phố Hà Nội là cần thiết. Trên cơ sở đó, UBND thành phố Hà Nội đã đồng ý giao Sở Giao thông vận tải Hà Nội xây dựng dự án phát triển xe đạp công cộng để thực hiện tại một số quận trung tâm. Xe đạp được sử dụng phục vụ người dân, bao gồm xe đạp truyền thống, xe điện hai bánh.
Dự án "xe đạp đô thị" sẽ triển khai với 500 xe đạp truyền thống và 500 xe đạp điện. Số xe này sẽ được bố trí từ 70 đến 80 vị trí. Xe đạp công cộng sẽ được sử dụng phục vụ người dân tại 5 quận trung tâm bao gồm: Ba Đình, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Đống Đa, Thanh Xuân và các điểm cạnh lối lên, xuống của tuyến tàu điện đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, trụ sở liên cơ quan. Thời gian dự kiến thực hiện năm 2022 đến 2023.
Theo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, việc triển khai bổ sung loại hình xe đạp/xe đạp điện đô thị ít ảnh hưởng đến lưu lượng giao thông trên đường giao thông công cộng, không làm quá tải do có tính chất về vận hành/số lượng người sử dụng tương tự như xe gắn máy. Do đó, không làm quá tải hệ thống giao thông, trường hợp hiệu quả kết nối sẽ là cơ sở để người dân chuyển đổi từ phương thức cá nhân sang loại hình vận tải hành khách công cộng, góp phần cải thiện sức khỏe cộng đồng.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, xe đạp công cộng là mô hình mới hoàn toàn đối với Hà Nội, cần có những tính toán căn cơ ngay từ đầu để duy trì hiệu quả, tránh tối đa những hệ luỵ không đáng có như việc tính toán cụ thể, chi tiết về số lượng trạm, xe, các vị trí đặt sao cho phù hợp, hiệu quả nhất hay như công tác bảo đảm an ninh tại các điểm đỗ xe đạp công cộng, nâng cao ý thức cho người dân khi sử dụng…
Thạc sĩ Quản lý đô thị Phan Trường Thành cho rằng, muốn xe đạp công cộng nhanh chóng phổ biến, chiếm được vai trò lớn trong giao thông đô thị, Hà Nội cần có hàng loạt các biện pháp khuyến khích như miễn phí cho thuê vỉa hè để đặt trạm, đỗ xe, xem xét miễn giảm các loại thuế phí cho đơn vị triển khai, tuyên truyền sâu rộng đến người dân lợi ích và sự thuận tiện của xe đạp công cộng.
Thành Nam