Giảm lãi suất vay và chi phí để hỗ trợ người chăn nuôi

27/04/2017 5:09 PM

(Chinhphu.vn)-Thời gian vừa qua, do người dân chăn nuôi lợn tự phát không theo kế hoạch và quy hoạch dẫn tới tình trạng mất cân đối cung cầu, nguồn cung dư thừa quá lớn chỉ trong một thời gian ngắn, khiến giá thành lao dốc thảm hại. Hiện 1 kg lợn hơi chỉ còn dao động từ 12.000-15.000 nghìn đồng, dự báo con số này sẽ còn xuống thấp trong một, hai tuần tới.

Nuôi lợn theo hướng an toàn sinh học là hướng đi bền vững-Ảnh Tú Mai

Chăn nuôi nông hộ lao dốc

Chia sẻ những khó khăn tại Hội nghị triển khai các giải pháp ổn định chăn nuôi, diễn ra hôm nay 27/4, ông Nguyễn Ngọc Toàn, xã Trung Châu, huyện Đan Phượng cho biết, gia đình ông có tổng đàn lợn là 450 con, nhưng tại thời điểm như hiện nay, giá dao động từ 17.000-18.000 nghìn/kg lợn hơi, tính ra người chăn nuôi sẽ bị lỗ 1,5 triệu đồng/tạ lợn. Dự báo trong một, hai tuần tới sẽ chỉ giảm xuống còn 12.000-15.000 nghìn/kg.

Để giảm thiệt hại, các trại cũng đang giảm đàn nhưng giá xuống quá nhanh dẫn đến việc giảm đàn không kịp vì bị tư thương ép giá. Bên cạnh đó, giá cám vẫn chưa giảm, có những hộ chăn nuôi 100-200 con lợn, hiện không có tiền mua cám cho lợn ăn, phải quay sang cho lợn ăn bèo, ăn khoai như trước đây. Nhưng với giống lợn ngoại không có cám cho ăn đã dẫn đến cảnh nhiều gia đình điêu đứng. Mặt khác, các hộ chăn nuôi ai cũng vay ngân hàng, hộ vay ít khoảng 500 triệu đồng, có những hộ vay nhiều lên đến 2-3 tỷ đồng và phải trả lãi. Tất cả những yếu tố này đã dẫn người chăn nuôi vào cảnh khốn cùng, không lối thoát, khiến họ không biết phải xử lý như thế nào.

Cùng những khó khăn trên, ông Nguyễn Xuân Thủy, xã Hồng Quang, huyện Ứng Hòa cho biết, gia đình ông có hơn 130 con lợn, hiện với giá thành như hiện nay gia đình ông vẫn tiếp tục bán nhưng có những lúc không biết bán cho ai, dù đã giảm bớt đàn bằng cách giảm những con kém chất lượng và chôn những con lợn bệnh, song vẫn không có đầu ra.

Tương tự, theo ông Nguyễn Văn Tuyến, xã Vạn Yên, huyện Mê Linh cho biết, lợn rớt giá mạnh, khiến chi phí cho vệ sinh chuồng trại và thuốc thú y phòng bệnh giảm hẳn, thậm chí là không có. Nhiều người dân ý thức kém, họ không chôn lợn bị bệnh mà thả trôi sông, điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ sẽ bùng phát dịch bệnh.

Trước những khó khăn này, các hộ chăn nuôi lợn mong nhà cung cấp thức ăn gia súc và thuốc thú y giảm giá thành. Đồng thời mong muốn các ngành sẽ khoanh vùng nợ, hỗ trợ nhân dân giảm lãi suất.

Sản phẩm sinh học vẫn giữ vững thị trường

Khác với những hộ chăn nuôi không theo hướng an toàn sinh học, trang trại của ông Nguyễn Trọng Long, thôn Tri Lễ, xã Tân Ước, huyện Thanh Oai, chủ Hợp tác xã Hoàng Long vẫn giữ được nguồn giá ổn định, dù có giảm nhưng vẫn bảo đảm hơn rất nhiều so với những trang trại chăn nuôi bình thường.

Theo ông Long, tại thời điểm này năm ngoái ông đã khuyên người dân không nên tái đàn mà nên tập trung tiêu thụ theo chuỗi sản phẩm. Hiện nay, như trang trại của ông, từ đầu năm đã tiêu thụ được 30-40% số lợn do xây dựng được thương hiệu lợn AZ. Và việc làm tốt vấn đề môi trường cũng giảm được chi phí đáng kể bên cạnh đó cũng giảm được 45% giá chi phí cho thuốc thú y.

Trước thời điểm rớt giá như hiện nay, giá thành một kg lợn hơi của Hợp tác xã Hoàng Long là 50.000 nghìn đồng, giờ còn khoảng 40.000 đồng. Con số này trong thời điểm hiện tại là con số đáng mơ ước của nhiều bà con chăn nuôi.

Hiện nay giá lợn hơi trên thị trường dao động từ 13.000-17.000 đồng/kg. Theo tính toán của người chăn nuôi thì với giá này thì gần như số tài sản của người chăn nuôi đã về không. Lãi của những tháng trước thời điểm rớt giá cũng chỉ rơi vào 200-300 nghìn đồng/tạ, đến nay lỗ 2 triệu đồng/1 tạ, như vậy một tháng lỗ kéo theo mấy tháng lãi.

Có thể thấy, trải qua một thời gian dài hơn một năm vừa rồi, giá lợn lên cao nên kích thích người chăn nuôi, nhất là những cơ sở mới, cơ sở nhỏ lẻ họ tăng đàn rất nhanh, chính điều đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng như ngày hôm nay. Bên cạnh đó, chúng ta chưa có xuất khẩu chính ngạch mà chỉ xuất khẩu tiểu ngạch, phụ thuộc rất nhiều vào thị trường Trung Quốc.

Vì vậy, người chăn nuôi hy vọng Nhà nước sẽ nghiên cứu để người dân được vay vốn với lượng tương đối lớn nhưng lãi suất phù hợp với hoàn cảnh của các trang trại, doanh nghiệp, hợp tác xã hiện nay. Để từ đó người chăn nuôi có thể đầu tư vào con giống với chất lượng tốt, đồng thời sẽ tạo được môi trường lành mạnh cạnh tranh, ai có đủ điều kiện thì sẽ tiếp tục chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, bảo đảm nguồn cung thực phẩm an toàn cho thị trường; ai không đủ điều kiện thì sẽ dừng lại, đây cũng là một cách để bảo đảm số lượng cung vượt cầu.

Mặt khác các hộ cần tham gia chuỗi liên kết. Các cơ sở đủ điều kiện vào một chuỗi và chuỗi liên kết giữa các nhà sản xuất, tiêu thụ, nhưng phải có hợp đồng rõ ràng để người chăn nuôi, người sơ chế cũng bảo đảm mục đích và chất lượng sản phẩm an toàn.

Tìm giải pháp từ doanh nghiệp đến chính quyền

Trước những khó khăn hiện nay, ở góc độ doanh nghiệp, ông Nhữ Đình Tú, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Thực phẩm sạch Lebio cho biết, thực trạng này đã được doanh nghiệp nhận định từ tháng 8/2016. Và với giá bán như hiện nay vẫn chưa phải chạm đáy, đáy giá là khi cho không ai lấy.

Vì vậy, để giúp bà con, thì trước mắt, phải phòng dịch ngay vì nguy cơ bùng phát dịch là rất cao. Theo đó, ông đề nghị Chính phủ, các cấp, các ngành hỗ trợ trực tiếp cho người chăn nuôi như vắc xin phòng bệnh. Và nếu có nguồn ngân sách thì hỗ trợ trực tiếp cho người chăn nuôi để họ cầm cự.

Về lâu dài, Nhà nước cần có quy hoạch cho chăn nuôi, không chăn nuôi thừa, thậm chí là ban hành luật chăn nuôi.

Muốn lợi nhuận từ chăn nuôi thì phải xuất khẩu được ra thị trường nước ngoài. Vì vậy người nông dân phải thay đổi tư duy trong chăn nuôi, từ người sản xuất thức ăn đến khâu tiêu thụ và phải bảo vệ được lợi ích khi tham gia chuỗi. Đồng thời phải áp dụng công nghệ cao để đáp ứng được nhu cầu tất yếu của người tiêu dùng và bảo đảm ATTP.

Hiện tại công ty vẫn thu mua 35.000 đồng/kg lợn hơi chăn nuôi theo sinh học, với con số này người chăn nuôi vẫn có lãi. Và trong tháng tới, công ty đang thiếu nguồn cung sản phẩm thịt lợn từ chăn nuôi sinh học. Đây cũng là cơ hội để người chăn nuôi nhìn nhận và có hướng đi phù hợp trong thời gian tới.

Theo ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, trước mắt để giải quyết tình trạng khó khăn của người chăn nuôi thì cần có và phải có sự liên kết giữa cơ sở cung cấp giống-cơ sở sản xuất thức ăn-cơ sở chăn nuôi-giết mổ và lưu thông; đồng thời giữa các bên phải chia sẻ lợi nhuận. Từ đó sẽ tạo được liên kết bền vững.

Mặt khác cần giảm giá thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, tăng giá mua lợn hơi và giảm giá bán lợn thịt để kích thích tiêu thụ.

Đối với người chăn nuôi, thời điểm hiện nay, không nên dùng cám công nghiệp mà nên dùng sản phẩm hữu cơ để có thể tăng giá thành và bao tiêu sản phẩm. Các hộ nên có hướng xây dựng theo chuỗi khép kín, quy mô nhỏ nhưng rất bền vững và loại thải những con gióng có chất lượng thấp.

Sở NN&PTNT tới đây sẽ đề nghị Thành phố hỗ trợ người chăn nuôi kéo dài thời gian vay vốn ngân hàng, đồng thời hỗ trợ nguồn vay từ Quỹ khuyến nông và một số nguồn khác. Bên cạnh đó sẽ đề xuất những loại vắc xin cần thiết để bảo đảm con giống cho bà con tái đàn có chất lượng tốt.

Về lâu dài, do hiện nay người dân vẫn chăn nuôi tự phát, vô tổ chức. Vì vậy, phải có kế hoạch chăn nuôi và có sự tham gia quản lý của chính quyền. Đồng thời phải có một kế hoạch kiểm soát thức ăn, tập trung cho chăn nuôi từ lúc nuôi đến khi xuất chuồng. Bên cạnh đó phải có kế hoạch phân phối, tiêu thụ, tìm đầu ra của sản phẩm và có kế hoạch dự trữ cấp đông khi cần thiết.

Tú Mai

Top