Giảm ô nhiễm: Cần những giải pháp bền vững

02/10/2019 2:28 PM

(Chinhphu.vn) - Những ngày qua, câu chuyện chất lượng không khí Hà Nội kém, nhất là buổi sáng, gây hoang mang dư luận. Giải pháp nào để Hà Nội tháo gỡ vấn đề này?

* Việc đốt thải đã gây ô nhiễm lớn trong không khí

Từ các chỉ số

Theo số liệu từ 13 trạm quan trắc tự động, liên tục trên địa bàn TP Hà Nội (1 trạm của Tổng cục Môi trường tại Nguyễn Văn Cừ và 11 trạm của TP Hà Nội, 1 trạm của Đại sứ quán Mỹ) đo được trong khoảng thời gian từ ngày 12/9 đến 29/9, nồng độ bụi PM2.5 có xu hướng gia tăng. Tuy nhiên, các thông số khác như NO2, O3, CO, SO2 vẫn nằm trong giới hạn cho phép. Đặc biệt, trong sáng các ngày liên tiếp từ 25-30/9 ghi nhận một số trạm AQI giờ đã vượt ngưỡng 200, ở mức xấu. Thực tế, chỉ số chất lượng không khí (AQI) giờ ở mức xấu chỉ có tại một số vị trí và có tính thời điểm. Đó là các trạm Hoàn Kiếm, Thành Công, Phạm Văn Đồng, Hàng Đậu, Minh Khai, Đại sứ quán Mỹ và 556 Nguyễn Văn Cừ, tập trung vào khung giờ từ 0-6h.

Ông Nguyễn Văn Tài, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT cho biết, qua theo dõi diễn biến từ năm 2010 đến nay, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 có xu hướng giảm. Đối chiếu với kết quả quan trắc từ trạm của Đại sứ quán Mỹ trong giai đoạn 2016-2018 cũng cho thấy, xu hướng tương ứng đối với nồng độ bụi PM2.5. So sánh nồng độ bụi PM2.5 trong các tháng qua từ các năm 2013-2019 cho thấy, nồng độ bụi PM2.5 trong các tháng năm 2019 có xu hướng giảm qua các năm. Riêng tháng 9, nồng độ bụi tăng mạnh so với các tháng trước đó và so với cùng kỳ các năm từ 2015-2018.

“Xu hướng biến động của PM10 và PM2.5 tại các thành phố phía Bắc Việt Nam, trong đó có Hà Nội phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện thời tiết khí hậu. Nhận định sơ bộ, nguyên nhân PM2.5 tăng cao do đây là thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi, khối không khí lạnh từ phía Bắc khuếch tán xuống phía Nam tạo nên dãy hội tụ nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh gây hiện tượng nghịch nhiệt làm gia tăng nồng độ các chất ô nhiễm trong không khí. Đặc biệt vào thời gian sáng sớm, là khoảng thời gian gió lặng nên khả năng phát tán các chất ô nhiễm thấp. Khi có ánh sáng mặt trời đốt nóng lớp không khí gần mặt đất, không còn hiện tượng nghịch nhiệt, bụi PM2.5 được phát tán, chất lượng không khí được cải thiện hơn.

Bên cạnh đó, trong những ngày này, hoạt động đốt rơm rạ trong mùa thu hoạch ở khu vực ngoại thành cũng góp phần làm gia tăng nồng độ bụi PM2.5 trong không khí”, ông Tài phân tích.

Lãnh đạo Tổng cục Môi trường, việc đưa ra các thông số và khuyến cáo số chính xác về chất lượng không khí, phải có hệ thống, mạng lưới các điểm quan trắc, chương trình quan trắc với máy móc thiết bị hiện đại. Thông tin thu được từ trạm quan trắc sau đó còn phải được kiểm nghiệm, xử lý, xác định... Nếu không có mạng lưới rộng khắp, thì kể cả thông số đo được là chính xác thì cũng chỉ là tại một điểm đo đó, không đại diện được cho cả thành phố Hà Nội.

Thực tế, nguồn gốc của ô nhiễm bụi mịn ở Hà Nội gồm các loại: Nội sinh, nội sinh cục bộ, nội sinh lân cận, nội sinh vùng và ngoài xâm lấn. 

Trong các yếu tố này thì nội sinh vùng được nhắc đến là yếu tố gây ra ô nhiễm bụi mịn cho quy mô cả vùng lãnh thổ chữ không bó hẹp phạm vi một khu vực như một thành phố. Và tác nhân gây ảnh hưởng ô nhiễm rộng như vậy chính là các hoạt động đốt nhiên liệu quy mô lớn mà ở đây chính là nhiệt điện đốt than và các hoạt động công nghiệp nặng sử dụng than hoặc dầu.

Các dữ liệu viễn thám và các số liệu đều cho thấy ô nhiễm bụi mịn không diễn ra cục bộ mà diễn ra trên quy mô vùng. Không phải ô nhiễm chỉ có ở Hà Nội, đó là cách hiểu sai lầm. Nếu chúng ta đi về Hưng Yên, Nam Định hay ngược lên Vĩnh Phúc, chúng ta vẫn nhận được bầu không khí mù đục và các chỉ số AQI gần như nhau.

Các yếu tố làm sạch không khí

Theo Kiến trúc sư Nguyễn Thái Thạch, một nhà nghiên cứu về môi trường độc lập cho biết: “Dựa vào kinh nghiệm của bản thân, qua quá trình bằng phần mềm khí tượng, viễn thám và thực địa, thì ở Việt Nam, khu vực quanh năm sạch là Trung bộ, Nam Trung bộ, kế đến là Tây Bắc bộ, Tây Nguyên. Kế đến là Bắc Trung bộ, đồng bằng sông Cửu long và sau đó là Đông Nam bộ và kém sạch nhất là Bắc bộ. Thủ đô Hà Nội và TPHCM sẽ ô nhiễm hơn vì lượng khí xả phương tiện, sinh hoạt của con người liên quan đến việc đốt. Hàng năm, vào vụ gặt, cả nước ta có màn đốt rạ đã gây ra ô nhiễm cục bộ trầm trọng ở khu vực Đồng bằng Bắc bộ”.

Những cơn mưa rào lớn trên diện rộng có thể giúp gột bớt lượng bụi trong khí quyển và rửa trôi những bụi bặm bám lại trên đường xá và cây cối, nhờ đó không khí sẽ trong lành hơn, đường xá cũng sạch sẽ hơn. Mưa lớn cũng thường đi cùng với 1 yếu tố quan trọng nhất nữa giúp làm sạch không khí, đó là gió. Mưa lớn cũng làm đối lưu diễn ra mạnh và góp phần khuếch tán ô nhiễm trong tầng không khí sát đất. Mưa nhỏ mà đặc biệt là mưa phùn thì không suy suyển gì nếu không đi cùng với gió.

Gió chính là yếu tố tự nhiên giúp làm sạch ô nhiễm không khí một cách hiệu quả nhất. Gió như cây chổi quét nhà, đẩy không khí ô nhiễm đi nơi khác, khuếch tán nó đi. Những ngày gió mạnh là những ngày không khí sạch. Nếu gió thổi từ vùng ít ô nhiễm tới thì không khí sẽ cực kì sạch. AQI có thể tới mức 15~30, tức là sạch như ngoài đảo xa. Nếu gió được thổi từ vùng ô nhiễm thì không khí đương nhiên bị bẩn nhưng nếu thổi mạnh thì vẫn sạch hơn thổi nhẹ, vì thổi mạnh tức làm tăng cường khuếch tán, đối lưu.

KTS Nguyễn Thái Thạch cho rằng, để làm giảm ô nhiễm bụi mịn chúng ta có 2 nhóm công việc: Giảm phát thải bụi mịn; Lọc bớt bụi.

Như đã phân tích, bụi mịn phần lớn được phát tán vào môi trường thông qua việc đốt, sự cháy của các nhiên liệu hóa thạch hoặc các chất hữu cơ chứa nhiều tạp chất. Vì vậy giảm phát thải bụi mịn tức là giảm đốt nhiên liệu như than, củi, rơm rạ, rác.

Nếu đốt rơm rạ một năm chỉ diễn ra 2 đợt thì đốt than lại là liên tục hàng ngày và khối lượng than phải đốt để phục vụ sản xuất năng lượng cũng chiếm một tỉ trọng lấn át các nguồn khác.

Chính vì vậy, giải pháp để giảm phát thải bụi mịn cần phải nhắm vào việc hạn chế dần nhiệt điện than. Dần dần thay thế nhiệt điện than bằng các nguồn điện khác sạch hơn như điện gas và năng lượng tái tạo, thậm chí điện hạt nhân. Đây là cả một câu chuyện dài và là một đề tài nhức đầu óc nhưng ít nhất về nhận thức xã hội, chúng ta cần nhìn nhận rằng vì môi trường, thì nhiệt điện than trong tương lai cần được khống chế và thay thế dần.

Các siêu thành phố với dân số vài chục triệu người cũng là những nguồn phát thải bụi mịn và ô nhiễm đáng kể khi có hàng triệu phương tiện lưu thông chạy bằng xăng/dầu. Trong tương lai, cần tham khảo luật môi trường của phương Tây và học theo họ trong việc hạn chế những phương tiện xả thải nhiều, hạn chế các phương tiện chạy dầu, và dần dần ưu tiên, khuyến khích các phương tiện sử dụng gas/điện/hybrid xăng điện…

Thực tế, việc trồng nhiều cây xanh đô thị không hẳn là giải pháp tốt trong việc hạn chế bụi mịn. Cây xanh giữ bụi lại chữ không thổi bụi đi vì vậy cây xanh không giúp làm sạch bụi mịn. Đồng thời cây xanh trong đô thị làm triệt tiêu gió - tác nhân giúp làm khuếch tán ô nhiễm.

Đỗ Hương

Top