Giảm phát thải khí nhà kính từ kiểm soát thức ăn chăn nuôi

31/10/2024 1:18 PM

(Chinhphu.vn) - Xử lý chất thải và kiểm soát khí nhà kính trong chăn nuôi là vấn đề quan trọng có ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích cộng đồng và chống biến đổi khí hậu toàn cầu, cần phải được doanh nghiệp, người chăn nuôi tự giác và chủ động thực hiện.

Giảm phát thải khí nhà kính từ kiểm soát thức ăn chăn nuôi- Ảnh 1.

Các chuyên gia trong ngành chăn nuôi Việt Nam bàn bạc, đưa ra các giải pháp để giảm phát thải khí nhà kính trong chăn nuôi. Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Nội dung trên được đưa ra tại Hội nghị về "Giảm tỉ lệ protein thô trong khẩu phần thức ăn chăn nuôi lợn: Một tác động ba lợi ích", do Hội Chăn nuôi Việt Nam tổ chức vào ngày 31/10.

Theo Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam Nguyễn Xuân Dương, sản xuất chăn nuôi là một trong những lĩnh vực gây ảnh hưởng trực tiếp và đáng kể đến vấn đề phát thải khí nhà kính, tác nhân gây biến đổi khí hậu toàn cầu. Kiểm soát phát thải khí nhà kính trong chăn nuôi đã được các nhà khoa học chỉ ra từ lâu và được nhiều nước đang trong quá trình khuyến khích; từng bước sẽ bắt buộc người chăn nuôi đưa vào nội dung kiểm soát. Kiểm soát môi trường và khí phát thải chăn nuôi của Việt Nam cũng là những vấn đề lớn và còn nhiều bất cập, do mật độ chăn nuôi của Việt Nam thuộc tốp những nước có mật độ chăn nuôi lớn nhất trên thế giới. Đồng thời Việt Nam là nước có diện tích tự nhiên đứng thứ 66 thế giới, nhưng có số đầu lợn đứng thứ 6 và đàn thủy cầm đứng thứ 2 thế giới... Tuy nhiên, quy mô chăn nuôi nhỏ ở nước ta chiếm tỷ lệ cao; công nghệ xử lý chất thải tuy nhiều, nhưng chưa hoàn thiện và phù hợp, nhất là ở các cơ sở chăn nuôi vừa và nhỏ đang chiếm tỷ lệ lớn trong sản xuất.

Trong nhiều yếu tố gây ra khí phát thải trong chăn nuôi thì quá trình hô hấp, tiêu hóa và chất thải của vật nuôi là yếu tố lớn nhất gây ra. Đặc biệt là chăn nuôi giá súc ăn cỏ, sau đó đến chăn nuôi lợn.

Vì vậy, theo ông Nguyễn Xuân Dương, để giảm tác hại từ khí phát thải trong chăn nuôi, ngành chăn nuôi đã triển khai nhiều biện pháp như xử lý chất thải chăn nuôi bằng công nghệ biogas, đệm lót sinh học nhằm giảm ô nhiễm môi trường và giảm khí phát thải nhà kính do chất thải chăn nuôi gây ra. Công nghệ này đang được sử dụng khá phổ biến trong sản xuất đối với các đối tượng vật nuôi và quy mô chăn nuôi.

Hay việc sử dụng khẩu phần thức ăn dinh dưỡng hợp lý và bổ sung các chế phẩm nhằm hạn chế khí phát thải của vật nuôi. Ở Việt Nam, công nghệ này cũng đã được tiếp cận trong khoảng 10 năm trở về đây ở giai đoạn nghiên cứu khoa học, còn việc sử dụng trong đại trà sản xuất thì vẫn đang còn ở mức độ chừng mực.

Tại Hà Nội- một trong những địa phương có tổng đàn chăn nuôi lớn nhất cả nước thì vấn đề giảm phát thải khí nhà kính từ hoạt động chăn nuôi cũng cần được quan tâm đúng mực. Chính vì vậy, cùng với các đơn vị cơ quan chức năng chuyên môn, thời gian qua, Hội Nông dân thành phố Hà Nội đã đẩy mạnh triển khai Dự án "Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế", với các mô hình chăn nuôi thân thiện với môi trường, xử lý chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp làm phân hữu cơ, giúp giảm phát thải khí nhà kính từ hoạt động chăn nuôi.

Các hoạt động đã không chỉ giúp xây dựng nền nông nghiệp xanh bền vững mà còn giảm thiểu tác hại từ hoạt động chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp tới môi trường xung quanh, hạn chế phát thải khí nhà kính gây biến đổi khí hậu tác động xấu đến cuộc sống của con người.

Nhìn chung những công nghệ trên, đều đã có trong sản xuất chăn nuôi nước ta, nhưng phần lớn là chưa được chuyển giao và áp dụng hoàn chỉnh trong các cơ sở chăn nuôi, nhất là ở trong khu vực chăn nuôi nông hộ, các trang trại vừa và nhỏ nên hiệu quả thấp, ví dụ nước thải của các công trình biogas chưa đáp ứng được các quy chuẩn về nước thải hay khí thải chưa được khai thác sử dụng triệt để (ngoài đốt hoặc xả, chưa mấy cơ sở đưa vào khai thác phát điện...).

Giảm phát thải khí nhà kính từ kiểm soát thức ăn chăn nuôi- Ảnh 2.

Trang trại chăn nuôi gà tại huyện Chương Mỹ. Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Việc xử lý chất thải và kiểm soát khí nhà kính trong chăn nuôi là vấn đề quan trọng có ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích cộng đồng và chống biến đổi khí hậu toàn cầu, cần phải được doanh nghiệp, người chăn nuôi tự giác và chủ động thực hiện. Đồng thời đòi hỏi công nghệ phù hợp và chi phí lớn, rất cần nhà nước có chính sách hỗ trợ về đất đai cho chăn nuôi tập trung, tuyên truyền nâng cao nhận thức, phổ biến công nghệ phù hợp cho các loại hình chăn nuôi và có tín dụng ưu đãi cho người chăn nuôi vay đầu tư áp dụng công nghệ phù hợp, hiệu quả.

Vì đây là vấn đề mới và lĩnh vực chăn nuôi trong nước đang gặp khó khăn, kiến nghị nhà nước chưa nên đưa lĩnh vực chăn nuôi vào diện phải kiểm kê khí nhà kính. Trước mắt, từ nay đến 2030 chỉ nên áp dụng hình thức khuyến khích các cơ sở chăn nuôi tự nguyện thực hiện việc kiểm kê và kiểm soát khí phát thải trong chăn nuôi.

Trong thời gian này, nhà nước cần tăng cường các hoạt động tuyên truyền, đào tạo cán bộ kỹ thuật chuyên môn, hoàn thiện các công nghệ, chính sách để nâng cao năng lực quản lý và ứng dụng các công nghệ trong xử lý chất thải, kiểm kê và kiểm soát khí nhà kính trong chăn nuôi; đảm bảo đến khi nhà nước đưa các cơ sở chăn nuôi vào diện phải kiểm kê khí nhà kính, thì mọi yếu tố đã được chuẩn bị sẵn sàng.

Thiện Tâm

Top