Giám sát chặt chẽ phòng, chống bệnh tay chân miệng

01/04/2025 4:25 PM

(Chinhphu.vn) - Trước tình hình dịch bệnh tay chân miệng đang gia tăng, ngày 1/4, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội đã tổ chức giám sát, hỗ trợ công tác phòng chống bệnh tay chân miệng trên địa bàn Thành phố.

Giám sát chặt chẽ phòng, chống bệnh tay chân miệng - Ảnh 1.

Đoàn công tác CDC Hà Nội giám sát công tác phòng chống bệnh tay chân miệng tại phường Thái Thịnh, quận Đống Đa. Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Theo CDC Hà Nội, trong tuần qua Hà Nội ghi nhận 186 trường hợp mắc tay chân miệng tại 28 quận, huyện, thị xã; 120 xã, phường, thị trấn, tăng 80 trường hợp so với tuần trước. Trong đó có một số đơn vị ghi nhận nhiều bệnh nhân như: Hà Đông 26 ca; Nam Từ Liêm ca, Bắc Từ Liêm 20 ca; Thanh Trì 18 ca; Chương Mỹ 13 ca; Hoài Đức 10 ca.

Cộng dồn từ đầu năm 2025, Hà Nội ghi nhận 582 trường hợp, tăng so với cùng kỳ năm 2024 (300 ca mắc). Bệnh nhân phân bố tại 30 quận, huyện, thị xã.

Bên cạnh đó, trong tuần đã ghi nhận 2 ổ dịch tay chân miệng tại Phúc La, Hà Đông và ổ dịch tại phường Thịnh Quang, Đống Đa. Cộng dồn từ đầu năm 2025 ghi nhận 8 ổ dịch, còn 4 ổ dịch đang hoạt động tại quận Hà Đông và Đống Đa.

Theo CDC Hà Nội nhận định, số mắc tay chân miệng đang có xu hướng tăng theo chu kỳ dịch hằng năm, chủ yếu là ca bệnh tản phát, ghi nhận một số ổ dịch ở trường mầm non và cộng đồng, dự báo số mắc sẽ tiếp tục tăng.

Tại quận Đống Đa cho thấy, tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn quận ghi nhận 89 ca mắc tay chân miệng, trong đó, trên địa bàn phường Thịnh Quang mới ghi nhận 2 ca mắc tay chân miệng.

Tại buổi giám sát, Phó chủ tịch UBND phường Thịnh Quang Ngô Vân Anh cho biết, ngay khi phát hiện 2 ca mắc tay chân miệng trên địa bàn phường, cán bộ Trung tâm y tế quận Đống Đa phối hợp với Trạm y tế phường Thịnh Quang đã tiến hành điều tra, giám sát, khử khuẩn tại trường học và gia đình bệnh nhân bằng Cloramin B. Nhà trường đã tăng cường chủ động thực hiện các biện pháp khử khuẩn và tiến hành vệ sinh lớp học, dụng cụ học tập, đồ chơi hàng ngày của trẻ... Bên cạnh đó, công tác truyền thông phòng chống dịch thực hiện tuyên truyền hàng ngày trên hệ thống loa truyền thanh của phường, tổ dân phố. Phường cũng đã ban hành kế hoạch, yêu cầu các trường học trên địa bàn tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh tay chân miệng và các dịch bệnh khác, chủ động giám sát phát hiện sớm các ca bệnh tại cộng đồng và trường học để triển khai khoanh vùng, xử lý kịp thời, không để dịch lan rộng...

Giám sát chặt chẽ phòng, chống bệnh tay chân miệng - Ảnh 2.

Nhà trường tăng cường công tác khử trùng dụng cụ, đồ chơi... của trẻ. Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Đoàn công tác CDC Hà Nội trực tiếp giám sát công tác phòng, chống bệnh tay chân miệng tại Trường Mầm Non Thế Giới Trẻ Thơ, ngõ Thái Thịnh, phường Thịnh Quang, quận Đống Đa. Đại diện nhà trường cho biết, ngay sau khi nhà trường phát hiện ca bệnh tay chân miệng đã thông báo cho Trạm y tế phường để được hướng dẫn thực hiện các biện pháp xử lý ổ dịch.

Theo đó, Trạm y tế phường Thái Thịnh đã cử cán bộ chuyên trách phòng chống dịch trực tiếp xuống điểm trường phối hợp với nhà trường tổ chức thực hiện các biện pháp xử lý dịch. Trạm đã cấp phát Cloramin B cho nhà trường và hướng dẫn cách pha dung dịch Cloramin B để thực hiện khử trùng dụng cụ, đồ chơi, lau sàn nhà, tay vịn cầu thang, tay nắm cửa...; đồ dùng học sinh như ca, cốc, khăn mặt của trẻ được sử dụng riêng biệt; các cô giáo sát sao theo dõi sức khỏe của trẻ hằng ngày...

Công tác xử lý ổ dịch tại trường mầm non cơ bản được thực hiện đúng theo quy định. Đồng thời, cán bộ Trung tâm y tế quận Đống Đa phối hợp với trạm y tế phường tổ chức điều tra, giám sát ca bệnh tại cộng đồng, xung quanh khu vực ghi nhận ca mắc theo quy định; hướng dẫn hộ gia đình vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, đồ dùng, đồ chơi của trẻ đảm bảo; tuyên truyền đến người dân nâng cao nhận thức và thực hiện các biện pháp phòng bệnh, bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng.

Giám sát chặt chẽ phòng, chống bệnh tay chân miệng - Ảnh 3.

Công tác vệ sinh lớp học, cầu thang, sàn nhà được duy trì, tăng cường để chủ động phòng bệnh cho trẻ. Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Qua giám sát thực tế, đoàn công tác CDC Hà Nội ghi nhận và đánh giá cao Trung tâm y tế quận Đống Đa và phường Thịnh Quang đã vào cuộc quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng. Tuy nhiên, lưu ý Trung tâm Y tế quận Đống Đa và trạm y tế phường tiếp tục theo dõi tình hình dịch bệnh trên địa bàn, tăng cường giám sát, chủ động phát hiện sớm ca bệnh tại cộng đồng; tổ chức điều tra và xử lý ca bệnh theo quy định; trạm y tế thực hiện việc điều tra, lập danh sách các trẻ tiếp xúc gần với bệnh nhân để theo dõi sức khỏe theo quy định, thực hiện công tác giám sát, hướng dẫn và hỗ trợ công tác vệ sinh, khử khuẩn tại các cơ sở giáo dục có ổ dịch tay chân miệng đang hoạt động.

Tăng cường công tác tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng bằng nhiều hình thức như phát thanh trên hệ thống truyền thanh, sử dụng loa lưu động, treo băng rôn, khẩu hiệu, sử dụng nhóm zalo, phát từ rơi tuyên truyền trực tiếp tại hộ gia đình để nâng cao nhận thức của người dân trong việc chủ động phòng, chống dịch bệnh...

Đối với nhà trường cần tiếp tục tăng cường và duy trì công tác vệ sinh khử khuẩn, vệ sinh lớp học, đồ dùng học tập; có sổ sách theo dõi sức khỏe học sinh; không để học sinh sử dụng chung ca cốc để uống nước; đảm bảo sử dụng nguồn nước sạch theo quy định. Song song với công tác phòng, chống bệnh tay chân miệng thì cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh khác như sốt xuất huyết, sởi,cúm mùa...

Để chủ động phòng, chống bệnh tay chân miệng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng cần thực hiện các biện pháp rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ; thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi).

Đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng; thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh; sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh; khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.

Thiện Tâm

Top