Giáo dục và Đào tạo Thủ đô cần tiên phong trên nhiều lĩnh vực

15/08/2022 2:12 PM

(Chinhphu.vn) - Với thuận lợi và vị thế của Thủ đô, năm học 2022-2023, ngành GD&ĐT Hà Nội cần tiên phong triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, khắc phục dần sự chênh lệch về chất lượng giáo dục giữa các địa bàn…

Giáo dục và Đào tạo Thủ đô cần tiên phong trên nhiều lĩnh vực - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại hội nghị - Ảnh: VGP/Gia Huy

Đây là một trong các nhiệm vụ được đặt ra với ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội tại hội nghị tổng kết năm học 2021-2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2022-2023 sáng 15/8.

Quy mô mạng lưới trường lớp ngày càng mở rộng

Năm học 2021-2022, về quy mô mạng lưới trường lớp, Hà Nội đã hoàn thành công tác rà soát toàn bộ mạng lưới trường học đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Theo đó, tính đến hết tháng 6/2022, toàn Thành phố có trên 2.800 trường, trên 70.000 lớp, hơn 2,2 triệu học sinh; trên 138.000 giáo viên; trên 72.700 phòng học; 120 trường đại học, cao đẳng thuộc các Bộ, ngành trên địa bàn Thành phố, với gần 1 triệu sinh viên, học viên.

Các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ dạy và học trong nhà trường tiếp tục được đầu tư theo hướng chuẩn hóa, đồng bộ, hiện đại.

Năm học 2021-2022, khối các trường trực thuộc Sở đã được Thành phố quan tâm xây mới, thành lập mới 6 trường học các cấp với tổng mức đầu tư khoảng 920 tỷ đồng; cải tạo, sửa chữa 45 trường với tổng kinh phí khoảng 166 tỷ đồng; bố trí 204 tỷ đồng để mua sắm bổ sung trang thiết bị dạy học tối thiểu cho các trường trực thuộc.

Đến tháng 6/2022, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia toàn Thành phố là 64,3%, trong đó, trường công lập là 79%. Thành phố cũng đã triển khai công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng 7 trường liên cấp tiên tiến, hiện đại có diện tích 5 ha trở lên trên địa bàn Thành phố.

Ngay từ đầu năm học, toàn ngành đã tiếp triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 bảo đảm chất lượng, hiệu quả; chuẩn bị các điều kiện thực hiện dạy học môn Tin học và môn Ngoại ngữ bắt đầu triển khai đối với lớp 3 từ năm học 2022-2023; tổ chức biên soạn, thẩm định, tài liệu giáo dục địa phương theo lộ trình quy định.

Giáo dục Tiểu học đã có 100% trường ưu tiên thực hiện đảm bảo tỉ lệ 1 phòng học/lớp, cơ sở vật chất, giảm sĩ số học sinh/lớp đối với học sinh lớp 1, 2; đảm bảo tỉ lệ giáo viên/lớp và cơ cấu giáo viên để thực hiện dạy học các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, các môn học tự chọn theo quy định của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Giáo dục phổ thông đã triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 6; Chương trình Giáo dục phổ thông 2006 đối với lớp 7-12. Các trường THCS, trung học phổ thông đã xây dựng kế hoạch dạy học của từng tổ nhóm, phân môn của môn học và đã bước đầu tiến hành các hoạt động dạy học theo chuyên đề nhằm định hướng phát triển năng lực học sinh, có đủ thời lượng dành cho luyện tập, ôn tập, thí nghiệm, thực hành, tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo và kiểm tra định kỳ.

Trong năm học qua, học sinh Thủ đô đã khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước trong các kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia, Quốc tế với 125 học sinh đạt giải tại các Kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia, trong đó có 07 giải Nhất, 37 giải Nhì, 33 giải Ba và 48 giải Khuyến khích; tại các kỳ thi cấp quốc tế, học sinh Hà Nội tiếp tục khẳng định tài năng với 63 huy chương, giải thưởng.

Công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác GD&ĐT có nhiều tiến bộ. Sở GD&ĐT Hà Nội đã tổ chức triển khai Trung tâm điều hành giáo dục thông minh thành phố Hà Nội phục vụ công tác quản trị, điều hành các hoạt động giáo dục trên toàn Thành phố. Các kỳ thi chuyển cấp được tổ chức nghiêm túc, an toàn và chất lượng. Hệ thống tuyển sinh trực tuyến vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6 và lớp 10 hoạt động hiệu quả, được nhân dân ủng hộ.

Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn

Bên cạnh kết quả đạt được, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, các quận nội thành vẫn gặp khó khăn về việc bố trí quỹ đất để xây dựng trường học; một số khu đô thị có chung cư cao tầng, trường học chưa đáp ứng được nhu cầu, số học sinh trên một lớp vượt quá quy định.

Quá trình thực hiện công tác chuẩn bị, tổ chức triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 năm học 2022 - 2023 cũng gặp một số khó khăn như: cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học chưa thật đồng bộ; giáo viên ở một số môn mới, môn "tích hợp" và hoạt động giáo dục bắt buộc còn thiếu và cần phải đào tạo, bổi dưỡng. Tiến độ công tác triển khai thực hiện bộ tài liệu giáo dục địa phương chưa đảm bảo kế hoạch đề ra.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội thực hiện bảo đảm chất lượng giáo dục, vừa củng cố kiến thức, vừa dạy kiến thức mới; triển khai tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018; tích cực đổi mới phương pháp dạy học; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và tăng cường xã hội hoá.

Tại hội nghị, Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Văn Phong đề nghị ngành GD&ĐT Hà Nội nhận diện rõ những vấn đề còn bất cập, khó khăn để có giải pháp khắc phục, trong đó quan tâm đến vấn đề tư vấn tâm lý học đường; tăng cường sự phối hợp giữa gia đình - nhà trường - xã hội; triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục.

Toàn ngành cũng cần tập trung mọi nguồn lực xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, nâng tỷ lệ trường đạt chuẩn mức độ 2; xây dựng một số trường liên cấp hiện đại; nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo…

Với thuận lợi và vị thế của Thủ đô, năm học 2022-2023, ngành GD&ĐT Hà Nội cần tập trung thực hiện 3 nhóm việc: Tiên phong triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế; mạnh dạn tham mưu đề xuất các cơ chế, chính sách mới; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, khắc phục dần sự chênh lệch về chất lượng giáo dục giữa các địa bàn.

Đồng thời, ngành GD&ĐT Hà Nội cần quan tâm giáo dục sáng tạo trong nhà trường; đẩy mạnh công tác giáo dục địa phương để nâng cao giáo dục truyền thống, giáo dục lòng yêu nước, lòng nhân ái cho học sinh.

Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, trong năm học mới, ngành tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; nâng cao chât lượng giáo dục mũi nhọn. Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục thể chất cho học sinh; xây dựng trường học an toàn, thân thiện, tích cực.

Ngoài ra, Chủ động mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về giáo dục; mở rộng các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài. Tiếp tục triển khai thực hiện chương trình đào tạo song bằng trong trường phổ thông và các cuộc thi quốc tế; nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn tại các trường chuyên, trường chất lượng cao, góp phần tạo nguồn, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Gia Huy

Top