Gìn giữ di sản trong tái thiết đô thị

11/05/2023 12:13 PM

(Chinhphu.vn) - Với những giá trị di sản còn hiện hữu, khu phố cổ Hà Nội thu hút một lượng lớn du khách trong và ngoài nước khi đến Hà Nội. Chính vì vậy, việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản khu phố cổ Hà Nội luôn nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền cũng như các nhà khoa học và của cả cộng đồng.

Gìn giữ di sản trong tái thiết đô thị - Ảnh 1.

Khu Phố cổ Hà Nội bao gồm 78 tuyến phố với nhiều công trình nhà ở có giá trị. Ảnh: VGP/Thành Nam

"Hồn cốt" của kinh đô Thăng Long

Nằm cạnh hồ Hoàn Kiếm, khu Phố cổ Hà Nội bao gồm 78 tuyến phố, được xác định bởi phía Bắc là phố Hàng Đậu; phía Tây là phố Phùng Hưng; phía Nam là các phố Hàng Bông, Hàng Gai, Cầu Gỗ và Hàng Thùng; phía Đông là đường Trần Quang Khải và Trần Nhật Duật; với 121 công trình, di tích đền, chùa, miếu và nhiều công trình nhà ở có giá trị, trong đó có hơn 200 công trình nhà ở có giá trị đặc biệt. Có thể kể đến những di tích nổi tiếng như: Ngôi nhà cổ 87 Mã Mây, đình Đồng Lạc, đền Bạch Mã, đình Kim Ngân...

Các nhà khoa học, nhà quản lý đều khẳng định rằng các giá trị của khu Phố cổ Hà Nội là yếu tố quan trọng để nhận diện bản sắc văn hóa đô thị Hà Nội. Các giá trị này không chỉ là những di tích, ngôi nhà cổ với những đặc thù về quy hoạch, xây dựng, kiến trúc, với những dấu tích lịch sử, mà còn là những giá trị văn hóa tồn tại bên trong từng ngôi nhà, từng con người thông qua nét sinh hoạt thường nhật, những hoạt động ẩm thực, lễ hội…

PGS. TS Đặng Văn Bài, Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia cho rằng, nhìn từ góc độ di sản đô thị, Phố cổ Hà Nội là bộ phận cấu trúc đô thị điển hình của một đô thị cổ. Với hình thức kiến trúc dân gian, Phố cổ Hà Nội phản ánh dạng thức kiến trúc của nhiều thời kỳ lịch sử của Thủ đô.

Cùng với đó, khu Phố cổ Hà Nội chứa đựng các giá trị phi vật thể đa dạng, hấp dẫn, từ nếp sống sinh hoạt của người dân, văn hóa ẩm thực, nghệ thuật dân gian, lễ hội truyền thống… Từ những giá trị đó, Khu phố cổ Hà Nội đã được công nhận là Di tích Lịch sử cấp Quốc gia.

NSND Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội cho rằng, khu vực phố cổ chứa đựng "hồn cốt" của kinh đô Thăng Long, có vai trò quan trọng trong đời sống của người dân Thăng Long xưa và Hà Nội nay.

Phố cổ là nguồn cảm hứng cho các văn nghệ sĩ sáng tạo nên các tác phẩm văn học, nghệ thuật đặc sắc. Các lĩnh vực văn học, nghệ thuật như kiến trúc, văn nghệ dân gian, văn học, điện ảnh, múa, sân khấu, nhiếp ảnh, mỹ thuật… đều có đóng góp tích cực trong việc góp phần bảo tồn di sản phố cổ.

Tuy nhiên, trước nhu cầu phát triển của một đô thị hiện đại, những giá trị to lớn đó đang đối mặt với nhiều thách thức. Theo thời gian, diện mạo khu phố cũ cũng đang dần biến đổi do bị tác động bởi khí hậu, thời tiết, quá trình đô thị hóa, sự phát triển kinh tế, gia tăng dân số… Nhiều công trình hiện bị xuống cấp nghiêm trọng. Một số công trình có nguy cơ sụp đổ, gây nguy hiểm cho người sử dụng….

Tôn tạo và phát huy giá trị di sản 

Với những giá trị di sản còn hiện hữu, khu Phố cổ Hà Nội thu hút một lượng lớn du khách trong và ngoài nước khi đến Hà Nội. Chính vì vậy, việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản khu phố cổ Hà Nội luôn nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền cũng như các nhà khoa học và của cả cộng đồng.

Gìn giữ di sản trong tái thiết đô thị - Ảnh 2.

Nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật được diễn ra tại khu Phố cổ. Ảnh: VGP/Thành Nam

Theo bà Trần Thị Thuý Lan, Phó Trưởng ban Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội, trong thời gian qua, công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị di sản trong khu phố cổ Hà Nội và khu vực hồ Hoàn Kiếm đã đạt được một số kết quả nhất định.

Theo đó, các giá trị di sản vật thể luôn được quan tâm bảo tồn, tôn tạo (giải phóng mặt bằng, trùng tu, tôn tạo 22 di tích; bảo tồn được 24 nhà ở có giá trị); các giá trị di sản phi vật thể được phục hồi và phát huy (khôi phục 14 lễ hội, gồm 7 lễ hội cấp quận và 7 lễ hội cấp phường); hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị được quan tâm đầu tư, cải tạo, chỉnh trang theo hướng văn minh, chất lượng cao (cải tạo, lát vỉa hè 79/79 tuyến phố bằng đá tự nhiên kết hợp với hạ ngầm các đường thoát nước; thanh thải, sắp xếp đường dây, cáp đi nổi trên 79 tuyến phố trong khu Phố cổ; chỉnh trang mặt đứng gần 50 tuyến phố...).

Đối với việc bảo tồn giá trị các khu phố cũ với các công trình mang kiến trúc Pháp, quận Hoàn Kiếm tập trung nguồn lực, kinh phí để trùng tu, tôn tạo các công trình như: Trụ sở Công an quận Hoàn Kiếm (số 2 phố Tràng Thi), trụ sở Công an phường Cửa Đông (số 18 phố Nguyễn Quang Bích), trường Mầm non 1-6 (số 23 Nguyễn Quang Bích), Trường Trung học Cơ sở Trưng Vương (26 Hàng Bài)...

"Diện mạo khu phố cổ Hà Nội và khu vực hồ Hoàn Kiếm đã có nhiều đổi thay ngày càng khang trang, sạch đẹp, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước, góp phần ổn định cho nguồn thu ngân sách quận", bà Trần Thị Thuý Lan cho hay .

Hiện nay, nhiều di tích và không gian đô thị trong khu phố cổ Hà Nội, sau khi tu bổ, tôn tạo đã trở thành nơi sinh hoạt văn hóa, giao lưu nghệ thuật, tổ chức triển lãm, hội thảo, tọa đàm giới thiệu nghề truyền thống gắn với phố nghề, làng nghề, góp phần phát huy giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của khu phố cổ Hà Nội…

Không thể phủ nhận, trong tiến trình phát triển qua hơn 10 thế kỷ của Hà Nội, khu vực phố cổ như một thực thể sống mạnh mẽ, là nơi chứa đựng nhiều giá trị di sản đặc sắc. Trước thách thức của quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa và hội nhập, với bản sắc riêng có của mình, khu phố cổ Hà Nội luôn thích nghi để tồn tại và phát triển.

Tuy nhiên, để giải quyết được những tồn tại, thách thức trong việc bảo tồn di sản phố cổ Hà Nội, để xứng đáng với danh hiệu là Di tích Quốc gia trong giai đoạn tới cần có sự quan tâm của cả hệ thống chính trị, của Đảng, Nhà nước, TP. Hà Nội, của cộng đồng, các tổ chức xã hội nghề nghiệp và các tổ chức quốc tế.

Thành Nam

Top