Giữ gìn và phát huy vẻ đẹp của sen trong đời sống người Việt
(Chinhphu.vn) - Sen không chỉ mang giá trị văn hóa, giá trị tinh thần mà còn mang lại giá trị kinh tế rất lớn. Để nâng tầm cho giá trị của cây sen cũng như thu hút khách du lịch đến với Tây Hồ, quận Tây Hồ đã triển khai Lễ hội Sen Hà Nội được tổ chức từ ngày 12- 16/7.
Biểu tượng quan trọng trong đời sống văn hóa, tâm linh người Việt
Đánh giá tầm quan trọng của biểu tượng hoa sen trong đời sống văn hóa, tâm linh người Việt, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội chia sẻ, đến nhiều nước trên thế giới, ông nhận thấy, hoa sen là biểu tượng của nhiều quốc gia châu Á. Ở nước ta, hoa sen rất có ý nghĩa và hoàn toàn xứng đáng là Quốc hoa.
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, trong đời sống, hoa sen là biểu tượng cho sự trong sáng, thuần khiết. Trong Phật giáo, đây là biểu tượng phổ quát, thể hiện cho sự giác ngộ, từ bi. Và một trong những biểu tượng Phật giáo đẹp nhất ở nước ta là chùa Một Cột - đóa hoa sen giữa lòng Hà Nội. Bên cạnh Phật giáo, trong Lão giáo và Nho giáo, hoa sen cũng được sử dụng và biểu tượng cho sự bình an, thanh khiết.
Ngoài ra, hoa sen cũng đi vào văn học, nghệ thuật với những bài thơ, văn, ca khúc được nhiều người biết đến, mang ý nghĩa đối với đời sống tinh thần. Đặc biệt, lĩnh vực kiến trúc, hoa sen được sử dụng nhiều, thể hiện sự tinh tế, nghệ thuật…
Hoa sen sống trong đầm lầy, vươn lên từ vũng bùn, nở ra thành bông hoa tinh khiết. Bởi vậy, trong đời sống văn hóa của người Việt Nam, bùn lầy thể hiện cho sự tham-sân-si trong đời sống, khiến tâm hồn con người bị vẩn đục, còn hoa sen giống như phẩm chất cao quý của người Việt, vượt lên trên tất cả để nở rộ thanh tao.
Bên cạnh đó, hoa sen cũng gắn liền với hình ảnh của người con gái Việt Nam, nét đẹp tinh khôi, duyên dáng kiêu kỳ nhưng luôn dịu dàng, chịu thương, chịu khó-những phẩm chất vốn có của người phụ nữ Việt.
Giống sen quý Bách Diệp đang được nhân rộng thành công
Giám đốc Công ty TNHH Thung lũng hoa hồ Tây Bùi Mạnh Hiếu cho biết, ông là người trồng sen lâu năm ở Tây Hồ. Đồng thời, ông cũng là người đã mang giống sen quý Bách Diệp nhân rộng thành công ở một số địa điểm trên địa bàn Hà Nội.
Chia sẻ đôi nét về giá trị của sen trong đời sống kinh tế, tinh thần của người Tây Hồ, ông Bùi Mạnh Hiếu kể, từ xa xưa, người Tây Hồ nói chung và người Quảng An, Nhật Tân nói riêng, đã biết cho trà vào hoa sen để ướp và hứng những giọt nước mưa đêm trên lá sen để thưởng trà sen, lấy gạo sen để ướp trà sen khô, là một đặc sản của người Tây Hồ. Khi uống trà sen hồ Tây, hương thơm ngọt của vị sen, vị chát của trà hòa quyện vào nhau làm cho người thưởng trà sen nhớ mãi.
"Vào thế kỷ trước, cuộc sống khó khăn nên việc thưởng trà sen chỉ dành cho những nghệ nhân biết thưởng trà và những bậc vương giả. Từ những năm 2000 trở lại đây, việc ướp trà sen bông tươi, được bảo quản trong ngăn đá tủ lạnh, dùng quanh năm đã trở thành một đặc sản của người Hà Nội và là món quà biếu không thể thiếu trong các dịp quan trọng", ông Hiếu cho biết.
Nói về loài hoa đặc biệt của vùng đất Tây Hồ, ông Bùi Mạnh Hiếu thông tin thêm: Sen hồ Tây được gọi là Bách Diệp sen tức là hoa sen 100 cánh, có hương thơm ngọt, gạo trắng, trồng ở thổ nhưỡng hồ Tây, tạo nên một đặc sản mà không nơi nào có được. Bởi nếu đem giống sen Bách Diệp mang đi trồng ở những vùng lân cận sẽ có chất lượng khác hơn, gạo sen có màu trắng ngà. Khi lấy gạo cùng 1.000 bông hoa sen thì sen hồ Tây sẽ cho 1,2-1,3kg gạo sen, còn sen những vùng khác thì chỉ cho sản lượng 0,8-0,9kg gạo sen.
Cũng theo ông Hiếu, năm 2018, sen Tây Hồ đột nhiên không sinh trưởng, sau nhiều thử nghiệm nghiên cứu, ông đã tìm được nguyên nhân và trồng lại được hoa sen Bách Diệp, mang đến mùa thu hoạch bội thu.
600ha trồng sen và sản phẩm từ sen đạt OCOP 5 sao, 4 sao
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Đình Hoa cho biết: Không chỉ chiếm vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của người Việt, cây sen ngày nay còn mang lại những giá trị kinh tế thiết thực.
Với trí tuệ, bàn tay tài khéo của các nghệ nhân, doanh nhân, cây sen đã trở thành nguyên liệu chính để làm nên nhiều sản phẩm thiết yếu phục vụ cuộc sống hằng ngày của người Việt, trong đó có nhiều sản phẩm OCOP được người tiêu dùng ưa chuộng; được bạn bè quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.
Tại Hà Nội, cây hoa sen không chỉ được khai thác sản phẩm hoa, hạt sen tươi, củ sen, hạt sen khô, trà tâm sen, hoa sen, trà ướp hoa sen, trà lá sen..., mà các nghệ nhân làng nghề còn sử dụng cây hoa sen làm nguyên liệu để tạo ra các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ lá sen như túi lá sen, nón lá sen...
Nhiều sản phẩm từ sen đã được công nhận OCOP tiêu biểu như: Khăn lụa tơ sen (tiềm năng 5 sao); trà sen Quảng An (4 sao), trà sen Mê Linh (4 sao) và các sản phẩm OCOP 3 sao như: Giò sen, xôi cốm sen, chè long nhãn sen, mứt sen, sữa sen... được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới, được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng.
Những năm gần đây, Hà Nội đã đẩy mạnh khuyến khích người dân trồng sen từ việc chuyển đổi diện tích đồng trũng, đất hồ ao, ruộng bỏ hoang hóa, kém hiệu quả. Hà Nội hiện có diện tích trồng sen khoảng 600ha, tập trung ở Mỹ Đức, Mê Linh, Ba Vì, Thanh Oai, Thường Tín, Phú Xuyên, Sóc Sơn, Phúc Thọ, Ứng Hòa…
Nhằm phát huy hết lợi thế, để mở rộng diện tích trồng sen trên địa bàn, những năm qua, Sở NN&PTNT Hà Nội đã chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông triển khai các mô hình khuyến nông trình diễn đưa các giống sen mới chất lượng thích ứng với biến đổi khí hậu vào sản xuất. Mô hình đã được triển khai tại Mê Linh, Mỹ Đức, Thạch Thất và quận Tây Hồ với tổng diện tích gần 30ha.
Đặc biệt với Tây Hồ, nhằm khôi phục, phát triển và nhân rộng giống sen Bách Diệp, năm 2024, UBND quận Tây Hồ đã phối hợp với Sở NN&PTNT Hà Nội và Viện Nghiên cứu rau quả (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) triển khai thực hiện dự án "Xây dựng mô hình mẫu sản xuất sen gắn với phát triển du lịch sinh thái theo chuỗi giá trị tại Tây Hồ - Hà Nội". Mô hình được triển khai thí điểm tại các hồ Đầu Đồng và Thủy Sứ (phường Quảng An) với diện tích 7ha. Mô hình được Sở NN&PTNT hỗ trợ 50% giống sen Bách Diệp (tương đương 7.000 cây), 50% vật tư, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật…
Quảng bá thương hiệu sen với du khách trong nước và quốc tế
Bày tỏ ấn tượng về nỗ lực tổ chức Lễ hội Sen Hà Nội lần thứ nhất, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội đưa ra một số gợi ý trong việc quảng bá thương hiệu sen Tây Hồ cũng như hình ảnh của Hà Nội, của Việt Nam với du khách trong và ngoài nước.
Ông Sơn cho biết: "Hà Nội đang tập trung phát triển công nghiệp văn hóa và đây là hoạt động đóng góp tích cực nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa độc đáo của Thủ đô, của Tây Hồ, làm gia tăng giá trị của sen trong đời sống.
Cùng với Lễ hội Sen Hà Nội sắp tới, quận Tây Hồ sẽ phối hợp Sở Du lịch Hà Nội khai thác thêm giá trị mới từ sen, xây dựng tour, tuyến mới để phát triển sản phẩm du lịch gắn với đề án phát triển du lịch bền vững trên địa bàn quận.
Tại Lễ hội Sen Hà Nội lần này, Sở phối hợp với quận Tây Hồ xây dựng khu trưng bày, quảng bá sản phẩm OCOP với quy mô 100 gian hàng. Đây là cơ hội để các chủ thể OCOP của Hà Nội giới thiệu sản phẩm với người tiêu dùng và khách tham quan.
Điểm nhấn lần này, Sở mời các tỉnh có vùng trồng sen tham gia để trưng bày quảng bá các sản phẩm sen. Ngoài sản phẩm OCOP còn có nhiều sản phẩm từ sen và lấy ý tưởng từ sen. Đến nay đã có gần 200 doanh nghiệp, cơ sở ở Hà Nội và các tỉnh đăng ký tham gia sự kiện này.
Đánh giá về tác dụng giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP, đặc biệt là những sản phẩm từ sen thông qua Lễ hội Sen sắp được tổ chức, ông Nguyễn Đình Hoa, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội thông tin: Từ năm 2022 đến nay, Sở NN&PTNT Hà Nội đã liên kết với 62 tỉnh, thành phố trên cả nước xây dựng chuỗi liên kết sản phẩm phục vụ cho trên 10 triệu dân Thủ đô và du khách đến Hà Nội.
Hà Nội với vị thế là Thủ đô nên có lợi thế tập trung rất đông các nhà khoa học để hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp. Hà Nội cũng có trên 1.400 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chế biến; hơn 1.350 làng nghề và làng nghề truyền thống… Đây là tiềm năng rất lớn để phát triển sản phẩm OCOP và trên thực tế, Hà Nội đã có 2.723 sản phẩm OCOP, nhiều nhất cả nước. Trong đó, sản phẩm khăn lụa tơ sen của Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức là sản phẩm OCOP tiềm năng 5 sao.
Bên cạnh đó, tại sự kiện, ban tổ chức đã chuẩn bị bức tranh Thăng Long huyền thoại hoa cao 4m, rộng 10m được các nghệ nhân cắm bởi hơn 30.000 bông hoa sen và các sản phẩm từ sen; chân dung Bác Hồ cao 1,6m, rộng 2,2m được ghép bởi 99.496 bức ảnh bông hoa sen từ các vùng miền thể hiện tình yêu hoa sen và sự tôn kính Bác Hồ của nhân dân Thủ đô và cả nước.
Minh Thúy