Gỡ vướng mắc nhằm sớm cải tạo, phục hồi nhà cổ, biệt thự cũ
(Chinhphu.vn) - Sáng 31/8, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hà Nội tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết của HĐND Thành phố về “Việc sửa đổi, bổ sung Khoản 2 Điều 10 Nghị quyết số 17/2013/NQ-HĐND ngày 23/7/2013 của HĐND TP. Hà Nội về một số biện pháp cải tạo, phục hồi nhà cổ, biệt thự cũ và công trình kiến trúc xây dựng trước năm 1954 trên địa bàn TP. Hà Nội (viết tắt Nghị quyết 17).
Sự cần thiết phải điều chỉnh
Theo Dự thảo Nghị quyết của HĐND TP. Hà Nội, sửa đổi Khoản 2 Điều 10 của Nghị quyết số 17 nêu rõ: "Trên cơ sở phân nhóm tại Khoản 1 Điều này, UBND Thành phố quyết định các trường hợp là nhà cổ, biệt thự cũ và công trình kiến trúc xây dựng trước năm 1954 đã hư hỏng, xuống cấp, nguy hiểm cần cải tạo, phục hồi, phá dỡ, xây dựng lại, sau khi có ý kiến thống nhất của Thường trực HĐND Thành phố".
Theo thống kê, trên địa bàn thành phố có khoảng 1.216 công trình nhà biệt thự cũ được xây dựng từ trước năm 1954, với đa dạng hình thức sở hữu; khoảng 1.579 nhà chung cư cũ, tập trung chủ yếu tại các quận.
Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, năm 2013, HĐND Thành phố đã ban hành Nghị quyết 17 về một số biện pháp cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ, nhà cũ xuống cấp và công tác cải tạo, phục hồi nhà cổ, biệt thự cũ và các công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954.
Đối với nội dung cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ, nhà cũ xuống cấp, hiện nay các sở ngành, UBND các quận, huyện đang khẩn trương triển khai Đề án và các kế hoạch triển khai Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn Thành phố theo Nghị quyết số 25/NQ-HĐND và Quyết định số 5289/QĐ-UBND….Như vậy, Thành phố vẫn đang tiếp tục triển khai Nghị quyết số 17 và các quy định tại Nghị quyết này về công tác cải tạo xây dựng lại chung cư cũ vẫn phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành.
Đối với nội dung cải tạo, phục hồi nhà cổ, biệt thự cũ và các công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954: Hiện nay, một số nhà cổ, biệt thự cũ, công trình kiến trúc khác đã xuống cấp, nguy hiểm, cần có ngay biện pháp cải tạo phục hồi, phá dỡ, xây dựng lại; một số tổ chức, cá nhân đã chủ động tự bỏ kinh phí thực hiện việc kiểm định, đánh giá chất lượng và lập hồ sơ xin cải tạo, phục hồi, xây dựng lại theo đúng quy định tại Nghị quyết 17 của HĐND TP và Quyết định số 52/2013/QĐ-UBND của UBND TP, tuy nhiên việc phê duyệt chủ trương cho phép cải tạo, phục hồi, phá dỡ, xây dựng lại công trình đang vướng mắc.
Cụ thể, việc quy định UBND Thành phố lập danh mục nhà cổ, biệt thự cũ và công trình kiến trúc khác đã hư hỏng, xuống cấp, nguy hiểm để trình HĐND Thành phố phê duyệt danh mục tại Khoản 2, Điều 10, Nghị quyết số 17 khó thực hiện trên thực tế vì các đơn vị chưa xây dựng xong danh mục nhà cổ và công trình kiến trúc khác; chưa bố trí kịp thời kinh phí để thực hiện việc kiểm định, đánh giá chất lượng và kinh phí bảo tồn, cải tạo, chỉnh trang công trình.
Theo quy định tại Nghị định số 06/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý chất lượng công trình, yêu cầu các chủ sở hữu, quản lý công trình phải tự bỏ kinh phí để thực hiện việc kiểm định chất lượng công trình cũng như đầu tư, cải tạo, phục hồi, xây dựng lại công trình…
Việc quy định HĐND Thành phố quyết định danh mục nhà cổ, biệt thự cũ và công trình kiến trúc khác đã hư hỏng, xuống cấp, nguy hiểm cần cải tạo, phục hồi, phá dỡ, xây dựng lại (tại Khoản 2 Điều 10 Nghị quyết 17) sẽ không đáp ứng kịp thời đối với công trình nguy hiểm, có nguy cơ sập đổ, ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của người sử dụng công trình, tiến độ thực hiện các dự án cải tạo, bảo tồn, chỉnh trang 24 biệt thự cũ, 8 công trình kiến trúc khác theo Chương trình số 03-CTr/TU.
Vì vậy, Khoản 2 Điều 10 Nghị quyết 17 cần được điều chỉnh theo hướng giao cho UBND Thành phố quyết định sau khi có ý kiến thống nhất của Thường trực HĐND Thành phố.
Cần bổ sung cơ chế quản lý sử dụng sau cải tạo
Tại hội nghị, đa số các chuyên gia, nhà khoa học đều đồng tình với việc cần thiết phải sửa đổi Khoản 2 Điều 10 Nghị quyết 17. Tuy nhiên, việc sửa đổi, điều chỉnh cần đáp ứng nhu cầu thực tiễn và phải phù hợp với luật pháp. Đồng thời, ngoài đưa ra một số biện pháp cải tạo, phục hồi nhà cổ, biệt thử cũ và công trình kiến trúc xây dựng trước năm 1954 trên địa bàn TP. Hà Nội cũng cần đề cập đến vấn đề quản lý sử dụng sau cải tạo.
TS Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh, Thủ đô Hà Nội có nhiều công trình kiến trúc văn hóa, lịch sử cần thiết phải cải tạo và bảo tồn. Việc sửa đổi nội dung tại Nghị quyết cần đáp ứng nhu cầu thực tiễn, mong muốn của nhân dân và phù hợp với pháp luật.
"Tôi đề nghị nên căn cứ vào các luật như Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương…, sau đó bổ sung, sửa đổi. Bên cạnh đó, cần có biện pháp tích cực hơn để thực hiện những công tác quản lý khu biệt thự, bảo đảm tính mỹ quan, độ an toàn cho người dân mà vẫn giữ được những nét văn hóa, di tích lịch sử của Thủ đô", ông Dĩnh nói.
Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ-Pháp luật của Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hà Nội Phạm Ngọc Thảo hoàn toàn ủng hộ sự cần thiết phải sửa đổi Khoản 2, Điều 10 Nghị định 17 nhưng cho rằng vẫn chưa đủ và cần bổ sung thêm cơ chế quản lý sử dụng sau khi sửa chữa, cải tạo.
Đồng thời, đề nghị đưa ra được dự toán đầu tư ngân sách cho các công trình cần sửa chữa ngay là bao nhiêu và cần gắn trách nhiệm của từng thành phần, như phân loại từng dạng công trình và người dân bao nhiêu phần trăm, nhà nước hỗ trợ bao nhiêu; cần có cơ chế rõ ràng.
Nhiều ý kiến tại hội nghị cũng cho rằng, cần thiết điều chỉnh để tạo biện pháp tình thế, góp phần cải tạo sớm các biệt thự cũ nguy hiểm, xuống cấp…Song song với đó, Mặt trận cũng cần tăng cường công tác tuyên truyên để nâng cao ý thức sử dụng, bảo vệ nhà cổ, biệt thự cũ do người dân đang sử dụng.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, vừa qua, HĐND Thành phố đã phối hợp với UBND Thành phố tổ chức tổng kết 10 năm việc thực hiện Nghị quyết 17, trên cơ sở tổng kết đó, xác định một nội dung cấp bách, đó chính là Khoản 2, Điều 10, cần phải sửa đổi bổ sung kịp thời, phù hợp với thực tiễn.
Việc tổng kết 10 năm của Nghị quyết 17 cũng nhận định là cơ chế, chính sách, tổ chức hoạt động liên quan đến cải tạo chung cư cũ của TP. Hà Nội vừa qua cũng có bước tiến lớn, có liên quan đến việc phối hợp với Bộ Xây dựng trình Chính phủ ra được Nghị định 69 năm 2021 về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ và TP. Hà Nội cũng có Đề án cải tạo nhà chung cư cũ, ban hành 6 kế hoạch triển khai đề án.
Hiện toàn bộ các quận có chung cư cũ đang triển khai đồng loạt việc thực hiện kế hoạch theo kiểm định, theo quy hoạch để tiến tới thiết lập chủ trương đầu tư dự án.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn cũng đã làm rõ một số nội dung đại biểu quan tâm liên quan tới nhà cổ, biệt thự cũ và các công trình kiến trúc khác có giá trị trước năm 1954 và cho biết, qua hội nghị hôm nay, trên cơ sở tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu, Thành phố sẽ xem xét điều chỉnh nội dung tờ trình ngắn gọn, súc tích, đánh giá được các nội dung triển khai.
Trân trọng cảm ơn các ý kiến góp ý của đại biểu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Nguyễn Lan Hương cho biết, MTTQ Thành phố sẽ tiếp thu, lựa chọn các nội dung để tổng hợp đầy đủ các ý kiến gửi về cơ quan soạn thảo.
Đồng tình và ủng hộ việc sửa đổi Khoản 2, Điều 10, Nghị quyết 17, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Nguyễn Lan Hương nhấn mạnh, đây là một trong những nội dung nếu sửa đổi được thì việc cải tạo, phục hồi nhà cổ, biệt thự cũ và công trình kiến trúc xây dựng có giá trị, trước năm 1954 sẽ triển khai nhanh hơn và hiệu quả rõ hơn…
Thùy Linh