Góp phần giữ những nét đẹp của văn hóa Tết cổ truyền

04/02/2019 3:00 PM

(Chinhphu.vn) - Với những hoạt động tái hiện không gian đón Tết của gia đình người Hà Nội mỗi dịp Tết đến, Xuân về trong nhiều năm qua, Ban quản lý phố cổ Hà Nội mong muốn giữ ghìn, phát huy những nét đẹp phong phú và văn minh trong nếp sống ngày Tết cổ truyền, hướng cho thế hệ trẻ hiểu và trân trọng một nét văn hóa Việt giàu bản sắc dân tộc.

Nhiều hoạt động văn hóa cổ truyền được giới thiệu tại khu phố cổ Hà Nội. Ảnh: Hòa An

Nhằm góp phần giữ những nét đẹp của văn hóa Tết cổ truyền, từ nhiều năm nay, mỗi dịp Xuân về, Ban quản lý Phố cổ Hà Nội luôn cố gắng tái hiện không gian Tết xưa tại các điểm di tích trong khu phố cổ Hà Nội nhằm phát huy các giá trị truyền thống, kết nối cộng đồng bằng những hình ảnh thân quen của Tết xưa với: Bánh chưng xanh, viết thư pháp, nặn tò hè, trưng bày tranh dân gian ngày Tết, tổ chức triển lãm sắp đặt không gian của những ngôi nhà Hà Nội xưa…

Theo bà Trần Thúy Lan, Phó Trưởng ban Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội, từ xưa đến nay, tết Nguyên Đán chính là dịp đoàn tụ gia đình, sum vầy chào năm mới. Nhằm bảo tồn và tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống, cũng như giới thiệu đến du khách, đặc biệt là các bạn trẻ về nguồn gốc và ý nghĩa nhân văn của ngày tết cổ truyền của Hà Nội xưa, mỗi năm Ban quản lý phố cổ luôn nghiên cứu để giới thiệu đến người dân, du khách những nét đẹp nhất trong văn hóa Tết cổ truyền của dân tộc.

Năm nay, lấy ý tưởng từ “Chú Lợn” - linh vật biểu tượng của năm Kỷ Hợi, tượng trưng cho cuộc sống no đủ, sung túc, hạnh phúc tròn đầy, Ban quản lý Phố cổ đã tổ chức chương trình hoạt động văn hóa với chủ đề “Nét Xuân xưa” tại các điểm di tích nhằm chào mừng Tết Nguyên đán Kỷ hợi 2019.

Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội đã phối hợp cùng “Hội quán di sản” tái hiện không gian văn hóa bàn thờ Việt. Tại đây, người dân và du khách sẽ được chiêm ngưỡng các bày trí, sắp mâm lễ gia đình để dâng cúng tại đình bao gồm các đặc sản đặc trưng của Hà Nội. Phong tục thờ cúng tổ tiên cũng như tại đình làng là lòng thành kính và biết ơn của con cháu đối tổ tiên, người có công với làng, với nước.

Cũng trong nhiều năm qua, không gian sinh hoạt vào dịp Tết của người Hà Nội xưa luôn được Ban quản lý giới thiệu tại Ngôi nhà di sản 87 Mã Mây mang kiến trúc đặc trưng của nhà cổ Hà Nội, dạng hình ống và có nhiều lớp nhà, giữa các lớp nhà có sân để lấy ánh sáng và không khí. Sân trời là nơi bày cây cảnh, uống nước, ngắm trăng… Tại đây, Ban quản lý đã sắp đặt lại không gian của một gia đình Hà Nội xưa với cách bài trí phòng khách, giếng trời, khu vực bếp; cách  chơi đào, chơi quất và phong tục gói bánh chưng vào ngày Tết là nét đẹp truyền thống không thể thiếu được vào mỗi dịp Tết đến Xuân về của người Việt.

Chia sẻ về không khí ngày Tết cổ truyền, PGS. TS Đỗ Thị Hảo, Chủ tịch Hội văn nghệ dân gian Hà Nội cho biết, mỗi dịp Tết đến, Xuân về, các thành viên trong gia đình rộn rã không khí vui đón Xuân. Người lớn thì tất bật sắm sửa, trẻ con thì náo nức vui đùa.

Đánh giá cao các hoạt động giữ gìn Tết cổ truyền của Ban quản lý phố cổ Hà Nội, bà Đỗ Thị Hảo cho rằng, khi cuộc sống đầy đủ hơn, nhịp sống gấp gáp hơn, Tết thời nay đã có nhiều thay đổi với trước, nhiều nơi phong tục cũng mai một. Nhưng không khí Tết thì vẫn vậy, trong những ngày Tết Nguyên đán cổ truyền, ai cũng thấy lòng mình phơi phới, ấm áp đến kỳ lạ.

Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam có nhiều phong tục tập quán, nét đẹp văn hóa được lưu giữ từ đời này sang đời khác, việc đón Tết cổ truyền đã trở thành một sự kiện lớn trong gia đình, họ hàng. Người Việt đón Tết không chỉ để vui chơi mà còn là cách thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, tưởng nhớ cha ông, lưu giữ các giá trị truyền thống từ xưa để lại.

Chủ tịch Hội văn nghệ dân gian Hà Nội cho biết, dù cuộc sống hiện đại nhiều thay đổi thì mỗi khi Tết đến Xuân về, trong chúng ta mỗi người từ già đến trẻ đều có sự háo hức, sự háo hức này rất đặc biệt bởi từ hàng nghìn năm nay chúng ta đều được sống, được thấm đẫm trong cái Tết cổ truyền của dân tộc.

Tết là dịp để chúng ta sum họp gia đình, là dịp để gia đình, làng xóm, bạn bè gặp gỡ nhau. Tất cả các thành viên trong gia đình đều cùng nhau chuẩn bị cho ngày Tết. Tết cũng là dịp linh thiêng để nhớ đến công ơn của tổ tiên, và mong muốn sang năm mới phát triển, sung túc hơn năm trước. Ngày Tết là ngày của sự đoàn tụ, là ngày để mọi người trở về với gia đình của mình.

Là những người nghiên cứu văn hóa truyền thống, bà Đỗ Thị Hảo chia sẻ rất mừng vì với cuộc sống hiện đại, những hoạt động văn hóa mỗi dịp Tết về càng ngày càng được thế hệ trẻ quan tâm hơn. Trong vài năm trở lại đây, người ta nhận thấy sự quay trở lại với tà áo dài truyền thống và cách tân của người Hà Nội vào những ngày Tết cổ truyền, cũng trong vài năm trở lại đây, phong tục gói bánh chưng ngày Tết được nhiều gia đình Hà Nội khôi phục lại như để gìn giữ hương vị ngày Tết.

Bà Đỗ Thị Hảo chia sẻ, sự giữ gìn văn hóa truyền thống không những để cho lớp người cao tuổi vẫn được sống trong không khí Tết cổ truyền, mà để còn để thế hệ trẻ cũng nhưng con cháu sau này hiểu về Tết dân tộc.

Hòa An

Top