GS. Nguyễn Quang Ngọc: Hài hòa bảo tồn và phát triển, Hà Nội sẽ có thêm di sản thế giới

10/10/2022 8:00 AM

(Chinhphu.vn) - Thủ đô Hà Nội tươi đẹp hôm nay vừa mang dáng dấp của một Thành phố văn minh, hiện đại, năng động, vừa giữ được nét cổ kính cùng những giá trị văn hóa lịch sử trường tồn của đất Thăng Long ngàn năm văn hiến. Nếu xử lý tốt bài toán đặt ra giữa bảo tồn và phát triển, làm tốt công tác quy hoạch và quản lý đô thị, Hà Nội hoàn toàn có thể vừa ngày càng phát triển, vừa có thể bảo tồn và phát huy các giá trị, di sản văn hóa, thậm chí có thêm những di sản thế giới được công nhận.

Hà Nội: 68 năm phát triển vào bảo tồn những giá trị văn hóa lịch sử - Ảnh 1.

GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc. Ảnh: Thùy Chi

Đó là chia sẻ của GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Hà Nội học và phát triển Thủ đô, Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội với Báo điện tử Chính phủ khi nhìn lại quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội, nhân kỷ niệm 68 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2022).

68 năm - bước chuyển mình chưa từng có

Theo GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc, 68 năm là khoảng thời gian không dài so với hàng nghìn năm lịch sử dân tộc, nhưng chỉ với từng ấy thời gian, Thủ đô Hà Nội đã không ngừng phát triển với những bước chuyển mình lớn lao chưa từng có. Hà Nội ngày hôm nay không chỉ đóng vai trò là Thủ đô của đất nước mà còn là cầu nối quan trọng để đất nước hội nhập với cộng đồng quốc tế. Hà Nội không chỉ là biểu tượng của nền văn hiến Việt Nam, là nơi hội tụ của văn minh Đại Việt mà còn là nơi kết tinh những giá trị cao đẹp của thời đại Hồ Chí Minh. Nhờ sự phát triển không ngừng đó, Thủ đô Hà Nội đã vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu "Thủ đô Anh hùng", 3 lần được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, được các tổ chức quốc tế vinh danh là "Thành phố Vì hòa bình", "Thành phố sáng tạo"…

Có thể thấy rõ sự chuyển biến của Hà Nội thể hiện qua sự phát triển đều, toàn diện trong lĩnh vực xây dựng quy hoạch và quản lý đô thị… Nhiều công trình kết cấu hạ tầng đô thị đã được Thành phố đầu tư đồng bộ, nhiều dự án khu đô thị văn minh hiện đại đã và đang được hình thành tại các khu vực phía Tây, phía Đông và phía Bắc.  Đặc biệt, khoảng 20 năm trở lại đây, bộ mặt phía Đông và phía Bắc của Hà Nội đã thay đổi căn bản, đô thị hóa rất nhanh. Mê Linh, Đông Anh, Long Biên, Gia Lâm… đều đã trở thành đô thị.

Hà Nội cũng đầu tư để bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, các làng nghề giá trị. Hà Nội đã được coi là thành phố đi đầu cả nước trong điều tra về các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, gồm 5.175 di tích lịch sử-văn hóa, trong đó có 12 di tích quốc gia đặc biệt, 1.196 di tích quốc gia (bằng 1/3 của cả nước), 1.162 di tích cấp thành phố (bằng 1/7 tổng số di tích cấp tỉnh và thành phố của cả nước). Và Hà Nội còn có đến 40% số làng nghề được coi là có nghề của cả nước… Ngoài ra, không thể không kể đến tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến với 150 đầu sách, có đầu sách gồm chục cuốn sách.

Hà Nội còn coi trọng đầu tư phát triển văn hóa du lịch, với lượng khách du lịch rất lớn đến Thủ đô để tìm hiểu về văn hóa, lịch sử...

Để phát triển văn hóa, con người, TP. Hà Nội duy trì nhiều phong trào thi đua đạt hiệu quả thiết thực, như: "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", "Người tốt, việc tốt", "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa",…

GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc cho rằng, thời gian qua, Hà Nội đã kiên trì mục tiêu xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện, hình thành hệ giá trị văn hóa mới trên cơ sở kế thừa và phát huy những giá trị nhân văn sâu sắc của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội ngàn năm văn hiến.

Những thành tựu đạt được đã đem lại hiệu quả tích cực, không chỉ hướng đến xây dựng một Thủ đô văn minh, hiện đại mà còn góp phần xây dựng, hình thành những chuẩn mực văn hoá đối với nhân dân Thủ đô, cốt cách tâm hồn người Hà Nội thanh lịch, văn minh, mãi xứng đáng là "Trái tim của cả nước".

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đã nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đảm bảo hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển. Đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm bảo tồn và phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa lịch sử Hà Nội bắt kịp xu thế phát triển của thời đại.  Đồng thời, khuyến khích trao truyền, sáng tạo các giá trị văn hóa truyền thống.

Cổ Loa có thể trở thành di sản văn hóa thế giới

Để Hà Nội tiếp tục phát triển toàn diện và bền vững, GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc cho rằng, bên cạnh việc tập trung phát triển kinh tế, TP. Hà Nội cần có chính sách xây dựng Thủ đô trở thành một trung tâm văn hóa lớn của cả nước, đặc biệt cần phải phát huy các giá trị văn hóa trong xây dựng quy hoạch và quản lý đô thị của Hà Nội. Hà Nội phải giữ được nét cổ kính vốn có, nét đặc sắc riêng, lưu giữ và phát triển những hoạt động văn hóa truyền thống của dân tộc. Bên cạnh đó, trong quá trình hội nhập, Hà Nội cần tiếp thu, chắt lọc những tinh hoa của nền văn hóa thế giới, góp phần làm đậm đà thêm các giá trị văn hóa Hà Nội.

Ngay từ rất sớm, Đảng và nhà nước đã đặc biệt đề cao vai trò của văn hóa trong công cuộc xây dựng và bảo vệ nước Việt Nam mới. Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất ngày 24/11/1946, Bác Hồ đã khẳng định "Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi". Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng năm 2021 nhấn mạnh: "Văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần, nguồn lực nội sinh và động lực đột phá cho sự phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế". Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định một cách tuyệt đối chân lý mà Bác Hồ đã nêu từ năm 1946 và nhấn mạnh thêm một số nội dung, đặt văn hóa ngang hàng với với các lĩnh vực trọng yếu khác. 

Đối với Thành phố Hà Nội, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết 15 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định phát triển văn hóa Thủ đô xứng tầm với nghìn năm Thăng Long Hà Nội. Thành phố Hà Nội đã có Chương trình số 06 của Thành ủy Hà Nội ngày 17/3/2021 "Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021-2025", đưa ra những nội dung và yêu cầu rất cụ thể về phát triển văn hóa, phát triển con người Hà Nội, đặc biệt đề cao vai trò và vị trí của văn hóa trong phát triển toàn diện Thủ đô Hà Nội. 

Một số công trình văn hóa-lịch sử được GS. Nguyễn Quang Ngọc cho rằng cần đặc biệt lưu ý trong quá trình quy hoạch đô thị thời gian tới. Trước hết, đó là Hoàng thành Thăng Long. Đây là bộ mặt của Thăng Long - Hà Nội, đồng thời cũng là bộ mặt quốc gia Đại Việt, đã được công nhận là di sản văn hóa thế giới từ hơn chục năm nay, tuy nhiên, vấn đề quy hoạch và quản lý, bảo tồn và phát huy vẫn còn những lúng túng. 

Công trình thứ 2 chính là Thành Cổ Loa - Di tích Quốc gia đặc biệt. Thành Cổ Loa là tòa thành đất có quy mô lớn nhất, một tòa quân thành, vương thành có niên đại lâu đời nhất trong toàn khu vực Đông Nam Á, còn giữ được gần như nguyên vẹn cho đến nay. Cổ Loa, theo nghiên cứu của các chuyên gia trong nước và quốc tế, còn là trung tâm kết tinh cao nhất của văn minh sông Hồng, của nhà nước sơ khai, tạo lập những cơ sở đầu tiên quan trọng nhất cho toàn bộ quá trình phát triển của lịch sử, văn hóa Việt Nam. Tuy nhiên, tốc độ phi mã của quá trình đô thị hóa ở Đông Anh đang hàng ngày, hàng giờ ảnh hưởng tới các di tích này. GS Nguyễn Quang Ngọc cho rằng, nếu làm tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di tích Quốc gia đặc biệt Cổ Loa thì khả năng di tích được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới sẽ sớm trở thành hiện thực.

Bên cạnh đó, cần phát triển khu phố cổ Hà Nội, một số làng cổ, làng thủ công tiêu biểu và dự án cải tạo sông Tô Lịch thành Công viên lịch sử-văn hóa-tâm linh (Công viên Hữu nghị Việt Nhật) và xây dựng các thiết chế văn hóa, hệ thống hầm ngầm chống ngập kết hợp cao tốc ngầm dọc sông Tô Lịch…

Bảo đảm quy hoạch đúng và quản lý đô thị tốt

Đưa ra một số ý kiến, đề xuất để phát huy các giá trị văn hóa trong xây dựng và quản lý đô thị của Thủ đô Hà Nội, GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc cho rằng, việc đầu tiên là phải bảo đảm quy hoạch đúng và quản lý tốt. Bởi theo TS. Ngọc, quy hoạch và quản lý đô thị xét cho cùng chỉ là hai mặt của một vấn đề. Nếu quy hoạch đúng, quy hoạch tốt thì sẽ là điều kiện tiên quyết để quản lý thực trạng và quản lý phát triển tốt; nếu quy hoạch sai, quy hoạch dở thì sẽ gây ra hậu quả khôn lường, phá hỏng những điều kiện cần thiết để có thể quản lý đô thị một cách khoa học và chuẩn mực. 

Mặt khác, nếu ngay từ đầu đã có chính sách và phương thức quản lý đô thị đúng thì chắc chắn sẽ có đủ điều kiện để xây dựng quy hoạch tốt, không dẫn đến sự "lệch pha" giữa quy hoạch và quản lý và như thế sẽ bảo đảm cho đô thị nhát triển bền vững.

Thứ hai, cần phải đầu tư nghiên cứu căn cơ, bài bản để xác định đúng các giá trị văn hóa. Nếu đánh giá đúng giá trị của di sản thì sẽ là cơ sở rất quan trọng để bảo tồn, phát huy giá trị của di sản hay tiến hành xây dựng (hoặc không xây dựng) theo như kế hoạch ban đầu. Nếu đánh giá sai giá trị của di sản sẽ hoặc gây tổn hại đến di sản hoặc gây thêm khó khăn không đáng có cho kế hoạch phát triển.

Bên cạnh đó, cần bảo tồn và phát triển vốn có mối quan hệ đồng thuận. Lâu nay giữa bảo tồn và phát triển thường bị coi là đối lập nhau, lý do chủ yếu là chưa đánh giá đúng giá trị của di sản hay bất chấp giá trị di sản. Một di sản theo đánh giá tổng thể, khách quan mà có giá trị không cao thì không nên bảo tồn bằng mọi giá; trái lại một công trình dù rất quan trọng cũng không nên xây đè lên di sản hay hủy hoại di sản đích thực.

GS Nguyễn Quang Ngọc cho rằng, Hà Nội đã có một số di tích lịch sử-văn hóa quan trọng được số hóa. Cần phải rút kinh nghiệm và xây dựng thành chủ trương chung, tiến hành số hóa tất cả các di sản văn hóa; đẩy mạnh tuyên truyền gáo dục về di sản văn hóa Hà Nội, phát triển mạnh hơn nữa công nghiệp văn hóa, du lịch văn hóa và thiết kế không gian sáng tạo trên nền tảng di sản văn hóa.

Cuối cùng, cần nghiên cứu xây dựng ít nhất mỗi khu phố (hay mỗi đô thị/ thành phố) nằm trong Thủ đô Hà Nội có một công viên lịch sử-văn hóa hay danh thắng mang đặc trưng riêng của mỗi tiểu vùng văn hóa Thủ đô (chẳng hạn Công viên lịch sử-văn hóa Cổ Loa ở Đông Anh; Công viên lịch sử-văn hóa Vạn Xuân ở Hoài Đức; Công viên lịch sử-văn hóa Mê Linh ở Mê Linh)..., việc này vừa phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử đồng thời sẽ mang lại những nét riêng, đặc biệt cho mỗi đô thị trên địa bàn TP. Hà Nội.

GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc từng đảm đương nhiều cương vị công tác khác nhau với sự nghiệp nghiên cứu đồ sộ tích lũy qua năm tháng, trong đó ông dành rất nhiều tình cảm, sự say mê khám phá khoa học cho mảnh đất nghìn năm văn hiến, chính vì vậy những nghiên cứu về Thăng Long - Hà Nội chiếm một vị trí quan trọng. Có thể kể đến những đóng góp tiêu biểu, như: Chủ trì tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia kỷ niệm 1.000 năm Vương triều Lý (năm 2009); tham gia xây dựng hồ sơ Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long thành Di sản văn hóa thế giới (năm 2010)…

Ông cũng là chủ biên của hàng chục bộ sách, đồng chủ biên sách Không gian khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long: Tư liệu và nhận thức (2016); chủ biên Bách khoa thư Hà Nội (phần mở rộng 2017)... Dịp kỷ niệm 1010 Thăng Long - Hà Nội, ông được UBND thành phố Hà Nội giao chủ biên cuốn sách Định đô Thăng Long - Tầm nhìn Thiên niên kỷ.

Hơn 50 năm gắn bó với ngành Sử học, GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc đã được trao tặng rất nhiều bằng khen và danh hiệu cao quý. Điển hình là danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc (2014); Trí thức tiêu biểu vì sự nghiệp phát triển Thủ đô (2015); "Công dân Thủ đô ưu tú" năm 2020; Giải A sách Quốc gia lần thứ hai cho bộ sách "Vùng đất Nam Bộ - Quá trình hình thành và phát triển". Chủ biên và tác giả chính tập IV (2019); Bằng khen của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội về hoàn thành xuất sắc Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến (2019). Và mới đây, ông còn vinh dự được nhận Huân chương Lao động hạng Nhất của Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam vì những đóng góp, cống hiến của ông trong suốt quá trình công tác và cống hiến.

Thùy Chi

Top