Hà Nội: 10 năm hợp nhất và chìa khoá tăng tốc phát triển

31/07/2018 6:19 PM

(Chinhphu.vn) – Với ý thức trách nhiệm trước Trung ương và nhân dân cả nước, ngay từ những ngày đầu triển khai Nghị quyết số 15 của Quốc hội về việc điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội và một số tỉnh có liên quan, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã xác định quyết tâm thực hiện Nghị quyết với phương châm “Đoàn kết - Hợp tác - Trách nhiệm” và tinh thần: Tất cả vì công việc chung, vì sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô.

Các khách mời tham dự Tọa đàm. Ảnh: Hoàng Anh

Tại toạ đàm trực tuyến “Hà Nội: Nghị quyết 15 và chặng đường tiếp theo” do Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức chiều 31/7, các câu hỏi được đặt ra là những thành tựu quan trọng nhất Hà Nội đã đạt được so với 10 năm trước khi thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội và chìa khóa nào để Hà Nội tăng tốc thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết 15?

Buổi toạ đàm có sự tham dự của Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Hùng; Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên; Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Phan Đức Hiếu; Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức (Hà Nội) Nguyễn Quang Đức.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên. Ảnh: Hoàng Anh

3 điểm nhấn thành tựu

Các ý kiến tại toạ đàm đều có những nhìn nhận khá tích cực về diện mạo Thủ đô sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính khi Thành phố bước đầu có nhiều thay đổi mạnh mẽ, đạt được những kết quả đáng tự hào, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của đất nước.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng, những thành tựu của Hà Nội tập trung vào 3 điểm nhấn. Đầu tiên là đạt được mục tiêu mà Nghị quyết 15 đặt ra là Hà Nội phải trở thành động lực, đầu tàu kinh tế. Kinh tế Thủ đô tiếp tục tăng trưởng nhanh, đạt trung bình 7,41%/năm, là một trong 2 đầu tầu kinh tế của cả nước. Quy mô GRDP năm 2017 gấp gần 2 lần so với năm 2008.

Thứ hai, đó là cơ sở hạ tầng của Hà Nội - đây là thành công của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Hà Nội khi mà đạt được những cơ sở hạ tầng rất đột phá và cơ bản với những công trình giao thông trọng điểm trong thời gian vừa qua đều có sự đóng góp của Hà Nội.

Thứ 3 là sự đoàn kết mà Đảng bộ Hà Nội đã làm rất tốt trong việc hợp nhất tổ chức, bộ máy, sắp xếp bố trí cán bộ trong toàn bộ hệ thống chính trị, đảm bảo vận hành thông suốt ngay từ đầu.

Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức (Hà Nội) Nguyễn Quang Đức. Ảnh: Hoàng Anh

Cùng trong thành tựu chung sau 10 năm hợp nhất của Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức (Hà Nội) Nguyễn Quang Đức cho biết, sau 10 năm Hoài Đức đã đạt huyện Nông thôn mới, toàn bộ các xã đạt chuẩn nông thôn mới. Theo đó, về cơ bản nông thôn được khang trang, sạch đẹp, thu nhập bình quân đầu người tăng mạnh từ 13,7 triệu/người/năm vào năm 2008 lên 45,2 triệu/người/năm vào năm 2018; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 4,06% năm 2008 xuống còn 1,52% năm 2018; từng bước hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội khung hiện đại được hình thành như vành đai 3.5, các khu đô thị mới được đầu tư hiện đại…

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Phan Đức Hiếu. Ảnh: Hoàng Anh

“Đủ nhận thức, đủ chiến lược, cần tập trung vào thực thi”

Bên cạnh những thành tựu quan trọng của Hà Nội đạt được, các khách mời cũng đồng tình cho rằng những thành công mới chỉ bước đầu, khối lượng công việc đặt ra cho Hà Nội còn rất nhiều. Những khó khăn của Hà Nội vừa có tính chung của cả nước lại vừa có đặc thù riêng khi theo Nghị quyết 15, Hà Nội vừa là trung tâm chính trị nhưng đồng thời là trung tâm kinh tế, văn hoá. Như vậy để cùng một lúc đạt được những mục tiêu trên là thách thức không nhỏ.

Theo ông Nguyễn Đức Kiên, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 15, một trong những mặt được của Hà Nội là xử lý quy hoạch, phát triển đô thị tương đối tốt. Tuy nhiên, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế chưa thực sự như mong muốn.

“Khi làm Nghị quyết 15 chúng tôi không mong Hà Nội dồn các nhà máy may, nhà máy nhuộm, hay nhà máy lắp ráp điện tử và Hà Nội mà chúng tôi kỳ vọng là một trung tâm khoa học công nghệ của cả nước, với những doanh nghiệp khởi nghiệp start - up dựa trên khoa học công nghệ. Với tri thức, nguồn vốn của nhân dân, Hà Nội phải trở thành trung tâm tài chính của cả khu vực”, ông Nguyễn Đức Kiên nói.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội cũng đặt vấn đề cho Hà Nội trong quá trình phát triển như Hà Nội nhận thức được phát triển cơ sở hạ tầng là bước đột phá đi đầu nhưng nếu tính các điểm lụt, ngập, úng của Hà Nội thì tại các quận, huyện thiết kế từ thời Pháp số lượng điểm ngập, úng còn ít hơn tại các khu đô thị  mới. Sự kết nối của hệ thống cũ với hệ thống mới như thế nào? Vai trò của hệ thống mới khi phải xử lý những vấn đề quá tải trong nội đô?

Đồng thời cho biết Quốc hội đang đề nghị Hà Nội tiến hành sơ kết 5 năm thực hành Luật Thủ đô cũng như vấn đề gia tăng dân số cơ học.

“Chúng ta phải lường trước được sức hút mạnh mẽ của di dân vào Thủ đô và giải pháp hành chính cũng như kinh tế để xử lý vấn đề này”, ông Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh.

Đồng tình với ý kiến này, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Phan Đức Hiếu cho rằng, phát triển các đô thị vệ tinh góp phần giải quyết một phần nào đó những vấn đề về xã hội, nhà ở, di dân, việc làm…Nghị quyết 15 cũng nêu rõ điều này nhưng cái mà Hà Nội đối mặt là phương thức giải quyết.

“Chúng ta đủ nhận thức, đủ chiến lược nhưng cần tập trung vào thực thi. Hà Nội cần thực thi mạnh mẽ và gấp rút về thời gian. Phát triển các đô thị vệ tinh là phương thức giải quyết bên cạnh hành chính. Nếu chúng ta tập trung thực thi nhanh hơn việc gia tăng dân số cơ học sẽ góp phần giải quyết nhiều vấn đề”, ông Phan Đức Hiếu nói.

Cũng theo ông Phan Đức Hiếu, cùng một vấn đề nhưng Hà Nội sẽ là nghiêm trọng hơn. Về mặt lâu dài cần có cơ chế để giúp Hà Nội phát triển đạt mục tiêu. Trong ngắn hạn, bản thân Hà Nội cũng cần cơ chế tích cực hơn nữa trong việc thực hiện giải quyết một số vấn đề, chẳng hạn giống như tỉnh Thái Nguyên thành lập riêng tổ công tác giải quyết đốc thúc một dự án đầu tư.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Hùng. Ảnh: Hoàng Anh

Ba đột phá chiến lược

Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Hùng, những ngày đầu triển khai thực hiện Nghị quyết số 15 của Quốc hội, có rất nhiều vấn đề khó khăn, mới mẻ, thách thức cùng với nhiều băn khoăn, lo lắng đặt ra, trong đó phải kể đến là: Quy mô diện tích, dân số, đơn vị hành chính tăng nhiều; điều kiện địa lý, dân cư, thói quen khác nhau; tỷ trọng nông nghiệp, tỷ lệ hộ nghèo lớn, vùng núi còn khó khăn; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa phát triển, khoảng cách giàu nghèo còn lớn; hầu hết các đơn vị hợp nhất về Hà Nội kinh tế - xã hội còn khó khăn.

Có thể nói khối lượng công việc phải thực hiện sau hợp nhất rất lớn. Cùng với đó là những khó khăn khách quan như: dân số cơ học tăng nhanh, hạ tầng kinh tế - xã hội toàn Thành phố còn thiếu và chưa đồng bộ,...

Ngay từ những ngày đầu triển khai Nghị quyết số 15 của Quốc hội, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã xác định quyết tâm thực hiện Nghị quyết với phương châm, “Đoàn kết - Hợp tác - Trách nhiệm” và tinh thần: tất cả vì công việc chung, vì sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô.

Để thúc đẩy các kế hoạch tăng trưởng của Thành phố, ông Nguyễn Thế Hùng cho biết, Hà Nội sẽ thực hiện đồng bộ 3 đột phá chiến lược, đó là nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, phát triển đồng bộ, hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng – đây được coi là xương sống của sự phát triển; tăng cường công tác quản lý đô thị; bảo đảm kỷ cương và văn minh đô thị. Giải quyết hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, gắn với tiếp thu các giá trị văn hóa tiên tiến của nhân loại; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý các cơ quan chính quyền theo hướng lấy phục vụ người dân và doanh nghiệp là trọng tâm và mục tiêu hoạt động.

Với phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nêu trên, cùng với nhận thực rõ những hạn chế, khắc phục những nhược điểm, thành phố Hà Nội quyết tâm thực hiện tốt hơn nữa Nghị quyết số 15 của Quốc hội những năm tiếp theo để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện tốt vai trò là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hoá, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, góp phần đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Hoàng Anh

Top