Hà Nội 6 tháng đầu năm: Các ngành kinh tế đều phát triển
(Chinhphu.vn) - Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, GRDP Hà Nội ước tăng 6,0% (cùng kỳ tăng 5,97%). Đánh giá của UBND TP. Hà Nội cho thấy, các ngành kinh tế đều phát triển tích cực.
GRDP 6 tháng đầu năm ước tăng 6,0%
Triển khai nhiều giải pháp để thực hiện các mục tiêu của năm 2024, kết quả của 6 tháng đầu năm 2024 được Hà Nội đánh giá tích cực. Cân đối thu-chi ngân sách được bảo đảm; xuất, nhập khẩu phục hồi, tăng khá cao so với cùng kỳ và so với kế hoạch; chỉ số giá tiêu dùng tăng mạnh, cao hơn khá nhiều mục tiêu cả năm, Vốn đầu tư phát triển xã hội tăng khá, đạt cao hơn mức tăng cùng kỳ…
Bức tranh kinh tế-xã hội tại Hà Nội trong 6 tháng đầu năm có một số điểm nổi bật như: Tổng thu NSNN trên địa bàn Thành phố 5 tháng đầu năm 2024 là 233.175 tỷ đồng, đạt 57,1% dự toán, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng chi ngân sách địa phương 5 tháng đầu năm 2024 là 36.417 tỷ đồng, đạt 24,9% dự toán đầu năm, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2023.
Xuất, nhập khẩu phục hồi, tăng khá cao so với cùng kỳ và so với kế hoạch. Ước 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu đạt 8.663 triệu USD, tăng 8,8% (cùng kỳ giảm 2,7%). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước tăng 11,6%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 3,8%.
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn 5 tháng đầu năm 2024 đạt 15.977 triệu USD, tăng 11,5% (cùng kỳ giảm 14%). Ước 6 tháng, kim ngạch nhập khẩu đạt 22.926 triệu USD, tăng 13,8% (cùng kỳ giảm 16,3%),
Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, GRDP1 Hà Nội ước tăng 6,0% (cùng kỳ tăng 5,97%). Trong đó, dịch vụ tăng thấp hơn cùng kỳ, các ngành còn lại đều tăng cao hơn cùng kỳ, cụ thể: Dịch vụ tăng 6,55% (cùng kỳ tăng 7,54%); Công nghiệp và xây dựng tăng 5,37% (cùng kỳ tăng 3,28%); Nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,94% (cùng kỳ tăng 2,24%); Thuế sản phẩm tăng 4,38% (cùng kỳ tăng 2,41%).
Các ngành kinh tế đều phát triển
Đặc biệt trong kết quả 6 tháng đầu năm 2024, UBND TP. Hà Nội đã có đánh giá: Các ngành kinh tế đều phát triển.
Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, du lịch, vận tải hành khách, vận tải hàng hoá tiếp tục duy trì tăng trưởng khá. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 5 tháng đầu năm đạt 336.510 tỷ đồng, tăng 10,0% (cùng kỳ tăng 11,3%).
Nổi bật trong tăng trưởng là doanh thu bán lẻ hàng hóa; hoạt động khách sạn nhà hàng; hoạt động dịch vụ lữ hành đạt 10.646 tỷ đồng, tăng 48,9% (cùng kỳ tăng 1,4 lần); hoạt động dịch vụ đạt 67.059 tỷ đồng, tăng 4,3% (cùng kỳ tăng 5,1%). Ước 6 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 408.442 tỷ đồng, tăng 10,7% (cùng kỳ tăng 10,4%).
Thành phố đang đẩy nhanh tiến độ thúc đẩy phát triển các loại hình kinh doanh hiện đại (máy bán hàng tự động tại địa điểm công cộng; mô hình Outlet); kêu gọi xúc tiến đầu tư, thu hút đầu tư đối với dự án xây dựng Chợ đầu mối quốc tế nông sản tại Hà Nội.
Du lịch tiếp tục tăng trưởng khá, khách du lịch quốc tế tăng cao. Nhiều sản phẩm tour đêm thu hút được đông đảo sự tham gia và đánh giá cao của du khách như: Đêm Thiêng Liêng của Khu di tích Nhà tù Hỏa Lò, Giải mã Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám "Tinh hoa đạo học", "Ngọc Sơn - đêm huyền bí", tour du lịch văn học "Chữ Tâm chữ Tài"...
Trong 6 tháng đầu năm, ngành Du lịch đã khai trương 02 sản phẩm du lịch mới: tuyến du lịch Trung tâm Hà Nội - Thanh Oai - Ứng Hoà - Mỹ Đức với chủ đề "Con đường di sản Nam Thăng Long Hà Nội", điểm đến du lịch cộng đồng bản Miền tại xã Ba Vì, huyện Ba Vì và tiếp tục nâng cấp các sản phẩm du lịch đường sông kết nối các điểm đến du lịch dọc khu vực sông Hồng, tuyến du lịch Chương Dương Độ - Bát Tràng - Đền thờ Chử Đổng Tử. Hợp tác với các tỉnh thành phố phát triển các tuyến: du lịch văn hóa tâm linh Hà Nội - Hà Nam - Ninh Bình; du lịch khám phá, trải nghiệm Hà Nội - Sơn La, Hà Nội - Lào Cai - Lai Châu…
Sản xuất công nghiệp tăng khá cao, đạt 4,7% (cùng kỳ tăng 2,1%). Việc sản xuất công nghiệp tăng khá cao được UBND TP. Hà Nội đánh giá, đây là tín hiệu tích cực về sự phục hồi của sản xuất công nghiệp cũng như xuất khẩu đối với các sản phẩm của ngành.
Đóng góp lớn vào tốc độ tăng ngành công nghiệp là: Sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 13,7%; Sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 11,1%; Sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 10,1%; Sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 7,3%...
Đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công
Năm 2024, Hà Nội tiếp tục xác định việc thực hiện và thúc đẩy giải ngân Kế hoạch đầu tư công năm 2024 là nhiệm vụ quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế. Thành phố quyết liệt chỉ đạo khắc phục tồn tại, hạn chế, tăng cường, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và quán triệt các đơn vị có giải pháp đẩy nhanh kế hoạch giải ngân ngay từ những ngày đầu năm 2024.
UBND Thành phố đã ban hành các kế hoạch tăng cường, đẩy nhanh thực hiện và giải ngân Kế hoạch đầu tư công năm 2024, kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2024, năm 2025 và các công trình trọng điểm của Thành phố.
Hà Nội tiếp tục đưa kết quả giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2024 thành một tiêu chí để đánh giá thi đua năm 2024 đối với các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã. Đến hết niên độ ngân sách, các đơn vị không giải ngân tối thiểu đạt 95% kế hoạch được giao là một trong các tiêu chí để xem xét đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu và cán bộ, công chức liên quan theo quy định.
Tính đến hết tháng 5/2024, giải ngân kế hoạch đầu tư công toàn Thành phố đạt 15.088 tỷ đồng, bằng 18,6% kế hoạch (5 tháng năm 2023 là 24,8%; cả nước giải ngân 148.248,8 tỷ đồng, bằng 20,99% kế hoạch). Ước 6 tháng năm 2023, giải ngân 22.871 tỷ đồng, đạt 28,2% kế hoạch.
Đối với thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, lũy kế 5 tháng đầu năm 2024, Hà Nội thu hút trên 1.119 triệu USD vốn FDI (bằng 38% cả năm 2023). Trong đó, có 92 dự án đăng ký mới với tổng vốn đầu tư 1.025 triệu USD; 64 lượt tăng vốn đạt 36,776 triệu USD và 86 lượt góp vốn, mua cổ phần với vốn góp 57,24 triệu USD.
Cũng trong 6 tháng đầu năm, Hà Nội đã thực hiện hiệu quả các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội; sản xuất, kinh doanh duy trì tăng trưởng; quản lý và phát triển đô thị chuyển biến tích cực; hạ tầng đô thị được duy trì tốt; văn hóa, xã hội tiếp tục phát triển, chất lượng giáo dục được giữ vững; an sinh xã hội được đảm bảo; quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế tiếp tục được triển khai hiệu quả.
Gia Huy