Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên cam kết bàn giao mặt bằng đúng tiến độ để khởi công Vành đai 4
(Chinhphu.vn) - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đề nghị 3 địa phương (Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên) tranh thủ tối đa sự đồng thuận, ủng hộ của người dân để thực hiện nhanh công tác giải phóng mặt bằng dự án Vành đai 4, bảo đảm đúng tiến độ bàn giao như để dự kiến khởi công cuối tháng 6/2023.
Sáng 7/3, tại tỉnh Bắc Ninh, Ban chỉ đạo dự án Vành đai 4 tổ chức hội nghị triển khai dự án đầu tư xây dựng Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội. Hội nghị do Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng dự án Vành đai 4 chủ trì; cùng tham dự có Bí thư tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn; Bí thư tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa; Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh; lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên Môi trường và lãnh đạo 3 tỉnh Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên…
Khẩn trương công tác thẩm định và phê duyệt các dự án thành phần
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, tiến độ dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô (cơ bản hoàn thành năm 2026, đưa vào vận hành năm 2027) không chỉ được ghi rõ trong Nghị quyết của Quốc hội, mà còn trong các Nghị quyết của Bộ Chính trị, của Chính phủ cho thấy sự chỉ đạo đồng bộ và quyết tâm chính trị cao của Trung ương và 3 địa phương Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên.
Trong thời gian qua, Ban chỉ đạo xây dựng Vành đai 4 của 3 tỉnh (Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên) đã quyết liệt triển khai các nhiệm vụ của dự án, trong đó công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, đến nay đã có một số kết quả bước đầu quan trọng, tuy nhiên không khỏi phát sinh một số vướng mắc, khó khăn. Hà Nội, Hưng Yên đang triển khai tốt tiến độ dự án, tỉnh Bắc Ninh còn một số vướng mắc trong quá trình triển khai. Cuộc họp nhằm thảo luận, tiếp tục thống nhất chung để tiếp tục triển khai Vành đai 4 theo đúng tiến độ.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn, Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô được triển khai theo 07 dự án thành phần, vận hành độc lập, bao gồm: 03 dự án thành phần thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư trên địa bàn của từng tỉnh, thành phố bằng vốn đầu tư công; 03 dự án thành phần đầu tư xây dựng đường song hành trên địa bàn từng tỉnh, thành phố bằng vốn đầu tư công và dự án thành phần 3 đầu tư xây dựng hệ thống đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư.
Về tiến độ công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), đến nay, Hà Nội đã di chuyển 5.307/11.682 ngôi mộ, đạt 48,83%; đã phê duyệt và thu hồi đất được 276,08/796,766 ha, đạt 34,65%. Tổng số tiền đã phê duyệt trên địa bàn thành phố Hà Nội là trên 2.488 tỷ đồng.
Đối với tỉnh Hưng Yên, tổng diện tích thu hồi trong phạm vi GPMB 263,7ha/19,3Km. Số hộ đất ở bị thu hồi 843 hộ. Số mộ chí cần di dời 3.327 ngôi, dự kiến diện tích bố trí tái định cư 50ha. Di chuyển 15 cột điện cao thế. Tổng kinh phí thực hiện công tác giải phóng mặt bằng dự án khoảng trên 5.966 tỷ đồng, vượt trên 2.226 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư được Quốc hội thông qua trên địa phận Hưng Yên.
Quỹ phát triển đất tỉnh Hưng Yên đã tạm ứng 42 tỷ đồng để các địa phương tổ chức chi trả cho nhân dân đi chuyển mồ mả và thực hiện đồng thời công tác xây dựng nghĩa trang mới hoặc mở rộng, các công việc khác có liên quan. Đến nay, tại các huyện đã di chuyển được 738 ngôi/3.311 ngôi mộ.
Còn tại tỉnh Bắc Ninh, tổng diện tích đất bị thu hồi khoảng 389 ha; số mộ bị ảnh hưởng 3.189 mộ. Hiện tại, tỉnh chưa thực hiện chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Đối với việc triển khai thực hiện các dự án thành phần, đến nay Hà Nội đã phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thành phần 1.1: Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thuộc địa phận thành phố Hà Nội, với tổng mức đầu tư khoảng 13.370 tỷ đồng và dự án thàn phần 2.1: Xây dựng đường song hành (đường đô thị) địa phận thành phố Hà Nội, tổng mức đầu tư khoảng 5.388 tỷ đồng theo hình thức đầu tư công bằng nguồn vốn ngân sách Thành phố.
Các dự án thành phần 1.2, 1.3, 2.2, 2.3 do UBND các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh là cơ quan có thẩm quyền đang tổ chức thẩm định, tiến độ bị chậm theo tiến độ tại Nghị quyết số 106/NQ-CP ngày 18/8/2022 (phê duyệt các dự án thành phần trong tháng 01/2023) và có nguy cơ ảnh hưởng đến tiến độ khởi công dự án trong tháng 6/2023.
Các địa phương cam kết bàn giao mặt bằng đúng tiến độ để khởi công
Theo Phó Chủ tịch Dương Đức Tuấn, về nhiệm vụ thời gian tới, TP. Hà Nội sẽ đẩy nhanh công tác thẩm định và phê duyệt Dự án thành phần 1.2 và Dự án thành phần 1.3. Tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên khẩn trương đẩy nhanh công tác thẩm định và phê duyệt các dự án thành phần để kịp thông qua kỳ họp HĐND tỉnh bố trí vốn, đảm bảo để khởi công dự án trong tháng 6/2023. Đồng thời, chủ động rà soát nguồn vật liệu trên địa bàn tỉnh để ưu tiên cung cấp cho Dự án nhằm giảm chi phí, rút ngắn cung đường vận chuyển.
Bí thư tỉnh Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa nhấn mạnh, đây là dự quan trọng lớn, khối lượng công việc rất nhiều, trong thời gian qua các địa phương đã quyết liệt và nhận được sự đồng hành của nhân dân các địa phương, đây là điều quan trọng để các dự án thành phần thuận lợi trong giải phóng mặt bằng. Mặc dù kết quả tích cực nhưng các vướng mắc cũng không nhỏ, điều này kéo theo hệ lụy về pháp lý trong giải phóng mặt bằng, bồi thường tái định cư… của các địa phương. Bí thư Bắc Ninh đề nghị các kiến nghị cần được xem xét khách quan nhằm đáp ứng tiến độ triển khai, đặc biệt là mốc 30/6 cần giải phóng được 70% mặt bằng.
Bí thư tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn đưa cam kết về bảo đảm đến 30/6 sẽ bàn giao mặt bằng để khởi công dự án Vành đai 4. Còn Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết về tinh thần chung, sau cuộc họp sẽ có biên bản thống nhất phê duyệt các dự án thành phần theo thực tế.
Kết luận tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đánh giá, sau chủ trương của Quốc hội về dự án Vành đai 4-Vùng Thủ đô, 3 địa phương (Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên) đã vào cuộc rất đồng bộ; cùng với sự tuyên truyền, vận động của MTTT và các tổ chức chính trị-xã hội, dự án đã nhận được sự đồng thuận của nhân dân.
Trong quá trình triển khai vừa qua, xuất hiện nhiều cách làm hay, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì cái chung. Đặc biệt, dự án nhận được sự đồng thuận cao từ dư luận và nhân dân. Như ở Hà Nội, thực tế cho thấy, cho đến những ngày 28, 29 Tết, người dân vẫn di dời mộ để bàn giao mặt bằng cho Nhà nước. Sau Tết, ngay tuần tháng 2 vừa rồi, các gia đình còn lại lại tiếp tục thực công việc này. Qua thực hiện, các địa phương của Hà Nội đã rút ra nhiều kinh nghiệm quý; trong đó, việc huy động huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị là rất quan trọng.
Hoan nghênh tinh thần trách nhiệm và ý chí quyết tâm của hai tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên thông qua phát biểu khẳng định cam kết của hai đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện Dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô đề nghị các cấp, các ngành của 3 địa phương tranh thủ tối đa sự đồng thuận, ủng hộ của người dân để thực hiện nhanh công tác giải phóng mặt bằng, bảo đảm đúng tiến độ bàn giao như dự kiến. Trong quá trình thực hiện, cần vận dụng chính sách để bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho người dân.
Đồng chí Đinh Tiến Dũng đề nghị các bộ, ngành liên quan xem xét có ý kiến sớm đối với các nội dung kiến nghị, đề xuất của Ban Chỉ đạo; trên tinh thần đó, Ban Chỉ đạo sẽ có văn kiến nghị cụ thể đối với Chính phủ, đề xuất ra nghị quyết của Chính phủ đối với 9 nội dung kiến nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho dự án.
Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng lưu ý một số vấn đề để thống nhất thực hiện ở cả 3 địa phương trong quá trình thực hiện công tác giải phóng mặt bằng như tập trung tuyên truyền vận động và hoàn thành sớm việc di dời mồ mả; kiểm soát chặt chẽ về việc xác định nguồn gốc đất và diện tích đất...
Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô nhất trí với đề nghị phê duyệt theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đối với các dự án thành phần vượt tổng mức đầu tư dự kiến sơ bộ ghi trong Nghị quyết của Quốc hội, đồng thời sẽ báo cáo xin ý kiến của các cơ quan có thẩm quyền.
Gia Huy