Hà Nội: Bảng giá đất mới tạo ra nhiều chuyển biến tích cực trong quản lý đất đai

24/12/2024 9:49 PM

(Chinhphu.vn) - Theo các chuyên gia, việc Hà Nội ban hành bảng giá đất mới sẽ tạo ra nhiều chuyển biến tích cực trong quản lý đất đai. Đồng thời, giúp tháo gỡ các vướng mắc trong quản lý đất đai, bảo đảm tính minh bạch, công bằng trong giải phóng mặt bằng và khai thác nguồn lực đất đai hiệu quả hơn.

Bảng giá đất điều chỉnh mới áp dụng từ nay cho hết năm 2025

Hà Nội vừa ban hành bảng giá đất điều chỉnh mới, áp dụng từ nay cho hết năm 2025 theo hướng tăng mạnh, gấp 2-6 lần so với trước đây, mức cao nhất lên tới 695,3 triệu đồng/m2 tại quận Hoàn Kiếm.

Hà Nội: Bảng giá đất mới tạo ra nhiều chuyển biến tích cực trong quản lý đất đai- Ảnh 1.

Việc Hà Nội ban hành bảng giá đất mới sẽ tạo ra nhiều chuyển biến tích cực trong quản lý đất đai. Đồng thời, giúp tháo gỡ các vướng mắc trong quản lý đất đai, bảo đảm tính minh bạch, công bằng trong giải phóng mặt bằng và khai thác nguồn lực đất đai hiệu quả hơn. Ảnh: VGP/Thùy Chi

Sự điều chỉnh này phản ánh nhu cầu quản lý sát thực tế, nhưng cũng tạo áp lực lớn đối với người dân, doanh nghiệp, cơ quan quản lý trong thực hiện nghĩa vụ tài chính, thuế đất và hoạt động kinh doanh liên quan. Đồng thời, đặt ra nhiều thách thức trong việc cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội, nhất là khu vực ngoại thành, miền núi.

So với bảng giá đất cũ, bảng giá đất điều chỉnh tại Quyết định bảng giá đất điều chỉnh tại Quyết định số 71 ngày 20/12/2024 của UBND thành phố Hà Nội có mức tăng đáng kể, dao động từ 2 đến 6 lần. Đáng chú ý, giá đất cao nhất thuộc quận Hoàn Kiếm, với giá lên tới 695,3 triệu đồng/m2. Mức giá này áp dụng cho đất ở vị trí 1 tại các tuyến phố, như: Lê Thái Tổ, Hàng Ngang, Hàng Đào, cao gấp 3,7 lần bảng giá cũ (187,9 triệu đồng/m2).

Một số tuyến phố ghi nhận mức tăng kỷ lục: Đường Trần Hưng Đạo (đoạn Trần Thánh Tông - Lê Duẩn) tăng từ 114 triệu đồng/m2 lên 695,3 triệu đồng/m2, gấp 6 lần. Đường Nhà Thờ tăng từ 125,4 triệu đồng/m2 lên 695,3 triệu đồng/m2, gấp 5,5 lần. Đường Hai Bà Trưng (đoạn Lê Thánh Tông - Quán Sứ) có mức cao nhất là 695,3 triệu đồng/m2.

Tại quận Ba Đình, giá đất cao nhất thuộc đường Phan Đình Phùng, đạt 450,8 triệu đồng/m2, gấp 3,4 lần so với bảng giá cũ. Các tuyến đường: Trần Phú, Độc Lập, Bắc Sơn (đoạn từ Độc Lập – Hoàng Diệu), Điện Biên Phủ cũng vượt ngưỡng 400 triệu đồng/m2.

Trên địa bàn quận Hai Bà Trưng, giá đất cao nhất ghi nhận tại đường Phố Huế (đoạn Nguyễn Du - Nguyễn Công Trứ) và Nguyễn Du (đoạn Quang Trung - Trần Bình Trọng) với giá 368 triệu đồng/m2, tăng gần 3,5 lần. Quận Tây Hồ, ở đường Văn Cao có giá cao nhất là hơn 256 triệu đồng/m2, tăng gần 3,3 lần so với bảng giá cũ.

Còn ở ngoại thành, bảng giá đất mới cũng ghi nhận sự điều chỉnh mạnh mẽ. Tại huyện Ba Vì, các vị trí trung tâm, như khu vực từ thị trấn Tây Đằng đến trạm điện ngã ba Đồng Bảng, xã Đồng Thái; đoạn từ giáp quốc lộ 32 đến tiếp giáp đường nối cầu Văn Lang - quốc lộ 32 có giá từ hơn 8,5 triệu đồng/m2 đến hơn 10 triệu đồng/m2. Các xã miền núi, đất ở khu dân cư có giá hơn 1,2 triệu đồng/m2; các xã khu vực đồng bằng cũng hơn 2 triệu đồng/m2. Tuyến đường quan trọng ở các huyện ven đô đều tăng đáng kể, nhiều nơi có giá từ hơn 30 triệu đồng đến gần 70 triệu đồng/m2...

Bảng giá đất điều chỉnh mới bảo đảm tính minh bạch, công bằng

Theo các chuyên gia, việc ban hành bảng giá đất điều chỉnh không chỉ bảo đảm tính minh bạch, công bằng, mà còn là bước đệm quan trọng để chuẩn bị cho giai đoạn 2026-2030, phù hợp với Luật Đất đai 2024.

Ông Đào Trung Chính, Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, việc điều chỉnh bảng giá đất nhằm đáp ứng yêu cầu thực tế trong quản lý đất đai và khai thác nguồn lực từ đất. Đặc biệt, nhiều vị trí ở trung tâm Hà Nội có mức giá gần 700 triệu đồng/m², bảng giá đất phản ánh giá trị thực, tiệm cận giá thị trường...

Bên cạnh đó, việc điều chỉnh này không chỉ bảo đảm tính minh bạch, công bằng, mà còn là cơ sở pháp lý thúc đẩy các dự án đầu tư công, giải phóng mặt bằng nhanh hơn và khai thác nguồn lực đất đai hiệu quả hơn. Đây là bước tiến cần thiết trong quản lý đất đai.

Tuy nhiên, ông Đào Trung Chính cũng chỉ ra những thách thức từ bảng giá đất mới, nhất là đối với hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và nhóm chính sách. Theo ông Chính, các đối tượng này sẽ gặp khó khăn khi thực hiện nghĩa vụ tài chính, như đóng tiền sử dụng đất để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Ông Chính cho rằng, mặc dù, Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ, như cho nợ tiền sử dụng đất trong vòng 5 năm..., nhưng các chính sách này vẫn cần vận dụng linh hoạt hơn để giảm gánh nặng tài chính cho người dân.

Cùng quan điểm với ông Đào Trung Chính, ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội cho rằng, việc công bố bảng giá đất mới sẽ tạo ra nhiều chuyển biến tích cực trong quản lý đất đai. Trước đây, việc định giá đất thường không sát với giá trị thực, dẫn đến nhiều khó khăn trong đàm phán bồi thường và thực hiện nghĩa vụ tài chính. Khi có bảng giá đất mới, các vướng mắc này sẽ được tháo gỡ.

Bên cạnh đó, việc UBND TP. Hà Nội ban hành bảng giá đất điều chỉnh không chỉ nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai mà còn góp phần tạo ra môi trường minh bạch, công bằng cho người dân và doanh nghiệp khi thực hiện các giao dịch, nghĩa vụ liên quan đến đất đai. Điều này mang lại nhiều lợi ích quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý đất đai, phát triển kinh tế, bảo đảm công bằng xã hội.

Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, để ban hành bảng giá đất điều chỉnh, Sở đã khảo sát thực tế qua 2 năm, thu về hơn 20.740 phiếu khảo sát tại 30 quận, huyện và 579 xã, phường, thị trấn.

Việc bảng giá điều chỉnh đưa ra với mức cao hơn trước đây dẫn tới lo ngại sẽ làm tăng thuế, phí về đất đai. Tức là, hộ gia đình, cá nhân khi được Nhà nước cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sẽ phải nộp nghĩa vụ tài chính cao hơn trước.

Tuy nhiên, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho rằng bảng giá mới giúp giảm bớt chênh lệch, đưa giá đất ở Thủ đô dần tiếp cận với thị trường. Điều này giúp thiết lập chính sách đồng bộ trong quản lý đất và hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng và người có nhu cầu sử dụng đất thực hiện dự án. Nhờ đó, thu ngân sách tăng qua thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất của người dân, doanh nghiệp.

Trao đổi với báo chí, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Anh Quân cho biết, việc điều chỉnh bảng giá đất tại Hà Nội có nhiều tác động tích cực đến quản lý và sử dụng đất, đặc biệt ở các khía cạnh, như đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp, giải phóng mặt bằng và thiết lập chính sách tài chính.

Đối với giá đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp, mức tăng dao động từ 20% đến 25% tại các huyện và 28% đến 70% tại các quận. Tại các huyện, việc điều chỉnh không gây ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, mà còn tạo động lực thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp.

Ngược lại, tại các quận, mức tăng cao hơn tạo sức ép kinh tế đối với các cơ sở sản xuất hiện có, thúc đẩy việc di dời ra ngoài trung tâm, qua đó giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường, phòng chống cháy nổ và phù hợp với quy hoạch đô thị.

Về công tác giải phóng mặt bằng, điều chỉnh bảng giá đất không ảnh hưởng trực tiếp, vì giá đất bồi thường được xác định dựa trên giá đất cụ thể theo phương pháp định giá của pháp luật. Tuy nhiên, bảng giá mới góp phần bảo đảm tốt hơn quyền lợi của người bị thu hồi đất, khuyến khích họ chấp hành chính sách giải phóng mặt bằng. Điều này tạo thuận lợi cho việc thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Đặc biệt, đối với công tác đấu giá quyền sử dụng đất, bảng giá làm cơ sở để tính giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất, cho thuê đất đối với trường hợp thửa đất, khu đất đã được đầu tư hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch chi tiết xây dựng. Do đó, việc điều chỉnh bảng giá đất tăng tiệm cận với giá thị trường là cấp thiết, nhằm bảo đảm được nguồn thu từ hoạt động đấu giá đất.

Bên cạnh đó, việc bảng giá tiếp cận gần hơn với giá thị trường giúp giảm bớt sự chênh lệch, thiết lập cơ chế quản lý đất đai đồng bộ và bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư. Quan trọng hơn, điều chỉnh này cũng giúp tăng nguồn thu ngân sách thông qua các khoản thuế, phí và nghĩa vụ tài chính về đất, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô Hà Nội trong thời gian tới.

Thùy Chi

Top