Hà Nội: Bảo đảm an ninh, an toàn giao thông mùa lễ hội

02/02/2023 12:55 PM

(Chinhphu.vn) - Sau những năm gián đoạn vì COVID-19, năm nay, lượng khách đổ về các di tích, lễ hội xuân đã tăng đột biến. Các phương án bảo đảm an ninh trật tư, an toàn giao thông đã và đang được các địa phương trên địa bàn TP. Hà Nội tập trung thực hiện.

Bảo đảm an ninh, an toàn giao thông mùa lễ hội - Ảnh 1.

Người dân đi lễ hội chùa Hương. Ảnh: VGP/BP

Thủ đô Hà Nội là nơi diễn ra nhiều lễ hội nhất cả nước, chủ yếu là vào mùa Xuân. Đáng chú ý nhất là lễ hội chùa Hương năm 2023 (diễn ra từ ngày 23/1 đến ngày 23/4, tức từ ngày mùng 2 tháng Giêng đến hết ngày mùng 4/3 Âm lịch) với chủ đề "Lễ hội chùa Hương an toàn - văn minh - thân thiện". Lễ khai hội diễn ra vào ngày 27/1, tức mùng 6 tháng Giêng năm Quý Mão…

Năm nay huyện Mỹ Đức, Hà Nội đã tiến hành cải tạo, nâng cấp các bãi đậu xe đáp ứng được nhu cầu du khách; các phương án điều tiết giao thông đường bộ và đường thủy cũng được xây dựng khoa học, tránh ùn tắc trong suốt 3 tháng diễn ra lễ hội.

Ông Nguyễn Bá Hiển, Trưởng ban Quản lý Khu di tích thắng cảnh Hương Sơn chia sẻ, đối với công tác vận chuyển bằng thuyền trên tuyến đường thủy, tức là suối Yến chùa Hương, chúng tôi đã tuyên truyền đến các hộ kinh doanh phục vụ vận chuyển khách không chở quá số người theo quy định để bảo đảm an toàn giao thông đường thủy.

"Về giao thông đường bộ, chúng tôi tập trung lực lượng công an, trong đó có tăng cường cả công an của thành phố Hà Nội hướng dẫn, chặn các đường ngang lối tắt, để các phương tiện di chuyển thuận lợi nhất", ông Nguyễn Bá Hiền nhấn mạnh.

Không chỉ có huyện Mỹ Đức mà các quận huyện như Đông Anh, Sóc Sơn, Đống Đa… nơi có nhiều lễ hội lớn cũng đều xây dựng kịch bản cụ thể với tâm thế mùa lễ hội năm nay sẽ diễn ra náo nhiệt do thời gian dài người dân ít du Xuân trẩy hội để phòng dịch.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Thị Tám, Lễ hội Cổ Loa 2023 đồng thời diễn ra cùng sự kiện công bố Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia Lễ hội Cổ Loa và công nhận Khu di tích quốc gia đặc biệt di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật và khảo cổ Cổ Loa là điểm du lịch.

"Những hạn chế của các mùa hội trước cũng được chú trọng khắc phục trong dịp này. Ban Tổ chức lễ hội đã cho dẹp toàn bộ hàng quán trước khu vực cổng vào để tạo sự thông thoáng, quy hoạch bãi đỗ xe, tăng cường pano quảng bá, tuyên truyền về lễ hội…", bà Nguyễn Thị Tám nói.

Đối với Lễ hội Gióng ở Đền Sóc, huyện Sóc Sơn đã chủ động các kế hoạch ứng phó với khả năng tăng đột biến lượng khách tham gia lễ hội; tháo gỡ những khó khăn về bến bãi đỗ xe, ngăn ngừa nguy cơ phát sinh dịch vụ trông giữ xe tự phát gây mất an ninh trật tự, ùn tắc cục bộ.

Trên địa bàn quận Ba Đình hiện có 23 lễ hội, chủ yếu diễn ra vào dịp đầu xuân năm mới. Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin kiêm Trưởng ban Quản lý di tích quận Ba Đình Lê Thị Khanh cho biết, UBND quận đã thành lập các đoàn kiểm tra trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi, lưu hành, kinh doanh văn hóa phẩm trái phép và kiểm tra chặt chẽ các hoạt động dịch vụ, niêm yết công khai giá dịch vụ; kiểm tra, ngăn chặn các hành vi gian lận đối với các tổ chức, cá nhân lợi dụng lễ hội để tăng giá, ép giá.

Đồng thời, quận cũng kiểm tra công tác quy hoạch sắp xếp hàng quán, dịch vụ nơi trông giữ phương tiện giao thông; công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cháy, nổ; công tác bảo đảm vệ sinh môi trường; việc quản lý thu, chi tiền công đức, tiền lễ và các khoản thu từ lễ hội…

Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình Phạm Thị Diễm cho hay, công tác quản lý lễ hội được thực hiện trên cơ sở phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các ngành, cấp. Đồng thời, quận cũng chỉ đạo Ban Quản lý các địa điểm du lịch, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa, thường xuyên thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh theo quy định của Bộ Y tế nhằm bảo đảm cho người dân và du khách tham dự lễ hội đầu năm trong không khí vui tươi, an toàn.

Tại huyện Thường Tín, lễ hội truyền thống chùa Đậu được diễn ra trong 3 ngày từ mùng 8 đến mùng 10 tháng giêng hằng năm. Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản lưu ý, việc quản lý và tổ chức lễ hội đúng quy định của pháp luật, phù hợp với thuần phong mỹ tục, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, bảo tồn phát huy các giá trị di sản văn hóa, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội và du lịch.

Cùng với đó, huyện đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để nhân dân và và du khách khi tham gia lễ hội nâng cao ý thức tôn trọng, bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, giá trị của di tích. Đặc biệt, chú trọng bảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ…

Theo Công an TP. Hà Nội, để bảo đảm lễ hội được diễn ra trang trọng, an toàn, nghiêm túc, Công an các đơn vị đã triển khai xây dựng kế hoạch bảo đảm an ninh trật tự, nhất là tập trung rà soát, bổ sung các phương án bảo đảm trật tự an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ tại các đền, chùa, điểm sinh hoạt văn hoá đông người.

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc Công an TP. Hà Nội cho biết, ngay từ trước Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, những phương án, biện pháp về bảo đảm an ninh trật tự, đặc biệt là xử trí đối với các lễ hội tập trung đông người, chống giẫm, đạp đã được Công an Thành phố xây dựng, triển khai theo đúng tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an.

Thùy Linh

Top