Tổ chức lễ hội đầu Xuân phù hợp giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc

10/01/2023 11:10 AM

(Chinhphu.vn) - Để tổ chức tốt lễ hội đầu Xuân 2023, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã yêu cầu các địa phương tổ chức lễ hội phù hợp với các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; bảo tồn phát huy các giá trị di sản văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và du lịch.

Tổ chức lễ hội đầu Xuân phù hợp giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc - Ảnh 1.

Lễ hội đầu Xuân nhằm bảo tồn phát huy các giá trị di sản văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và du lịch tại các địa phương - Ảnh: VGP/Gia Huy

Lễ hội Chùa Hương đổi mới bằng hình thức bán vé điện tử

Để chuẩn bị cho lễ hội Chùa Hương năm 2023, ngay từ tháng 12/2022, Ban tổ chức lễ hội Chùa Hương đã tổ chức triển khai thông qua kế hoạch quản lý và tổ chức lễ hội du lịch Chùa Hương năm 2023 với chủ đề " Lễ hội Chùa Hương an toàn, văn minh thân thiện".

Lễ hội Chùa Hương hàng năm diễn ra trong 3 tháng, năm nay, lễ hội diễn ra từ ngày 23/1/2023 (mùng 2 tháng Giêng) đến hết ngày 23/4 (tức ngày ngày 4/3 năm Quý Mão).

Theo Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Đặng Văn Triều, huyện ủy đã họp chuyên đề và ban hành Nghị quyết về đổi mới công tác quản lý, tổ chức, điều hành lễ hội du lịch Chùa Hương. Theo Nghị quyết này, lộ trình đến năm 2025, lễ hội Chùa Hương đổi mới hoàn toàn nhằm đáp ứng được nhu cầu du lịch, thưởng ngoạn của du khách.

Trong đó, huyện chú trọng công tác quy hoạch tổng thể khu di tích thắng cảnh Hương Sơn, công tác vệ sinh môi trường, bến bãi đỗ xe, nhất là công tác điều hành vận chuyển du khách về với lễ hội Xuân. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền về ý thức trách nhiệm giữ gìn nếp sống văn minh trong lễ hội. Kiên quyết xử lý các hiện tượng tiêu cực trong hoạt động lễ hội để lễ hội Chùa Hương 2023.

Ban tổ chức lễ hội đã thành lập 7 tiểu ban, 1 trạm kiểm soát vé thắng cảnh, 1 tổ liên ngành; thông qua quyết định Thành lập chỉ đạo, ban tổ chức, quy chế làm việc và phân công  nhiệm vụ cụ thể, chi tiết cho từng tiểu ban; yêu cầu các tiểu ban xây dựng kịch bản quản lý tổ chức lễ hội an toàn, chu đáo.

Điểm nổi bật của lễ hội Chùa Hương năm 2023 là đổi mới hình thức bán vé tham quan, lễ hội từ hình thức vé truyền thống sang mô hình vé điện tử. Theo đó, ban tổ chức sắp xếp lại các điểm bán vé, phương thức bán vé để phù hợp, tạo điều kiện thuận tiện cho du khách về tham quan, trẩy hội.

Ban tổ chức cũng xây dựng tuyến và đưa vào thí điểm mô hình chạy xe điện tại các điểm bến xe để du khách về Chùa Hương được thưởng ngoạn vẻ đẹp của xã Hương Sơn. Kiên quyết xử lý các hàng quán kinh doanh không chấp hành quy định của ban tổ chức lễ hội; rà soát các cửa hàng kinh doanh, khách sạn, bãi đỗ xe đảm bảo tiêu chuẩn an toàn tuyệt đối về phòng chống cháy nổ…

Lễ hội cần gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Nhằm quản lý, tổ chức tốt lễ hội đầu Xuân năm 2023, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã yêu cầu các địa phương bảo đảm việc quản lý và tổ chức lễ hội đúng quy định của pháp luật; phù hợp với thuần phong mỹ tục, các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân; bảo tồn phát huy các giá trị di sản văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và du lịch trên địa bàn Thành phố.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu về nguồn gốc của lễ hội, di tích và các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh; về các giá trị, ý nghĩa đích thực của tín ngưỡng và nghi lễ truyền thống. Sở Văn hóa và Thể thao cũng nhấn mạnh về việc không để việc tổ chức lễ hội biến tướng thành dịch vụ mang tính trục lợi, ảnh hưởng đến nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc. Tuyên truyền vận động người dân hạn chế đốt vàng mã, bảo đảm an toàn; thực hiện phòng chống cháy nổ, tiết kiệm không phô trương, lãng phí, hình thức.

Việc tổ chức lễ hội được yêu cầu phải trang trọng, tiết kiệm, thiết thực, hiệu quả. Không để xảy ra các hoạt động mê tín dị đoan, hủ tục lạc hậu, các hoạt động có nguy cơ gây cháy, nổ, làm mất an ninh, trật tự và đoàn kết trong cộng đồng dân cư. Tổ chức lễ hội phù hợp với quy mô, điều kiện thực tế của địa phương, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, bản sắc của địa phương, của dân tộc.

Để thực hiện tốt những điều này, các quận, huyện, thị xã cần tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa và giá trị lịch sử của lễ hội, đảm bảo tổ chức an toàn, trang trọng, hiệu quả, thiết thực, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, bảo vệ di tích, di sản.

Công tác quản lý và tổ chức lễ hội tại các quận, huyện, thị xã được yêu cầu không tổ chức lễ hội vì mục đích thương mại, vi phạm các quy định về thực hiện nếp sống văn minh, không tổ chức những lễ hội có nội dung phản cảm, kích động bạo lực, gây bức xúc dư luận xã hội.

Ban Quản lý di tích, Ban Tổ chức lễ hội cần có phương án quản lý hòm công đức; bố trí lực lượng thu gom kịp thời các loại tiền lẻ, tiền giọt dầu đặt không đúng nơi quy định; sử dụng tiền công đức công khai, minh bạch và đúng mục đích. Không đưa các linh vật ngoại lai, hiện vật lạ không phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam vào các khu di tích, khu thờ tự, đảm bảo tính nguyên trạng của di tích theo đúng Luật Di sản văn hóa và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Ban tổ chức lễ hội cũng cần niêm yết công khai Quy tắc ứng xử nơi công cộng tại những điểm có lễ hội diễn ra để du khách thực hiện sinh hoạt tín ngưỡng, tham quan di tích, dự lễ hội biết và thực hiện.

Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cũng cho biết, đối với các lễ hội lớn, dài ngày tập trung đông người cần tổ chức các lớp tập huấn nhằm quán triệt nội dung quy định của Ban tổ chức, hướng dẫn cho các chủ dịch vụ, bến bãi, chủ xe, chủ xuồng, đò có thái độ ứng xử văn minh, tuân thủ các quy định của Ban tổ chức lễ hội, các quy định về an ninh trật tự, phòng, chống cháy nổ, đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm. Các doanh nghiệp, cá nhân tham gia dịch vụ phải ký cam kết với Ban tổ chức lễ hội, thực hiện việc niêm yết công khai giá bán các mặt hàng, các phí phục vụ tại lễ hội.

Riêng với Ban Tổ chức lễ hội, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã yêu cầu không tổ chức lễ hội tốn kém, lãng phí, ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt bình thường của nhân dân trong khu vực và ngân sách địa phương; không lợi dụng lễ hội để trục lợi. Nghiêm cấm các hoạt động mê tín, dị đoan như: bói toán, xóc thẻ; tàng trữ, buôn bán, sử dụng văn hóa phấm cấm lưu hành; tổ chức trò chơi có tính chất cá cược, đánh bạc dưới mọi hình thức..

Tại các lễ hội phải có quy hoạch địa điểm hoạt động dịch vụ phục vụ nhu cầu người dân tham gia lễ hội; không tổ chức các hoạt động dịch vụ trong khu vực bảo vệ một của di tích lịch sử - văn hóa; không quảng cáo bằng loa, đài gây tiếng ồn quá mức quy định trong lễ hội;

Ngoài ra, việc tổ chức những trò chơi dân gian, hoạt động văn nghệ, thể thao trong khu vực lễ hội phải có nội dung bổ ích, lành mạnh, phù hợp với quy mô, tính chất, đặc điểm của lễ hội.

Gia Huy

Top