Hà Nội: Bảo đảm tính minh bạch, hiệu quả công tác đấu giá quyền sử dụng đất

24/10/2024 2:29 PM

(Chinhphu.vn) - Thị trường đấu giá đất ở Hà Nội đang diễn ra rất sôi động với sự gia tăng đột biến về số lượng và giá trị. Chính vì vậy, việc bảo đảm tính minh bạch, hiệu quả, công tác đấu giá quyền sử dụng đất ở Hà Nội đang được thành phố coi là nhiệm vụ quan trọng với những giải pháp cụ thể...

Hiệu quả trong đấu giá đất giúp tăng thu ngân sách và phát triển hạ tầng

Theo số liệu thống kê, từ đầu năm đến nay, tổng số tiền trúng đấu giá đã đạt khoảng 11.013 tỉ đồng, vượt xa con số 9.200,62 tỉ đồng của cả năm 2023. Đây là kết quả của sự nỗ lực trong công tác tổ chức đấu giá đất từ nhiều địa phương, như: Long Biên, Mê Linh, Phú Xuyên...

Hà Nội: Bảo đảm tính minh bạch, hiệu quả công tác đấu giá quyền sử dụng đất- Ảnh 1.

Công tác đấu giá đất cần phải bảo đảm tính minh bạch, tuân thủ chặt chẽ theo quy định và pháp luật.Ảnh: VGP/Thùy Chi

Tại quận Long Biên, kết quả đấu giá đã đạt 194,74% kế hoạch, tương đương 5.242,54 tỉ đồng; huyện Mê Linh đạt 244% kế hoạch với 1.324,21 tỉ đồng; huyện Phú Xuyên đạt 104,19% kế hoạch với 179,81 tỉ đồng.

Ngoài ra, các huyện như Gia Lâm, Chương Mỹ, Quốc Oai cũng đạt hơn 50% kế hoạch. Điều này cho thấy sự chủ động và hiệu quả trong việc đấu giá đất để tăng thu ngân sách, tạo điều kiện cho phát triển hạ tầng cơ sở.

Một trong những điểm đáng chú ý gần đây là phiên đấu giá ngày 10/8/2024 tại thôn Thanh Thần, xã Thanh Cao (huyện Thanh Oai), 68 thửa đất với diện tích hơn 5.500m² đã được đấu giá với mức trúng 100,575 triệu đồng/m² - cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm 8,667-12,575 triệu đồng/m². Tương tự, ngày 19/8/2024, tại xã Tiền Yên (huyện Hoài Đức), 19 thửa đất, tổng diện tích gần 1.800m² đã được đấu giá với mức khởi điểm 7,3 triệu đồng/m². Giá trúng dao động từ 91,3 triệu đồng đến 133,3 triệu đồng/m² cũng gây chú ý của dư luận...

Đặc biệt, phiên đấu giá tại quận Hà Đông vào cuối tuần qua khiến rất nhiều người quan tâm khi giá trúng đấu cao nhất lên tới hơn 262 triệu đồng/m², tạo lên kỷ lục mới của thị trường đấu giá đất Hà Nội.

Không phủ nhận, trong đấu giá đất, nếu giá được trả càng cao thì ngân sách Nhà nước sẽ thu được càng lớn, nhưng nó cũng mang lại nhiều rủi ro cho thị trường bất động sản cũng như thực hiện dự án đầu tư hạ tầng sau này. Chính vì vậy, công tác đấu giá đất cần phải bảo đảm tính minh bạch, tuân thủ chặt chẽ theo quy định và pháp luật.

Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội khẳng định, công tác đấu giá đất trên địa bàn thành phố Hà Nội luôn tuân thủ theo quy trình, thủ tục, văn bản hướng dẫn của cơ quan chức năng, đặc biệt là bám sát tinh thần của Luật Đất đai, các thông tư hướng dẫn liên quan.

Thời gian qua, hiện tượng giá đất bị đẩy cao quá mức và bỏ cọc chỉ xảy ra ở một số lô đất cá biệt, không phản ánh toàn cảnh của thị trường đấu giá đất trên địa bàn. Trong khi đó, nhiều địa phương như: Phú Xuyên, Thường Tín, Quốc Oai, Hoài Đức, Phúc Thọ, Đan Phượng... chưa ghi nhận tình trạng bỏ cọc sau đấu giá, cho thấy sự ổn định, nghiêm túc trong thực hiện quy trình đấu giá đất tại đây.

Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Hà Đông Lê Thị Kim Oanh cho rằng, kết quả trúng đấu giá vừa qua là bình thường, lô trúng giá cao nhất chỉ là cá biệt; các lô đất còn lại đều ở mức thấp hơn, phản ánh đúng giá thị trường. Thửa đất trúng đấu giá cao nhất là lô góc, tiếp giáp 2 tuyến đường lớn...

Còn tại huyện Quốc Oai, từ đầu năm đến nay Quốc Oai đã tổ chức thành công 4 phiên đấu giá quyền sử dụng đất, thu về hơn 420 tỉ đồng. Dự kiến, từ nay đến cuối năm, huyện tổ chức thêm phiên đấu giá tại các xã: Tân Phú, Sài Sơn, dự kiến thu thêm 250-300 tỉ đồng, đưa tổng thu đấu giá đất của huyện Quốc Oai năm 2024 lên khoảng 600-700 tỉ đồng, vượt kế hoạch thành phố giao…

Tại huyện Phú Xuyên Đỗ Thành Công, từ đầu năm đến nay, huyện đã tổ chức 5 phiên đấu giá quyền sử dụng đất ở, thu hơn 331 tỉ đồng (đạt 115,4% kế hoạch giao). Trong tháng 9 năm 2024, huyện đấu giá thành công 2 khu đất tại các xã: Phú Yên, Châu Can, mức trúng cao nhất đạt hơn 60 triệu đồng/m2

Ngăn chặn tình trạng gây nhiễu loạn thị trường bất động sản

TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, thời gian qua người dân và nhà đầu tư dành sự quan tâm đặc biệt vào dòng sản phẩm đất đấu giá là việc hết sức bình thường, bởi đây là sản phẩm có pháp lý rõ ràng, mặt bằng sạch lại được đầu tư hạ tầng cơ bản (điện, cấp - thoát nước, thông tin liên lạc...).

Cùng với đó là việc thị trường thiếu nguồn cung mới và Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 cấm các đô thị được phân lô, bán nền tại các dự án thương mại, đã tạo ra sức hút cho dòng sản phẩm này.

Để quản lý tốt thị trường bất động sản, Bộ Tài chính đang nghiên cứu để xây dựng dự án Luật Thuế bất động sản, đối tượng bị đánh thuế sẽ là những người sở hữu nhiều nhà đất và để đất đai bỏ hoang không đưa vào khai thác, sử dụng, gây lãng phí tài nguyên.

Thực tế hiện nay trên thị trường phần lớn các sản phẩm bất động sản đều được nhà đầu tư mua đi bán lại cho nhau, trong đó hầu hết nhà đầu tư đều sử dụng đòn bẩy tài chính. Vì vậy, việc sử dụng công cụ thuế bất động sản một cách phù hợp sẽ hạn chế hoặc làm cho nhà đầu tư không còn động lực để đầu cơ nhà đất, khi phải chịu thuế thì chi phí về lãi vay và những chi phí phát sinh khác tăng cao, việc đầu cơ bất động sản sẽ rủi ro hơn. Từ đó, nguồn tiền sẽ được chuyển sang những kênh sản xuất, kinh doanh, giúp gia tăng giá trị cho xã hội.

Để ngăn chặn tình trạng gây nhiễu loạn thị trường bất động sản, mới đây Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã đưa ra nhiều biện pháp bảo đảm tính minh bạch, công bằng trong các phiên đấu giá đất.

Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, Sở đang tích cực phối hợp với các quận, huyện để rà soát, điều chỉnh bảng giá đất phù hợp giá thị trường. Các phiên đấu giá sẽ được giám sát chặt chẽ hơn nhằm ngăn chặn tình trạng thổi giá, thông đồng đấu giá, bỏ cọc. Tuy nhiên, Sở cũng thừa nhận việc điều chỉnh bảng giá đất chưa theo kịp tốc độ của thị trường...

Để khắc phục tồn tại, UBND thành phố Hà Nội đề xuất một số giải pháp nhằm điều chỉnh hoạt động đấu giá đất. Một trong những đề xuất quan trọng là ưu tiên đấu giá đất cho các tổ chức có dự án đầu tư thay vì cho cá nhân tự xây dựng nhà ở nhằm ngăn chặn tình trạng cá nhân lợi dụng đấu giá để đẩy lên cao rồi bỏ cọc hoặc sử dụng đất không đúng mục đích.

Việc ưu tiên đấu giá đất cho các tổ chức có dự án đầu tư rõ ràng không chỉ kiểm soát chặt chẽ mục đích sử dụng đất mà còn bảo đảm đất đai được sử dụng đúng quy hoạch; tạo những công trình có giá trị sử dụng thực tế, ngăn chặn tình trạng đất bị bỏ hoang, gây lãng phí tài nguyên...

Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội căn cứ quy định của pháp luật đất đai hiện hành tiếp tục chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện cập nhật, điều chỉnh bảng giá đất, trình UBND thành phố quyết định điều chỉnh bảng giá đất theo quy định; kịp thời cập nhật, phối hợp, hướng dẫn UBND cấp huyện tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác xác định giá đất.

Về triển khai, tổ chức đấu giá: Công khai, minh bạch trong việc cung cấp thông tin về các phiên đấu giá trên hệ thống thông tin của Trung ương, thành phố và địa phương theo quy định; UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất và cho thuê đất đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật hiện hành; xem xét việc quy định bước giá, hình thức đấu giá (đấu nhiều vòng bắt buộc) đảm bảo tính cạnh tranh và sát giá thị trường.

UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện nghiêm việc cử đại diện tham dự, giám sát việc thực hiện phiên đấu giá; truất quyền tham dự cuộc đấu giá của người tham gia đấu giá vi phạm các hành vi bị nghiêm cấm quy định tại khoản 5 Điều 9 Luật Đấu giá tài sản; dừng phiên đấu giá khi phát hiện có hành vi thông đồng, dìm giá, gây rối, mất trật tự tại cuộc đấu giá hoặc hành vi bất thường khác theo quy định.

Công an thành phố xem xét các biện pháp nghiệp vụ để kịp thời phát hiện vi phạm trong công tác đấu giá quyền sử dụng đất; hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị xã có biện pháp ngăn chặn các trường hợp vi phạm quy định đấu giá không được tiếp tục tham gia đấu giá; đề xuất giải pháp ngăn chặn hoặc hạn chế việc tiếp tục tham gia đấu giá đối với các trường hợp đã từng tham gia đấu giá, trả giá cao "bất thường" để trúng đấu giá nhưng không nộp tiền trúng đấu giá theo quy định.

UBND cấp huyện lập danh sách các trường hợp trả giá cao hơn thị trường để trúng đấu giá nhưng không nộp tiền trúng đấu giá theo quy định gây nhiễu loạn thị trường, công bố danh sách công khai trên trang thông tin…

Với những giải pháp rõ ràng trong công tác đấu giá đất trên địa bàn thành phố, hy vọng trong thời gian tới, lĩnh vực này sẽ đạt hiệu quả, đưa đất đai trở về đúng giá trị vốn có, góp phần phát triển kinh tế xã hội, đồng thời tạo sự bình ổn trong đời sống nhân dân.

Thùy Chi

Top